Cuộc sống ở vùng đất 'cạn kiệt nhiên liệu'
Sri Lanka đang yêu cầu công dân của mình ở nhà và tự trồng lương thực, khi dự trữ nhiên liệu đã"chạm đáy".
Những hàng dài chờ đợi
Jason Anthony đã xếp trong hàng người để mua nhiên liệu dài 2 km trong suốt 2 ngày nay.
Tại thủ đô Colombo, nơi quốc gia Sri Lanka bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng kinh tế, người đàn ông 35 tuổi ngủ trong chiếc xe "tuktuk" của mình khi kiệt sức hoặc ngồi trên vỉa hè với những người lái xe khác cũng đã ở đó vài ngày.
Khi trạm nhiên liệu đóng cửa trong ngày, ông thường đi bộ vài km về nhà, chỉ để quay lại vào ngày hôm sau để xếp hàng. Jason sống trong một ngôi nhà tạm bợ ngay phía đối diện bên đường.
“Tôi buộc phải nghỉ công việc làm hướng dẫn viên du lịch vào tháng 2 khi mọi thứ nơi đây trở nên tồi tệ và khách du lịch không còn đến nữa. Tôi đã phải trở thành một người lái xe "tuktuk”, Jason kể lại.
“Bây giờ, nhiên liệu khan hiếm đến mức tôi đã không thể làm việc trong tháng trước. Tôi hầu như không thể kiếm đủ tiền ở nhà, nhưng bản thân tôi cũng buộc phải dành cả ngày ở các trạm nhiên liệu”.
Ngoài hàng người dài 2 km dành cho các lái xe "tuktuk", còn có hàng đợi riêng dành cho ô tô và xe buýt công cộng.
Nhiều người đã chờ đợi hơn 5 ngày và cảnh tượng người dân xếp hàng dài hàng giờ đồng hồ để mua nhiên liệu đã trở thành biểu tượng cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo đang rình rập ở đất nước 22 triệu dân, một cuộc khủng hoảng đang trở nên tồi tệ hơn mỗi ngày.
Khi Sri Lanka chìm sâu vào nợ nần và cạn kiệt dự trữ ngoại hối, các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu cũng đang cạn kiệt nhanh chóng.
Hôm 28/6, chính phủ Sri Lanka đã thông báo rằng, quốc gia chỉ còn đủ nhiên liệu để chạy các dịch vụ thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, xe lửa và xe buýt công cộng trong 2 tuần.
Ngành may mặc - ngành đóng góp lớn nhất vào GDP của đất nước và là nguồn thu nhập quan trọng của gần 3 triệu lao động chính thức và phi chính thức - chỉ có đủ nhiên liệu để hoạt động trong 10 ngày.
Hôm 26/6, chính phủ đã tăng giá nhiên liệu lên hơn 22%, với lý do các chuyến hàng dầu bị trì hoãn vô thời hạn do thiếu ngoại hối.
Tuần trước, Thủ tướng Sri Lanka mới nhận chức - ông Ranil Wickremesinghe đã thừa nhận tại một cuộc họp quốc hội rằng nền kinh tế quốc gia này đã chạm đáy.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang phải đối mặt với một tình huống nghiêm trọng hơn rất nhiều, không chỉ đơn thuần là thiếu nhiên liệu, khí đốt, điện và thực phẩm. Nền kinh tế của chúng ta đã hoàn toàn sụp đổ”.
Tập đoàn Dầu khí Ceylon, thuộc sở hữu của chính phủ và là nhà cung cấp nhiên liệu chính trong nước, đang mắc khoản nợ 700 triệu USD.
Cho đến nay, Sri Lanka đã nhận được hơn 400.000 tấn nhiên liệu được giao từ Ấn Độ, cùng với 500 triệu USD viện trợ tài chính để mua nhiên liệu. Đến tháng 4, Sri Lanka đã sử dụng hết 60% hạn mức tín dụng 500 triệu USD.
“Kết quả của khoản nợ nhiên liệu này là không quốc gia hay tổ chức nào trên thế giới sẵn sàng cung cấp nhiên liệu cho chúng tôi. Họ thậm chí còn miễn cưỡng cung cấp nhiên liệu để lấy tiền mặt”, Wickremesinghe nói thêm trong bài phát biểu tại quốc hội của ông.
Hôm 26/6, chính phủ cho biết họ sẽ cử các bộ trưởng đến Nga và Qatar để mua dầu giá rẻ với các điều khoản nhượng bộ trong những ngày tới.
Những cư dân đứng đợi ngoài trời đang cảm thấy nặng nề hơn bao giờ hết. Ngoài cuộc khủng hoảng nhiên liệu, người dân cũng không thể mua được các mặt hàng thực phẩm thiết yếu khác như gạo, sữa, trái cây và rau quả.
Vào ngày 17/6, chính phủ đã ra lệnh cho các công chức trên khắp quốc gia làm việc tại nhà để tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời tự trồng lương thực trong sân sau nhà giữa bối cảnh đất nước đang thiếu hụt trầm trọng.
Tức giận và tuyệt vọng
Tại nhiều bệnh viện, các bác sĩ nói rằng họ đã hết thuốc và thiết bị y tế để cứu người. Hàng trăm người Sri Lanka tuyệt vọng đã bị bắt quả tang chạy trốn khỏi đất nước bằng đường biển bất hợp pháp, bao gồm cả những nơi xa như Australia, để thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
Đầu tháng 6, một người phụ nữ ở Colombo đã ném đứa con trai 5 tuổi của mình xuống sông và cố gắng nhảy xuống theo nhưng đã được những người qua đường cứu.
Cảnh sát nói với các phương tiện truyền thông rằng hành động của cô có nguyên do là sự tuyệt vọng nặng nề trước cuộc khủng hoảng kinh tế.
Wimal Jayasuriya, một giáo viên dạy võ ở Colombo, người phụ thuộc nhiều vào phương tiện giao thông công cộng, cho biết các con của ông không thể đến trường nữa vì xe buýt hết nhiên liệu hoặc quá đông đúc.
Người đàn ông 43 tuổi chia sẻ: “Chúng tôi liên tục nhận được thông báo rằng sẽ có nhiên liệu, nhưng chúng tôi quá mệt mỏi vì phải chờ đợi hàng ngày. Tôi không có việc làm cố định và gia đình tôi sống trong một căn hộ thuê. Mỗi ngày là một cuộc đấu tranh để chúng tôi có thể tồn tại”.
Ông nhấn mạnh: “Sự thất bại tồi tệ nhất là đối với những đứa trẻ của chúng tôi, những đối tượng đang bị thiếu thốn không chỉ thức ăn và dinh dưỡng, mà còn cả giáo dục”.
Kể từ tháng 3, ít nhất 12 người đã chết trong đường dây nhiên liệu, khi không thể chống chọi với sự kiệt sức và bệnh tật khi họ phải chịu đựng cái nóng gay gắt của Sri Lanka.
Các trạm nhiên liệu đang chứng kiến những đợt bạo lực mặc dù đã tăng cường sự hiện diện của lực lượng an ninh để kiểm soát tình hình.
Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đã trở thành một câu chuyện cảnh báo đối với các nước đang phát triển sống trong tình trạng kinh tế bất ổn lan rộng trên toàn cầu, do hệ quả từ chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine của Nga.
Khi Sri Lanka chìm trong suy thoái, các cuộc biểu tình hàng loạt đã làm rung chuyển đất nước trong suốt hơn 100 ngày qua. Những người biểu tình đổ lỗi cho chính phủ Sri Lanka về sự sụp đổ kinh tế, được cầm quyền từ năm 2019 bởi Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đầy quyền lực và tham nhũng.
Tuần trước, quân đội Sri Lanka đã nổ súng sau khi các cuộc biểu tình về nhiên liệu trở nên bạo lực hơn, 4 công dân và 3 binh sĩ đã bị thương.
Ngay cả trước cuộc khủng hoảng này, hơn 4% dân số Sri Lanka - gần 900.000 người - đã phải sống dưới mức nghèo khổ quốc gia, theo Ngân hàng Phát triển châu Á.
Quốc gia này đang chứng kiến tỷ lệ lạm phát kỷ lục gần 40% - thuộc mức tồi tệ nhất thế giới - do giá lương thực tăng vọt và hàng trăm nghìn người khác bị đẩy vào cảnh nghèo đói khi họ mất việc làm.
“Tài nguyên đã hết hoặc chúng quá đắt so với người bình thường”, Jason, tài xế xe tuktuk nói. “Không có gì ngạc nhiên khi sự tức giận và các cuộc biểu tình không biến mất”.