Tản mạn bạn thi nhân
Trong mảnh vườn 12 Bến Chợ, Nha Trang của mình, Quách Tấn có trồng cây mận. Khi Hàn Mặc Tử mất, Chế Lan Viên với Yến Lan tới chơi ngồi uống trà, Quách Tấn chỉ cây mận còn 3 cành nói đùa: “Đó là hiện thân của ba đứa chúng mình đó”. Qua mấy chục năm cây mận vẫn tươi tốt, quả ngọt, bỗng héo một cành thế là mấy ngày sau tin Chế Lan Viên mất đó là năm 1989. Đến lúc Quách Tấn mất thì một trong hai cành gẫy, cành còn lại khi Yến Lan mất cũng héo khô. Trên bàn thờ Quách Tấn hiện có một khúc gỗ mận tượng trưng cho tình bạn trong trắng của thi nhân.
Họ là bốn thi nhân trên đất võ Bình Định, ngay từ thời mà nền thơ ca mới bước qua “Mùa cổ điển” mà họ đã thành “tứ linh” với danh vọng thật ấn tượng “Bàn thành tứ hữu”: Hàn Mặc Tử (long) - Chế Lan Viên (phượng) - Yến Lan (lân)- Quách Tấn (quy). Họ đã gắn với nhau bằng tất cả tấm lòng trong sáng, lãng mạn từ thưở hoa niên tới lúc bay về bầu trời như chiếc lá mùa thu.
Trở lại với mảnh vườn với ngôi nhà 12 Bến Chợ của Quách Tấn, nơi đây thực sự “Thơ người bến nước mười hai/ Thơ mình bến chợ nối dài tình sông”. Năm 1937 Quách Tấn từ Đà Lạt về Nha Trang và ở ngôi nhà rất duyên lạ với số 12 Bến Chợ. Nằm bên bờ đầm nước Cù Đàm hay còn có tên khác là Đầm Én vì cứ tới mùa xuân chim én bay ngát trời Nha Trang. Nơi đây chính là nơi trầm tích toàn bộ về Nha Trang hơn 300 tuổi nên có thể là đất cổ xứ này.
Người ta cứ nghĩ Quách Tấn là thi nhân nổi tiếng vì Hoài Thanh gọi ông là “sứ giả của Đường Thi” thì khi chọn nhà và đã đặt tên số theo chất thơ của mình, nhưng không phải vậy! Tất cả đều ngẫu nhiên con số 12 Bến Chợ.
Con đường Bến Chợ là một trong những con đường cổ nhất của Nha Trang chạy ven theo đầm nước, người Pháp cũng đã gọi là “Quaie du Marhche”, nghĩa là Bến Chợ. 12 bến chợ cũng trùng với 12 bến quanh đầm: Cá, Đình, Lồ ô, Gỗ, Cỏ, Dưa, Mía, Gốm, Than, Củi, Chiếu, Hà Ra. Vì đầm thông thương với dòng sông Cái cũng là cửa sông đổ ra biển nên nơi đây là thương cảng dân dã của dân Nha Trang và thành cổ Diên Khánh - Trung tâm của phủ Bình Khang thời chúa Nguyễn trước đây. Thế nên rất nhộn nhịp và sầm uất về thương mại cho đến sau này xây dựng thành chợ Đầm Nha Trang nổi tiếng.
Thêm sự ngẫu nhiên trùng với Quách Tấn. Đầm Cù Đàm có huyền tích là con rùa, mà Quách Tấn trong nhóm tứ hữu là quy. Còn ngôi nhà 12 Bến Chợ, trước đó là một căn biệt thự của một vị đốc học nổi tiếng đã từng là “Mạnh Thường Quân trải chiếu đãi khách hiền” trong đó có những trí sĩ danh tiếng đương thời như: Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp… khi các vị ghé Nha Trang.
Trong nhóm tứ hữu Quách Tấn lớn tuổi nhất (1910 - 1992), Hàn Mặc Tử (1912 -1940), Yến Lan (1916-1998) và Chế Lan Viên (1920 - 1989). Hai người quê Bình Định là Quách Tấn và Yến Lan còn Hàn Mặc Tử quê Quảng Bình, Chế Lan Viên sinh ở Quảng Trị. Cả bốn người đều gắn bó với nhau, yêu thơ văn từ lúc học Thành Chung (cấp II ngày nay) ở Bình Định.
Vậy vì sao lại có tên nhóm là “Bàn thành tứ hữu”? Từ Quách Tấn và tới Yến Lan sau này khi gặp người viết đều kể về những đêm trăng bốn người bạn thường hay leo lên gác lầu cổng thành Bình Định, nay là chợ Bình Định thuộc huyện An Nhơn ngồi ngâm nga thơ phú. Còn “Bàn thành” là miền An Nhơn này có thành Đồ Bàn hay còn gọi thành Hoàng Đế do vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc đã từng đóng đô ở đây. Còn xa xưa là thành đồ của vương quốc Chăm Pa cổ.
Thực ra không phải do bốn “tiểu nhà thơ” đặt mà do một người bạn văn tên là Trần Thống ở xứ võ ngưỡng mộ đặt ra và lan tỏa trong làng thơ Bình Định. Hơi chút tiếc là cách thành Bình Định không xa về phía đông cũng bên bờ sông nhỏ làng Gò Bồi, huyện Tuy Phước khi đó cũng có một thiên tài thơ đó là Xuân Diệu (sinh năm 1916), nhưng không hiểu sao không hàn huyên kết nghĩa với nhóm này. Chắc không gặp duyên.
Cũng như những con thuyền, cánh én. Nhiều bạn hữu của Quách Tấn đều ghé 12 Bến Chợ chơi thăm. Với hai người bạn thơ Yến Lan, Chế Lan Viên cứ dịp hè lại vào ở Quách huynh chơi cho tới đầu thu mới trở về Bình Định làm nghề gõ đầu trẻ. Rất tiếc cho nhị đệ Hàn Mặc Tử khi Quách Tấn an cư lạc nghiệp, có điều kiện thì Hàn Mặc Tử đang ở giai đoạn bi thương nhất của mình.
Nơi bãi biển vắng Quy Hòa, phía bắc Gành Ráng Quy Nhơn không có thi sĩ Hàn Mặc Tử mà chỉ có bệnh nhân Nguyễn Trọng Trí (tên thật của Hàn) vật vã đau đớn khi trăng lên: “Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút” khác hẳn với những năm tháng êm đềm xưa trước: “Một chiều xanh - Một chiều xanh huyền hoặc/ Sáng bao la vây lút cõi thiên không”.
Quách Tấn những năm đó đã dành một phần lương công chức Pháp của mình gửi thăm nuôi bạn và một đại huynh nổi tiếng tức Tản Đà tiên sinh. Vì những năm cuối đời cụ Tản Đà rất vất vả (cụ mất năm 1939). Có lẽ việc làm lớn nhất của Quách Tấn với Hàn Mặc Tử là sau này cải táng mộ của Hàn thi sĩ từ Quy Hòa ra lưng đồi Gánh Ráng, vị trí đẹp nhất của Quy Nhơn.
Hàn Mặc Tử một trong những thi nhân được an nghỉ ngàn thu nơi cảnh quan phong thủy đẹp nhất Việt Nam mà nay thành danh thắng du lịch đất Quy Nhơn với con dốc Mộng Cầm, bến tắm hoàng hậu Nam Phương. Nơi đó Hàn Mặc Tử tha hồ: “Ngửa mặt trông cao, cầu nguyện trắng không gian/ Để vừa dâng, vừa hiệp bốn mùa xuân/ Nở một lượt giàu sang hơn Thượng đế”.
Cùng với đó Quách Tấn đã quản lý toàn bộ di cảo của Hàn mấy chục năm sau khi mất rất cẩn thận để khi gặp Chế Lan Viên đã chuyển cho bạn làm tuyển tập cho Hàn Mặc Tử. Đưa Hàn lên trời xanh chói lọi làng thi ca. Có thể nói rằng Hàn Mặc Tử có một người bạn xứng tri âm là Quách Tấn.
Với Quách Tấn, chính Chế Lan Viên đã hết sức ca tụng tập thơ “Mùa cổ điển” của bạn mặc dù chưa làm thơ Đường (chữ của Hoài Thanh) giữa những tranh luận nảy lửa về thơ mới và cũ. “Mùa cổ điển đánh dấu hết một thời đại thi ca (cũ)”. Và chính được động viên của Chế Lan Viên nên Quách Tấn vẫn trung thành với dòng thơ mà phần lớn các nhà thơ sau này từ bỏ để cho nền thơ ca một nét rất độc đáo.
Còn Chế Lan Viên, sau giải phóng ông trở về miền Nam ở một vườn ngoại ô TP Hồ Chí Minh sáng tác đến cuối đời. Những ngày cuối cùng của Chế Lan Viên trong bệnh viện có vòng tay thân ái của Quách Tấn lặn lội từ Nha Trang vào thăm bạn.
Khác hẳn sự huyền ảo, hư vô siêu thực của “Bến My Lăng”, tác giả Yến Lan lại là một thi sĩ hiền lành, giản dị. Sau giải phóng Yến Lan trở về với ngôi nhà xưa ở chợ Thành, huyện An Nhơn, cách Quy Nhơn (Bình Định) hơn 40km. Do bài thơ “Bến My Lăng” quá nổi tiếng, trở thành đỉnh cao chói lòa trong sự nghiệp của Yến Lan nên gần như không ai nhớ thêm được bài thơ nào ngoài bài thơ trên. Yến Lan là người cuối cùng trong nhóm tứ hữu ra đi, ông mất năm 1998.
Ngôi nhà cùng mảnh vườn 12 Bến Chợ - Nha Trang giờ do con trai Quách Tấn là nhà nghiên cứu Quách Giao ở. Tuy nhiên nơi này đã thay đổi rất nhiều so với khi thi sĩ Quách Tần còn đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Cây mận che mát cho bạn thơ xưa cũng không còn.
Ngõ trúc - vườn mai đã xa mờ chỉ còn trong ký ức của “Mùa cổ điển”.