Người ‘thuyền trưởng’ dũng cảm

LÊ PHƯƠNG LIÊN 11/07/2022 05:56

Trong một bài trên báo Phụ nữ TP HCM  (2/6/2002), phóng viên đặt câu hỏi: “Buổi đầu về làm sách ở nhà xuất bản (NXB) dành cho thiếu nhi, ông có phải vượt qua nỗi mặc cảm thường có ở một số người, rằng: Giá như về làm sách cho người lớn thì hay hơn?”

Ông Nguyễn Thắng Vu, nhà văn Tô Hoài và các cán bộ NXB Kim Đồng. Ảnh tư liệu.

Ông Nguyễn Thắng Vu khi đó là Giám đốc NXB Kim Đồng đã trả lời: “Không, lúc ấy tôi chẳng có khái niệm gì thật rõ ràng về việc làm sách cả, chưa nói là làm sách cho thiếu nhi hay cho người lớn. Một trong những ý nghĩ của tôi lúc ấy khá đơn giản, chỉ là: Ở đây sẽ có nhiều sách, bù cho tuổi thơ không có sách đọc. Thế thôi”.

Vâng, ông Nguyễn Thắng Vu đã có một tuổi thơ vất vả ở làng quê miền Trung. Ông sinh ngày 2/5/1935 ở thôn Thổ Ngọa, xã Quảng Thuận, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm 1950 ông đi bộ đội và chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên. Năm 1960 vào học khoa Văn - Trường ĐH Sư phạm Vinh và năm 1963 trở thành giảng viên khoa Văn của trường. Có lẽ do một “thiên mệnh”, ông Nguyễn Thắng Vu đã từ bỏ vị trí giảng viên để đến với NXB Kim Đồng.

Nhà thơ Định Hải đã kể lại rằng: “...Anh Vu đến NXB Kim Đồng tìm hiểu để xin nhập cuộc vào mùa thu năm 1964. Người đưa anh đến là nhà văn Văn Ngữ, đang làm việc ở Xưởng phim Quân đội, là người đồng ngũ thân thiết của anh Vu từ những năm kháng chiến chống Pháp”.

Trở thành biên tập viên sách thiếu nhi trong những năm chiến tranh chống Mỹ, ông Vu đã cùng các đồng nghiệp đi thực tế làm những cuốn sách nhỏ về người tốt, việc tốt, các tấm gương chiến đấu và sản xuất ở những vùng đất bom đạn ác liệt... Cuốn sách đầu tiên “Hoa mùa xuân” gồm 24 mẩu truyện người tốt việc tốt, ông viết cùng đồng nghiệp Nguyễn Biểu (nhà thơ Định Hải) xuất bản năm 1965 đề tên tác giả “Định Hải- Sông Gianh”.

Ông Nguyễn Thắng Vu lấy bút danh “Sông Gianh” là tên con sông quê hương của ông. Là người nặng tình quê nhà, trong chiến tranh gian khổ ông Vu lo cưu mang cả đàn cháu mồ côi cha, mồ côi mẹ. Sau này các cháu của ông đều thành đạt ăn nên làm ra. Không chỉ lo toan trong gia đình, với anh chị em đồng nghiệp Kim Đồng và cả những văn nghệ sĩ cộng tác viên, ông Vu luôn là người có tấm lòng chia sẻ đùm bọc người đang hoạn nạn với tinh thần “Có thực mới vực được đạo”.

Năm 1979, ông Nguyễn Thắng Vu được giao nhiệm vụ tổ chức Trại sáng tác văn học thiếu nhi tại Nha Trang (Khánh Hòa). Từ sự kiện này, ông đã nổi lên là một người vừa năng động tháo vát lại vừa biết mềm mỏng quảng giao. Tổng biên tập NXB Kim Đồng ngày ấy là ông Bùi Văn Hồng nhìn thấy tài năng quý hiếm này nên đã đề nghị với các cấp lãnh đạo đề bạt ông Vu từ Trưởng ban biên tập trở thành Phó Giám đốc phụ trách quản lý xuất bản.

Năm 1988, ông Nguyễn Thắng Vu nhận trách nhiệm: Giám đốc NXB Kim Đồng. Trên cương vị này ông đã có quyết đoán: thành lập phòng Phát hành sách Kim Đồng. Ông Vu hiểu rằng: Cuốn sách là thành quả lao động của các nhà văn, họa sĩ, biên tập viên, công nhân nhà in… Phát hành sách là khâu cuối cùng của một vòng khép kín từ “đầu vào” đến “đầu ra”.

Ông Nguyễn Thắng Vu phát biểu trong một buổi lễ trao học bổng Đô rê mon.

Cũng ở thời điểm này, khi phim ảnh, truyền hình tác động đến “văn hóa đọc”, ông Nguyễn Thắng Vu nhận thấy vai trò quan trọng của một loại sách rất gần với “văn hóa nghe nhìn” đó là tranh truyện, đặc biệt là mảng tranh truyện hài hước liên hoàn, thế giới gọi là truyện tranh comics... Trên cương vị giám đốc kiêm tổng biên tập, ông đã cho thành lập Ban biên tập tranh truyện.

Ngày ấy Ban do họa sĩ Nguyễn Phú Kim làm Trưởng ban và 2 biên tập viên là chị Trần Thị Hà và tôi (Lê Phương Liên). Ông Nguyễn Thắng Vu xác định sách tranh truyện là loại văn hóa bình dân nhưng không phải là thuần túy giải trí. Sản phẩm đầu tiên của Ban Tranh truyện chính là cuốn sách in màu “Từ làng Sen” - tranh của họa sĩ Lê Lam, lời của nhà văn Sơn Tùng - dựa trên tiểu thuyết “Búp sen xanh”.

Nhận thấy việc làm tranh truyện còn lạc hậu so với thế giới, được sự hỗ trợ của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, ông Vu đã nhận lời đề nghị của Trung tâm Văn hóa châu Á thuộc UNESCO (ACCU) để NXB Kim Đồng đăng cai tổ chức: “Tập huấn xuất bản Tranh truyện cho trẻ em ở Việt Nam” (từ ngày 11-20/9/1991) tại Hà Nội. Đây là cuộc tập huấn quốc tế đầu tiên do NXB Kim Đồng tổ chức để các chuyên gia truyện tranh trẻ em của Nhật Bản và Thái Lan giảng dạy truyền nghề cho các biên tập viên, nhà văn, họa sĩ Việt Nam.

Trong chương trình các nhà văn, họa sĩ, chuyên gia văn học thiếu nhi Việt Nam như Tô Hoài, Nguyễn Khắc Viện, Ngô Mạnh Lân, Vân Thanh, Bùi Văn Hồng đã có dịp giới thiệu và quảng bá văn học thiếu nhi Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Trong dịp này giảng viên Wiriya Sirisingh (Giám đốc NXB Chomromdek-Thái Lan) đã giới thiệu cho ông Nguyễn Thắng Vu bộ sách Doraemon - một bộ tranh truyện hiện đại của tác giả Fujiko. F. Fujio (Nhật Bản) được trẻ em Thái Lan rất ưa thích. Với suy nghĩ “trẻ em Thái Lan thích thì trẻ em Việt Nam cũng thích”, ông Nguyễn Thắng Vu kết thân với ông Wiriya Sirisingh và ôm ấp hoài bão lớn với bộ sách Doraemon.

Khi ông Nguyễn Thắng Vu đôn đáo tổ chức việc mua sách Doraemon ở Thái Lan và Nhật Bản, đồng thời tìm kiếm các dịch giả tiếng Thái, tiếng Nhật, thì tôi lại có một chuyện riêng: sắp sinh con thứ ba. Lúc ấy tôi bi quan nghĩ rằng: “Mình sẽ có thể bị mất việc làm!” Thế mà khi tôi báo cáo chuyện của mình với giám đốc cơ quan, ông Vu đã nói: “Cô yên tâm, đến kỳ sinh nở cô cứ nghỉ theo chế độ! Sẽ có việc chờ cô đấy!” Quả thực như vậy. Khi sắp hết hạn nghỉ, chị Lê Thị Dắt - Bí thư chi bộ Đảng NXB Kim Đồng đã đến thăm tôi. Chị nói: “Ngày mai họp cơ quan, anh Vu sẽ bàn về bộ tranh truyện Nhật. Liên xung phong nhận làm biên tập bộ đó nhé!” Ông Vu đã dồn vốn liếng của NXB Kim Đồng để làm một bộ sách tranh truyện hiện đại hoàn toàn xa lạ với bạn đọc Việt Nam.

Trong 3 năm (1992-1995) là biên tập viên bộ sách “Đô rê mon - Chú mèo máy thông minh”, được làm việc trực tiếp với ông Vu, tôi đã học ông rất nhiều. Ông là người biết chọn người tài và trân trọng tin tưởng với người cộng sự. Khi quyết định “Việt hóa bộ sách Doraemon”, bao gồm đổi tên nhân vật, đổi bố cục và sửa lời văn, ông đã chọn họa sĩ Đức Lâm, một họa sĩ ở TP HCM thực hiện. Sau đó bộ sách được phát hành thử nghiệm 4 tập đầu tiên ở TP HCM ngày 11/12/1992.

Đó là một quyết định đúng đắn. Bởi ở miền Nam các họa sĩ hiểu biết về tranh truyện comics và người đọc cũng quen với comics hơn ở miền Bắc. Nhờ thế mà bộ sách đã thành công tại Việt Nam. Thành công của bộ sách Đô rê mon đã giúp NXB Kim Đồng vượt qua “điểm chết”. Hệ thống phát hành sách Kim Đồng đã hoạt động như mạch máu lưu thông trong cả nước, khiến cho cậu bé “sách Kim Đồng” vươn mình đứng lên như Thánh Gióng.

Bộ sách “Đô rê mon” đã thành công trọn vẹn. Tuy vậy việc tôn trọng bản quyền nguyên tác bộ sách Doraemon bao gồm hoàn trả lại tên nhân vật, bố cục bộ sách và tôn trọng nguyên tác nội dung cuốn sách đã được đặt ra nghiêm túc. Ông Nguyễn Thắng Vu đã thể hiện một tinh thần thượng tôn luật lệ quốc tế trong khi Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne.

Năm 1996, tôi đã thực hiện việc sắp xếp lại bố cục tác phẩm theo đúng nguyên tác 45 tập truyện ngắn Doraemon của tác giả Fujiko. F. Fujio. Toàn bộ bản thảo đã bàn giao lại cho một nhóm biên tập mới thành thạo tiếng Nhật biên tập sửa lại để tái bản bộ sách Doreamon theo đúng nội dung, thiết kế, cách đọc của Nhật Bản. (Sau đó theo nhu cầu của bạn đọc công việc này đã tiến hành đan xen xuất bản bộ cũ và bộ mới kéo dài đến năm 2010 mới toàn tất bộ Doraemon phiên bản mới như hiện nay).

Từ thành công của bộ sách Doraemon, dấu ấn của ông Nguyễn Thắng Vu còn để lại với bộ sách “Tủ sách vàng” - với các tác phẩm tiêu biểu của văn học thiếu nhi Việt Nam; “Kính vạn hoa” (Nguyễn Nhật Ánh) - bộ sách dài kỳ đầu tiên của văn học thiếu nhi Việt Nam kéo dài trong 7 năm (1995-2002); bộ sách “Thơ với tuổi thơ”; “Truyện ngắn Việt Nam thế kỷ XX”; “Tủ sách Nghệ thuật”…

Tôi còn nhớ một lần có nhà báo Nhật Bản hỏi ông Nguyễn Thắng Vu: “Ai đã dạy các ông các bà làm quảng cáo “Tranh truyện Đô rê mon” trên Đài Truyền hình?” Ông đã trả lời: “Chính “cơ chế thị trường” đã dạy chúng tôi phải làm như thế”.

Vâng, trong thời điểm (1990-2000) sự tiêu vong của “cơ chế quan liêu bao cấp” trong cơn gió lớn “cơ chế thị trường” và “hội nhập quốc tế” tràn đến, giám đốc Nguyễn Thắng Vu cùng đơn vị làm sách thiếu nhi hàng đầu ở Việt Nam đã không chao đảo, tan tác và gục ngã.

Trong cuộc thử thách lịch sử này con tàu “sách Kim Đồng” đã giương buồm đón gió ra khơi. Kho báu “văn học thiếu nhi Việt Nam” đã được bảo vệ trọn vẹn và càng ngày càng có thêm nhiều viên ngọc quý mới. Người thuyền trưởng của con tàu “Kim Đồng” thời đổi mới - ông Nguyễn Thắng Vu đã thanh thản về với miền mây trắng ở tuổi 75 (năm 2010). Hình ảnh của ông và những kỳ tích gắn bó với tên ông sẽ còn mãi trong trí nhớ của thế hệ hậu sinh…

LÊ PHƯƠNG LIÊN