Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn (Gia Lai): Chờ đợi những tiếng vang

Thanh Xuân (ghi) 05/07/2022 09:23

Viết lách là một bước ngoặt không nghĩ đến của tôi, nhưng nó cho tôi rất nhiều cọ xát, lắng nghe nhiều tầng suy nghĩ.

Nhà văn trẻ Lê Thị Kim Sơn.

Nhiều bạn viết khi biết vùng đất tôi đang sống đã tỏ ra ngưỡng mộ, nói rằng tôi sẽ có nhiều nguyên liệu tốt để viết, bởi đặc điểm vùng miền cũng là một yếu tố dễ quyết định tên tuổi người viết. Nhưng tôi cũng thú thực với mọi người, mặc dầu sinh ra, lớn lên và sống hơn ba mươi năm tại mảnh đất Tây Nguyên với nền văn hóa đặc trưng rõ rệt, tôi vẫn như kẻ mộng du ở nhờ trên mảnh đất này.

Không hiểu về ngôn ngữ, chỉ hiểu lõm bõm về văn hóa, không phải tôi không thử viết, tôi cũng như nhiều người viết trẻ cũng muốn khám phá, cũng muốn thử sức, nhưng đến khi thực sự viết ra thì chỉ có thể tự thấy, dường như tôi chỉ thay tên người dân tộc vào cái cốt truyện của chính mình chứ chả hiểu gì về văn hóa, suy nghĩ hay đời sống để có cái hồn cho câu chuyện. Điều này quả thực là điểm yếu chí mạng của tôi...

Vì sao tôi viết? Vì khi tôi thấy chiến tranh tôi biết buông lời phẫn uất. Vì khi tôi thấy những chuyện buồn tôi vẫn rơi nước mắt. Khi tôi thấy niềm vui tôi muốn lan tỏa nó. Có hàng trăm câu trả lời cho lí do này nhưng chỉ đến khi nước chân vào nghề viết, tôi mới thấm thía được, bản thân người viết rất cô độc trong con đường sáng tác của chính mình, cái cộng đồng người viết lại càng nhỏ nhoi hơn nữa trong cái thế giới rộng lớn và choáng ngợp này.

Cái cảm giác nếu như mình không lỡ ngoặt sang nghiệp viết lách tôi sẽ hoàn toàn không hề để tâm đến những người thầm lặng đó, mặc cho những quyển sách hot ra tôi vẫn sẽ đọc, nhưng tôi vẫn sẽ không mấy quan tâm đến tác giả. Những người viết, như những người náu mình sau bức màn nhung, chờ đợi những tiếng vang của tác phẩm đưa đến người đọc, chờ đợi những độc giả sẽ dần dần xuất hiện và nhớ đến tên mình như một cách ghi nhận.

Nhưng đâu phải ai cũng thành danh, đâu phải ai cũng khiến độc giả nhớ đến, những suy nghĩ, những đấu tranh, những dằn vặt liệu mình có thể lóe lên rồi vụt tắt, hay le lói náu mình sau những con chữ làng nhàng lại trở thành những thôi thúc, trói buộc rồi thành những áp lực không lời khiến nhiều người viết trẻ bước chân vào rồi lại trở ra như một chu kì đào thải khắc nghiệt mà mắt thường không nhìn thấy được.

Vì sao tôi viết? Có cả sự háo danh trong đó, bởi muốn nói gì thì nói tôi vẫn thấy chính mình một chút gì đó trong trí nhớ của người đọc, nhưng rồi tôi thấy không chỉ vì sự háo danh mà còn là sự thôi thúc từ trong nội tâm của chính mình. Tôi có các khoảng thời gian trống, ngừng viết, không chỉ vì việc riêng của bản thân mà còn vì cảm xúc cạn kiệt, và cũng vì đọc nhiều tác phẩm, nhiều cây bút mới thấy được tiềm lực của bản thân nhưng đã đi đến giới hạn. Nhưng rồi khi những cảm xúc tìm đến, tôi vẫn thấy mình muốn viết, không dám nói là có thể đeo đuổi đến mức nào và lại càng không thể so sánh với ai, chỉ có thể để mặc bản năng, đam mê và cố gắng của mình dẫn đường.

Nhưng dẫu có xuất phát từ lí do gì đi nữa thì chính những người viết đều hạnh phúc vì những tác phẩm của họ sẽ được độc giả đón đợi và yêu thích, dẫu có hướng đến mục tiêu nào đi nữa thì những người viết đều muốn tác phẩm của mình sẽ chạm đến trái tim của độc giả, truyền đến những rung động riêng biệt của chính mình đến người đọc và ghi lại dấu ấn của bản thân.

Thanh Xuân (ghi)