Thị trường lao động: Cung - cầu lệch pha
Theo Tổng cục Thống kê, trong quý II/2022 thị trường lao động đã phục hồi đáng kể, số người đang làm việc và thu nhập bình quân tháng đều có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thị trường lao động đang đứng trước thách thức lớn khi cung - cầu mất cân đối.
Số người thất nghiệp giảm
Theo Tổng cục Thống kê, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, tình hình đăng ký doanh nghiệp (DN) trong 6 tháng đầu năm 2022 ghi nhận nhiều tín hiệu khởi sắc. Số DN gia nhập và tái gia nhập thị trường trong 6 tháng đầu năm lần đầu tiên vượt mốc 100 nghìn DN (116,9 nghìn DN), tăng 25,4% so với cùng kỳ năm 2021 và gấp 1,4 lần số DN rút khỏi thị trường. Nhờ đó, khiến tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, lao động trong các ngành kinh tế cũng có sự dịch chuyển tỷ lệ thuận với tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới phân theo khu vực kinh tế. Cụ thể, tính chung 6 tháng đầu năm 2022, lao động từ 15 tuổi trở lên đang làm việc là 50,5 triệu người, bao gồm 13,9 triệu người đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước); khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,8 triệu người (tăng 2,7%) khu vực dịch vụ là 19,6 triệu người (tăng 0,04%).
Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương quý II/2022 là 7,5 triệu đồng/tháng, tăng 178 nghìn đồng so với quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương ước tính là 7,4 triệu đồng/tháng, tăng 417 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù đạt được kết quả trên song theo Tổng cục Thống kê, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động 6 tháng đầu năm 2022 vẫn chỉ đạt 68,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Báo cáo gần đây của Bộ LĐTBXH cũng cho biết, nguồn cung lao động vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của DN trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Một số địa phương, khu vực, ngành nghề vẫn đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Riêng trong quý I có xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ khoảng 120.000 lao động (gần 10% so với nhu cầu tuyển dụng), cao hơn những năm trước khoảng 2-3%.
Tập trung phát triển lao động đồng bộ
Tại Hà Nội, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Vũ Quang Thành cho biết, hiện nay trung tâm vẫn đang tiếp nhận nhiều đơn hàng của các DN có nhu cầu tuyển dụng lớn, với đa dạng lĩnh vực, ngành nghề. Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn như nhóm dịch vụ (du lịch, lưu trú, bán hàng, kinh doanh…).
Các doanh nghiệp, nhà máy cũng đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều công nhân lao động sản xuất không đòi hỏi nhiều về trình độ. Một nhóm ngành nghề nữa tiếp tục có xu hướng tuyển dụng nhiều liên quan đến công nghệ thông tin (trí tuệ nhân tạo), sức khỏe, thương mại điện tử.
Nhận định về thị trường lao động trong những tháng cuối năm, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Lê Văn Thanh cho biết, nhu cầu tuyển dụng năm 2022 của DN là gần 1,3 triệu lao động, tăng 18% so với năm 2021, chủ yếu là lao động phổ thông, lao động không yêu cầu có bằng cấp chứng chỉ (chiếm 75%).
Tuy nhiên, nguồn cung lao động chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi kinh tế, đặc biệt đối với lao động có trình độ chuyên môn cao.
Để giữ chân người lao động, theo các chuyên gia cần tập trung phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại, linh hoạt, thống nhất. Trong đó, cần tạo môi trường phục hồi và phát triển thị trường lao động, đáp ứng cao nhất nhu cầu phát triển kinh tế; nâng cao chất lượng lao động; tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các chính sách, quy định pháp luật về quan hệ cung - cầu lao động…
Thực tế cũng cho thấy, hiện nay, nhiều lao động, đặc biệt ở khu vực đô thị và khu vực công nghiệp tập trung đang gặp khó khăn, nhất là sau đại dịch Covid-19. Không chỉ ở hiện tại, những khó khăn còn được dự báo kéo dài trong tương lai và chưa biết khi nào kết thúc.
Trong đó, an toàn tài chính và an sinh xã hội cho người lao động là vấn đề cấp thiết, nhất là trong bối cảnh đời sống có nhiều biến động, rủi ro về việc làm, thu nhập, sức khỏe… cũng như tình trạng già hóa dân số ngày càng gia tăng.