Nhà văn trẻ Trần Thị Như Quỳnh (Bắc Giang): Viết sao để không phải hối hận

THANH XUÂN (ghi) 05/07/2022 09:21

Tôi luôn nghĩ, trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta viết trước hết là để cho chính bản thân chúng ta, cho “cái tôi” của mỗi người cầm bút, cho thứ xúc cảm tựa như bản năng trào lên trong lòng khi đứng trước một sự vật, sự việc, hiện tượng, con người… gợi chứa nhiều khía cạnh thôi thúc người ta tìm tòi, cảm nhận, thấu hiểu và thể hiện chúng qua thứ nghệ thuật ngôn từ đã được gọt giũa qua lăng kính người viết.

Đó có thể là cái đẹp, gợi cho người ta niềm say mê, thảng thốt và muốn dùng câu chữ, thay cho đường nét, màu sắc mà khắc họa lên hình ảnh. Nhưng đó cũng có thể là cái xấu xa, hủ bại mà mỗi tác giả, khi đặt bút viết lại muốn phơi bày, phê phán đồng thời thể hiện niềm cảm thông, đồng cảm với vẻ đẹp bị khuất lấp ngay trong những gì tưởng chừng xấu xa nhất.

Và đó cũng có thể là cái bi, cái hài, điều gắn bó hoặc cả những gì lớn lao… chỉ cần là điều người cầm bút quan tâm, người ta sẽ viết; bởi người ta viết, đầu tiên vì bản thân, vì “cái tôi” muốn được nói, muốn được đối thoại và thể hiện. Đối thoại với chính mình, đối thoại với những ai đồng cảm, đối thoại với cuộc sống, với thế giới muôn màu.

Cũng bởi, là tiếng nói “cá nhân”, nên người ta viết, còn như muốn tìm một vị trí giữa mảnh đất văn học rộng lớn. Có những vấn đề, đã như mang tính truyền đời, từ ngàn xưa để lại. Cái đẹp, cái xấu, cái bi, cái hài, cái trác tuyệt… vẫn luôn là đề tài trở đi trở lại trong tâm thức, sự thể hiện của người viết. Nhưng không vì vậy người ta ngừng viết hay tiếp tục đào sâu tìm tòi. Bởi ở những điều tưởng chừng xưa cũ ấy, vẫn chứa đựng bao điều mới mẻ.

Văn, tức là đời. Người viết có thể “cái tôi” mãnh liệt đến đâu hay tưởng tượng tới một thế giới song song, hư ảo thế nào; nhưng tới tận cùng cũng không thể thoát được cội gốc của văn chương ở sự sống. Vì thế, người ta đâu thể mãi viết cho bản thân mà tự thỏa mãn về chính mình? Viết cho cuộc đời, viết vì người khác, viết để sẻ chia; cũng là cách để “cái tôi” tìm thấy chỗ đứng giữa cuộc đời.

Cuộc sống hiện đại với bộn bề lo toan, khi viết văn cũng trở thành một “nghề nghiệp” thì lý do người ta cầm bút, còn xuất phát từ chính những ràng buộc, níu kéo về cơm áo, gạo tiền. Nhưng “Thói đời cơ cực đương giơ vuốt/ Cơm áo không đùa với khách thơ” (thơ Xuân Diệu) thì viết văn để kiếm sống cũng trở thành công việc đầy khó khăn và dễ làm nản lòng người cầm bút. Bởi vậy, “viết” để “sống” trong thời đại mới không chỉ gói gọn ở khía cạnh viết văn, viết báo mà mở rộng sang địa hạt viết content, viết seo hay viết review…

Ai cũng có thể viết, nhưng viết sao để bản thân không phải hối hận trong tương lai, thì thật không dễ dàng. Mà có lẽ, chỉ có mở lòng, học hỏi, lắng nghe nhiều hơn nữa, mới thực sự khiến câu từ được viết lên, đúng với giá trị được xuất phát từ cái tâm một con người viết hoa.

Vì bản thân và cuộc đời, mà chúng ta đặt ngòi bút lên trang giấy, viết lên những con chữ cho chính chúng ta, cho sự đồng cảm, sẻ chia giữa những tâm hồn đồng điệu. Viết, như một cách thể hiện quan điểm, giải tỏa cảm xúc, cũng là cách thức, để ta khẳng định bản thân.

Nhưng con chữ vô tình song tình cảm cá nhân lại luôn hữu ý mà vô hình trung, những gì chúng ta viết ra có thể gây thương tổn cho những người xung quanh. Cho nên, có trách nhiệm với những gì ta viết, chính là sơ tâm của người cầm bút trên chặng đường, viết vì bản thân và viết vì cuộc đời.

THANH XUÂN (ghi)