Xét xử vụ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi: Số tiền khắc phục không đáng kể so với thiệt hại
VKS cho rằng các bị cáo bị truy tố ở mức hình phạt cao nhưng đến nay số tiền khắc phục nêu trên là không đáng kể so với thiệt hại gây ra.
Ngày 29/6, HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án sai phạm tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Bày tỏ quan điểm tại phiên phúc thẩm, đại diện Viện Kiểm sát (VKS) nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng, do thời hạn về tố tụng có hạn, không thể giải quyết vụ án dân sự trong vụ án hình sự nên để đảm bảo tố tụng, phía Tòa án đã tách ra để giải quyết trong vụ án dân sự khác, việc này là hoàn toàn có căn cứ, đúng pháp luật.
Tài liệu hồ sơ trong vụ án này bao gồm kết luận giám định, xác định thiệt hại, cũng như tài liệu thể hiện vai trò trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể gây ra thiệt hại… là căn cứ để khởi tố vụ án, nên theo VKS, các bị đơn hoàn toàn có quyền yêu cầu Tòa án cung cấp nội dung này để khởi kiện trong vụ án dân sự khác.
Trong quá trình tố tụng, các bị cáo cơ bản khai nhận, ăn năn hối cải, có nhân thân tốt, lần đầu phạm tội, không có tư lợi cá nhân. Tuy nhiên, hành vi của các bị cáo không tuân thủ quy định, quy trình, tiêu chuẩn chất lượng,... nên dẫn đến hậu quả của vụ án.
Đối với nhóm các bị cáo là quản lý dự án, VKS cho rằng, do tính nguy hiểm của hành vi, hình phạt Tòa sơ thẩm tuyên là phù hợp, không có căn cứ để giảm hình phạt cho các bị cáo.
Với các bị cáo thuộc nhóm nhà thầu thi công, VKS nhận định các bị cáo này có những sai phạm trong quá trình thi công, không đảm bảo quy trình tiêu chuẩn, vật liệu, giám định chất lượng,...
Đối với các bị cáo thuộc các nhà thầu tư vấn giám sát, VKS cho rằng, các bị cáo là những giám sát viên vật liệu, phòng thí nghiệm, hiện trường,... nhưng không đảm bảo quy trình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng,... Mặc dù có bồi thường nhưng không đáng kể so với thiệt hại gây ra. Các bị đơn trong vụ án là các công ty, nhà thầu chưa nộp thêm khoản tiền nào để liên đới bồi thường thiệt hại cùng các bị cáo.
Vì lẽ đó, phía cơ quan công tố cho rằng, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo.
VKS đã xác định rõ vai trò của chủ đầu tư - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), sau đó mới đến vai trò của các nhà thầu thi công, các tổ chức tư vấn giám sát. Tại phiên tòa sơ thẩm cũng như diễn biến phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đều thừa nhận trách nhiệm như bản án sơ thẩm đã quy kết; vì vậy, các bị cáo phải có trách nhiệm bồi thường.
Liên quan đến thiệt hại của vụ án là hơn 811 tỷ đồng, theo quan điểm đối đáp của VKS, thực tế chỉ có duy nhất chứng từ của Trico nộp 500 tỷ đồng để khắc phục; ngoài ra, có bị cáo nộp 50 triệu đồng, 100 triệu đồng. Tuy nhiên, VKS nhận thấy các bị cáo bị truy tố ở mức hình phạt cao nhưng đến nay số tiền khắc phục nêu trên là không đáng kể so với thiệt hại gây ra nên chưa thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ tự nguyện khắc phục hậu quả cho các bị cáo.
Trên thực tế, đến giờ phút này chưa bị đơn nào nộp tiền nên thiệt hại của vụ án còn nguyên, mức khắc phục của các bị cáo là quá nhỏ nên chưa thể xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nói lời sau cùng tại Tòa, 19 bị cáo mong muốn HĐXX giảm nhẹ hình phạt hoặc cho hưởng án treo và đề nghị hủy bỏ lệnh kê biên tài sản. Các bị cáo thừa nhận sai phạm, nhưng mong cấp phúc thẩm xem xét, đánh giá những tình tiết liên quan đến nhân thân, hoàn cảnh gia đình, tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.
Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng tại Tòa, HĐXX cho biết sẽ tiến hành nghị án và tuyên án phúc thẩm với 19 bị cáo vào sáng thứ Sáu, 1/7/2022.