'Nhóm giải pháp' phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới
Trong thời gian tới cần phải tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh đẩy lùi, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Ngày 30/6, tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022, từ kết quả 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, ông Phan Đình Trạc, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó trưởng Ban Thường trực, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đề xuất các giải pháp phòng chống tham nhũng trong thời gian tới.
Ông Trạc cho rằng, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, nhân dân. Trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, ngành, cơ quan tổ chức, đơn vị địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ đảng viên trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý phải gương mẫu chấp hành thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động xử lý khi có xung đột lợi ích, xây dựng và thực hiện tốt quy tắc ứng xử đạo đức nghề nghiệp, phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, xây dựng quy định về xử lý xung đột lợi ích của cán bộ đảng viên, bổ sung hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên, đạo đức công vụ xây dựng chuẩn mực giá trị con người Việt Nam, phù hợp giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, làm cơ sở để cán bộ đảng viên tu dưỡng, rèn luyện, phòng chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Tổng kết đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục đào tạo, bồi dưỡng. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục phòng chống, tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức viên chức và toàn xã hội.
Đáng chú ý, ông Trạc nêu quan điểm, cần tiếp tục xây dựng hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện thể chế để không thể tham nhũng, tiêu cực. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa chủ trương nhiệm vụ giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là xây dựng hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các lĩnh vực hoạt động dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền tiếp cận thông tin của người dân, thanh toán không dùng tiền mặt, kiểm soát tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; các quy định, chế tài xử lý với tổ chức đảng, đảng viên, công chức, viên chức, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dân tố giác, phản ánh đảng viên, cán bộ tham nhũng, tiêu cực.
Để công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực đạt hiệu quả trong thời gian tới, ông Trạc cũng nhắc đến khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung hoàn thiện pháp luật liên quan tới đấu thầu, đấu giá, quản lý sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, giám định, định giá tài sản. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các bộ, ngành địa phương trong xây dựng, hoàn thiện thể chế thuộc lĩnh vực phụ trách, đồng thời tăng hiệu lực, hiệu quả thực thi thể chế đồng thời xử lý kịp thời hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định của Đảng.
“Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, đồng bộ các hành vi tham nhũng, tiêu cực, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu tác động không trong sáng của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào. Siết chặt kỷ luật kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có đủ năng lực, uy tín, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán tập trung các lĩnh vực dễ tham nhũng, tiêu cực hoặc có nhiều dư luận tham nhũng, tiêu cực, các lĩnh vực chuyên môn sâu, khép kín, bí mật để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm. Kết hợp kiểm tra, giám sát cùng cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp với tăng cường, nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát của Ban chỉ đạo và các cơ quan tham mưu, giúp việc theo quy định của đảng”- ông Trạc cho hay.
Từ thực tế là Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Trạc cho rằng, cần thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp, xử lý sai phạm tham nhũng, tiêu cực trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án, đảm bảo nghiêm minh, đồng bộ, kịp thời, hiệu quả kỷ luật của đảng, kỷ luật hành chính, đoàn thể và xử lý hình sự đối với cán bộ, đảng viên vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực đã phát hiện, khởi tố, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện có hiệu quả chỉ thị 04 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của đảng đối với công tác thu hồi tài sản thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đặc biệt, chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản ngay trong quá trình kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Khuyến khích người sai phạm, phạm tội tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ. Rà soát, bổ sung khắc phục những sơ hở, bất cập trong công tác cán bộ, đảm bảo lựa chọn, sử dụng, bổ nhiệm đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực uy tín, vừa ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả. Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các cơ quan đại biểu dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội, truyền thông, báo chí, nhân dân trong phòng, chống tham nhũng tiêu cực.
Ông Trạc cũng đề nghị, tăng cường, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, giám sát, phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, xã hội. Chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo các cấp, phát huy tốt hơn vai trò của báo chí, truyền thông. Tăng cường thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng tiêu cực. Động viên, khen thưởng những người dũng cảm, đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cảnh giác với những hành vi lợi dụng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực để chống phá đảng, nhà nước. Xử lý nghiêm việc đưa tin sai sự thật, vu cáo, bịa đặt gây hậu quả xấu.
Bên cạnh đó, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực hiệu quả hoạt động của các cơ quan đơn vị có chức năng phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mở rộng, nâng cao hợp tác quốc tế, phòng chống tham nhũng. Triển khai có hiệu quả hoạt động phòng chống tham nhũng, tiêu cực ra khu vực ngoài nhà nước.
Cùng với đó, khẩn trương thành lập và triển khai hoạt động có hiệu quả Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tạo chuyển biến mạnh mẽ, rõ nét hơn nữa trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương, cơ sở. Nghiên cứu hoàn thiện cơ quan chuyên trách chống tham nhũng. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực ngăn ngừa xử lý nghiêm các hoạt động can thiệp, tác động, cản trở hoạt động của các cơ quan chức năng phòng chống tham nhũng.