Phận… vôi

CHÂU NHI 12/07/2022 13:36

Cau xanh, trầu biếc mà chả có vôi nồng thì nhạt thếch. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương viết: “...Có phải duyên nhau thời thắm lại/ Đừng xanh như lá, bạc như vôi”.

Ăn trầu không thể thiếu vôi. Ảnh: Thư Hoàng.

Nói sao mà duyên, mà sâu thẳm đến lạ lùng, người đời sau còn mãi nhíu mày ngẫm ngợi những “thắm” cùng “xanh” và “bạc”. Có duyên phận, có mở lời, người thưa, người đáp, ấy thế nhưng lại có khi bạc như vôi. Bạc ấy thật đáng sợ. Dẫu là một câu nói, một lần nghe được, một ngày thấy nhau bạc đã đủ sợ chứ đừng nói cả chặng đường đời bạc bẽo với nhau.

Vôi bạc mà vôi cũng nồng. Phải chăng vì có nồng ấy nên người ta mới sợ bạc ấy, những như đừng nồng thì có lẽ cũng không đến mức bạc và bạc cũng không đáng sợ đến mức phải truyền đời làm vía cuối năm như thế.

Vôi là thế hay nhân gian nặng tình mà kể với nhau mãi về vôi cùng những lời như thế nên cho đến tận bây giờ những nồng, những bạc chưa bao giờ thôi đeo bám và làm con người ta vợi đi hoảng sợ, oán thán.

Lạ lùng phận vôi.

Xưa, vôi thường có trong nhà, tôi lưng lửng bình. Cắm vào đó cái “chìa vôi” được làm bằng tre (có khi chính là một chiếc đũa tre), đầu cầm thì ngọn, đầu quyệt thì vạt, để mà lấy vôi quệt vào lá trầu, cuộn lại, còn đầu nhọn kia xiên thủng mấy lớp lá xanh ghim lại, ấy là têm trầu.

Dẫu lá trầu trên đĩa có hanh vàng hay ngả khô, nhưng khi vôi quệt, xiên ghim là đã thấy thơm. Thơm gắt, ấm nồng, thơm không như quế, như hồi, không thơm như hoa mà thơm bởi lá. Thứ lá nhìn đã đẹp từ lúc non xanh, cho đến khi bánh tẻ hay ngả vàng. Thứ lá cầm lên têm ai cũng phải ngắm cái ngọn nhọn hoắt, rồi mới tính tỉa, tính quệt đủ lượng vôi để têm ra miếng trầu cánh phượng đẹp và tình. Vời vợi nghĩ suy đi mãi tận đâu, có khi về đến tận tròn trăng thuở nào. Phải lòng nhau, nhưng vô duyên, hẹn thề nhau, nhưng có người bạc. Nghĩ mà làm gì, duyên phận mấy người như ý...

Chẳng có vôi, ai têm trầu. Những tưởng những bình vôi vơi lại đầy để cạnh cơi trầu, con dao thì mòn lưỡi, cái cơi đồng thì nhiều lắm những vết quệt vôi trắng, có khi truyền từ đời mẹ sang đời con. Nhưng không, có khi bình vôi ấy bị sứt hoặc đặc đến mức chẳng thể tôi được vôi nữa nên người ta đem gửi ra làng. Gửi chứ không phải vứt, gửi dưới gốc đa làng mình. Vôi ấy để các cô, các cậu hay những vong đang nương nhờ ở gốc đa này dùng. Có lời truyền miệng rằng vào những đêm trăng sáng, khuya khoắt, người ta thấy những bình vôi này bay lên trên cành đa, tựa như có người đang cầm bay thấp, bay cao. Thấy cả tiếng thì thào như tiếng người vừa ăn trầu vừa nói chuyện. Thực hư thế nào không biết nhưng trẻ con nghe thế sợ run. Đêm khuya về qua gốc đa, những đốm trắng là các bình vôi mà cứ tưởng tượng đủ thứ, nép vào người lớn, hoặc chạy như bị ma đuổi.

Bình vôi là thế.

Trước phận vôi là phận đá.

Một người bán vôi ở chợ Nủa (Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội). Ảnh: Thư Hoàng.

Đá vôi trùng trùng, người có nghề đục đá mà nung vôi, đục thủ công, tảng to, tảng nhỏ lăn xuống chân núi, ghè đẽo vừa tầm “ăn lửa” rồi gánh về lò nung. Xưa, nung vôi thủ công, lò ấy chất đá lớn nhỏ xung quanh, để hổng giữa để tiếp củi và trộn trấu với bùn đắp bên ngoài. Vôi được “ninh nấu” chín thì rút củi, ủ lửa, đợi cho đến nguội thì dỡ lò, chất lên xe đi bán. Xe bò kéo đi chợ tổng, đi xa gần khắp nẻo, sang cả sông để tìm mối bán. Cứ một xe vôi, dăm bó ngọn mía, thân ngô hay bao tải cỏ, người bà bò rong ruổi đi khắp vùng.

Gặp khách thì bán hết ngay, những hôm sau lại gọi thêm anh em làm đôi ba chuyến để người mua đủ mẻ tôi vôi làm nhà, đấy là may, gặp khách. Nếu ế thì cả người cả bò lại phải tìm cầu chợ hay các cửa hàng nhà nước to như bách hóa, lương thực mà trú ngụ nhờ ở ngoài hiên. Nghề làm vôi nhọc nhằn, hít bụi quanh năm, nhưng có việc mà làm, quê lại sẵn đá núi, không sẵn ruộng nên ai theo nghề đều phải cố, chuyện cơm áo bao đời thường thế.

Truyền khẩu người mạn núi Trầm xứ Bắc truyền nhau lời nguyền: “Bao giờ núi Trầm hết đá, Tích giang hết nước thì họ Đặng hết người làm quan”.

Núi Trầm uy nghi, những lò vôi dưới chân núi bao đời vẫn nóng, người mạn này không quản khó mải miết đem vôi đi bán xa gần.

Nhà ai mua vôi về tôi là tín hiệu vui, chắc chắn sắp xây được gian cửa gian nhà, xây bếp hay lát sân gạch... Xe bò kéo vôi theo chủ về đến nhà, vôi chất đống ngoài góc vườn cũng là khi hố vôi trong vườn được đào xong, trải cát lót đáy đàng hoàng. Hố vôi trong vườn nhà khi xây tiện, đỡ phải gánh gồng hay quây bạt lót thùng xe cải tiến chở về, nhưng nguồn nước dẫn vào hố để tôi vôi, nhiều khi lại không tiện, nhất là nguồn nước trong để tôi vôi. Khổ nhất là phải gánh nước về chế trong quá trình vôi sôi. Người nhà có khi làm không xuể, phải gọi họ mạc, hàng xóm đến làm giúp...

Tiện nhất là thấy người trong xóm có hố vôi sẵn “mượn” một thời gian vừa đỡ mất công, đỡ dính hố. Nếu không thì tìm đoạn cuối khúc mương dẫn nước, đắp bờ, vớt bùn, đợi nước trong, đổ xe bò kéo cát xuống đó rồi tôi vôi. Tôi vôi nguy hiểm, trẻ con lếch thếch đi xem thường bị đuổi ra xa. Vôi tôi bốc khói mù, sôi sùng sục. Đúng là sự lạ, trẻ con thích xem là phải...

Vôi tôi không đủ nước, sẽ bị khê, bị sống, sượng, khi đánh vữa sẽ không đảm bảo. Nhà có thùng vôi được nhiều người quan tâm là vì, người muốn xin một xẻng về hòa loãng tưới cây, cho bớt sâu, bớt rệp. Hay hòa sền sệt quét gốc cây lớn trong vườn. Có người còn dặn chủ hố vôi hôm nào xây nhà xong còn nhiều ít cứ gọi để mua nốt vét thùng để khử chuồng trại chăn nuôi và đổ xuống ao, làm sạch bùn để chuẩn bị cho mùa sen mới… Xem ra vôi thật nhiều công dụng, chưa kể một số loại bánh, mứt như bánh gio, bánh đúc bao giờ cũng phải có nước vôi trong mới làm thành bánh chuẩn hương vị…

Hố vôi tôi xong còn nóng lâu, âm ỉ mãi nên người nhà thường phải rào dậu cẩn thận không sợ trẻ con nghịch dại ngã xuống đấy. Những hố vôi bên đường những đêm tối trời ai lại có hơi men mà sa xuống đấy thì cũng chết dở.

Vôi tôi đủ nước, nguội thùng là có thể dùng được. Xưa xi măng quý hiếm thường chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong cối vữa, chủ yếu vẫn là vôi cát. Thế hệ trung niên hay đi làm giúp các đám xây nhà hẳn còn nhớ cụm từ “vữa ba ta”. Ngày khốn khó ấy xây được ngôi nhà ba gian, tường con kiến, lợp ngói móc, vẩy thêm cái chái đầu hồi làm bếp thì đã là lý tưởng. Nhà xây xong, tường nhà trát cũng chỉ vữa này, bếp hay chỗ chuồng gà, chuồng lợn có khi thiếu nguyên liệu đành bỏ vậy chờ chạy được tiền sẽ trát nốt. Không ngờ, mấy mùa, bồ hóng bám đầy bếp trát vữa cũng khó bám và để thế đã thành quen.

Nhà cửa ngày xưa tường trát vữa xong, lọc sạn quét vôi trắng lót, nhà nào có điều kiện thì pha màu để tường nhà có màu vàng, xanh, chân tường thường quét màu nâu cho sạch. Nhà có điều kiện, cầu kỳ thường đắp ô thoáng cửa chính, trổ cửa sổ buồng hình đôi chim hay chữ thọ cùng với đắp nổi một số họa tiết tường hoa... và thứ vữa này bao giờ cũng phải xi măng cát đen, được sàng cẩn thận chứ không hề có phần tỷ lệ nào của vôi.

Cánh thợ xây và người làng thường nói với nhau - đến trẻ con cũng biết - rằng xưa, những nhà giàu xây bể nước thường mua mật mía về trộn làm vữa thì bể mới bền chắc được, chứ thứ vôi vữa thường không chịu được sức nước, không chỉ róc, rạn mà có khi còn nổ bể. Các cụ cũng khẳng định, đền chùa, lăng miếu xưa các cụ cũng đều dùng mật làm chất kết dính nên mới được bền lâu như thế.

Thời gian đi qua với những nắng mưa theo mùa, những khoảng tường vôi không tróc theo mảng mà có khi chúng nuôi rêu mốc bám mảng đen. Rồi nước mái gianh hắt thế nào có khi vữa lỗ trỗ như người phải đậu mùa nặng. Có khi lại vòng nọ, vòng kia đan nhau như vân tay. Phải thật lâu sau tường mới tróc hết, lộ từng viên gạch son đang mòn.

Đấy, cứ chê vữa vôi, không có vữa vôi có lẽ tường nhà, tường bếp, tường bao đã ngấm, đã xiêu vẹo lâu rồi. Và lâu nay theo nhau người ta, nhất là người thành thị hoài cổ mê những quang cảnh xưa cũ, những mảng tường tróc lở này lắm, rất hay tìm về chụp ảnh. Chỉ một góc cũng gợi về vời vợi ký ức. Có bài học thuở cấp 1, cô giáo dạy về từ đồng âm khác nghĩa, có bạn đã giơ tay phát biểu:

- Thưa cô! Tôi tôi vôi.

Đúng rồi! Mới đó mà đã mấy chục năm, tóc ta đã bạc, ngôi nhà đã cũ, nhiều người đã dỡ bỏ, xây trên nền đất ấy một ngôi biệt thự. Đầu hồi nhà xưa cây vối nếp vẫn xanh om, lá và quả chín sau mùa rụng đầy, cây con theo nhau mọc lên. Cây sung bám đến nghiêng cả cái tường bao cắm thủy tinh. Vữa vôi bị rễ sung bám chặt như bám đất. Mùa hạ nắng đổ trên lá, dây mướp hương bám trên tường ấy và đôi cành sung đưa hương nồng nồng, lại thêm mấy con gà trốn nắng trong bụi cây dưới chân tường kêu eo óc, rõ đặc trưng của chốn quê mùa.

Giờ làng xứ Bắc chẳng còn mấy người tôi vôi, đám trẻ cũng chẳng biết vữa ba ta là gì chứ đừng nói là đi ủng vào mà đánh cối vữa đặt móng, xây tường... Vôi vữa xưa và “sự kiện” tôi vôi chỉ còn trong dĩ vãng, trong sự sót lại của những bức tường và những căn nhà cũ kỹ mà thôi… n

CHÂU NHI