Sau vụ CDC, nhiều đối tượng vẫn 'chưa biết sợ'
Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, vừa qua chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Đây là việc cho thấy “chưa biết sợ” của một số nhóm đối tượng.
Ngày 30/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022.
Dự hội nghị còn có: Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Hội nghị được tổ chức tập trung tại hội trường Ban Chấp hành Trung ương Đảng với 350 đại biểu và được truyền trực tuyến tới điểm cầu ở 8 ban, bộ, ngành Trung ương (Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, TAND tối cao, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, Bộ Tư pháp) và 63 tỉnh, thành.
Nhiều địa phương cũng kết nối trực tuyến đến các điểm cầu ở cấp huyện, cấp xã (cả nước có hơn 4.100 điểm cầu; trong đó 44 địa phương tổ chức điểm cầu đến cấp huyện, xã với hơn 500 điểm cầu cấp huyện, hơn 3.500 điểm cầu cấp xã). Hội nghị lần này có hơn 81.000 đại biểu tham dự ở tất cả các điểm cầu trên cả nước.
Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, trên phương diện đấu tranh, xử lý, trong 10 năm qua, cơ quan điều tra các cấp trong ngành Công an đã khởi tố mới trên 16.000 vụ án, 26.800 bị can về các tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; trên 2.600 vụ án, 5.800 bị can về các tội phạm tham nhũng, chức vụ.
Giai đoạn từ năm 2021 đến nay, mặc dù đại dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, thách thức rất lớn, lực lượng Công an cùng lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, nhưng công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý án tham nhũng, tiêu cực không chùng xuống mà tiếp tục có những bước tiến mới.
Theo ông Ngọc, nhiều vụ án xảy ra trên phạm vi rộng hoặc trong các lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, nhưng đều được phát hiện, điều tra làm rõ. Điển hình là vụ Công ty Việt Á; vụ lợi dụng các chuyến bay đưa người Việt Nam về nước để trục lợi; vụ Tân Hoàng Minh, FLC.
Tuy nhiên theo ông Ngọc, mặc dù đã phát hiện, xử lý nghiêm nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, xử lý nhiều cán bộ cấp cao, nhưng tham nhũng, tiêu cực vẫn tiềm ẩn rất lớn, nhiều đối tượng “chưa biết sợ”.
Ông Ngọc dẫn chứng: Từ tháng 4/2020, khi mới bắt đầu đại dịch Covid-19, chúng ta đã xử lý vụ CDC Hà Nội về lợi dụng dịch bệnh để trục lợi. Lúc đó Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã cân nhắc rất kỹ giữa phòng, chống dịch và xử lý để cảnh tỉnh. Tuy nhiên, vừa qua, chúng ta vẫn phải xử lý vụ Việt Á. Đây là việc cho thấy “chưa biết sợ” của một số nhóm đối tượng. Do đó, trong các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nếu không được giám sát, kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đều có nguy cơ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực.
Đề cập đến giải pháp, ông Ngọc cho rằng, cần làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong nội bộ các cơ quan, đơn vị để chủ động phát hiện, xử lý các vi phạm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành vi phạm lớn.
Trong đó, quy định cụ thể thời hạn nhiều nhất tất cả các cơ quan, đơn vị phải được kiểm tra, giám sát, tránh trường hợp có nơi thì kiểm tra nhiều lần nhưng có nơi không kiểm tra, và nhất định phải khắc phục khuyết điểm sau khi kiểm tra, giám sát và cơ chế tái kiểm tra việc khắc phục khuyết điểm.
Cũng theo ông Ngọc, cần đẩy mạnh thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho đất nước, nhất là ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến góp phần chủ động phòng ngừa “tham nhũng vặt” cũng như tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.