Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội 'phân trần' việc gần 900 nhân viên y tế xin nghỉ việc
Ngày 1/7, UBND TP Hà Nội tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội quý II-2022.
Liên quan đến việc tránh tình trạng chảy máu chất xám khi gần 900 nhân viên y tế tại Hà Nội xin nghỉ việc do lương thấp, môi trường làm việc khắc nghiệt, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Trong năm 2021 và 5 tháng đầu năm 2022 thống kê có hơn 750 nhân viên y tế xin thôi việc rải rác trong năm.
Theo ông Cương là do dịch bệnh kéo dài, tạo áp lực lớn lên các tuyến y tế.
Bên cạnh đó, nguồn thu của các đơn vị bị sụt giảm do các trung tâm y tế làm công tác dự phòng là chủ yếu, thu nhập của cán bộ y tế còn chưa tương xứng với sức lao động.
Đưa ra giải pháp, ông Cương cho biết: Sở Y tế đã báo cáo lãnh đạo thành phố, và đưa ra giải pháp như căn cứ vào Đề án vị trí việc làm để ký hợp đồng lao động với các nhân viên y tế. Đồng thời điều tiết các nhân viên y tế từ các tuyến xuống các đơn vị khó khăn. Xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức năm 2022 để giữ chân những nhân viên y tế, và nhân viên hợp đồng có nguyện vọng thi tuyển viên chức. Có chính sách thu hút cán bộ y tế về tuyến cơ sở. Tiếp tục công tác tư tưởng đối với cán bộ nhân viên y tế.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 khi hiện đã xuất hiện biến chủng mới, ông Cương, cho biết: Từ lúc xảy ra dịch bệnh cho đến 30/6/2022, Hà Nội đã ghi nhận trên 1 triệu 600 ngàn ca mắc Covid-19. Tuần qua chỉ còn 180 ca/ngày, giảm khá nhiều.
Hiện theo phân tích giải trình gene của bệnh viện Bạch Mai thì phát hiện có biến chủng BA.5. Đây là biến chủng phụ của chủng Omicron, có khả năng lây nhiễm nhiều hơn chủng BA.1. Tuy nhiên mức độ nặng hay không thì hiện chưa có bằng chứng rõ ràng.
Ông Cương cho biết, thời gian tới công tác phòng chống dịch sẽ tập trung vào việc phát hiện sớm, test nhanh. Chuẩn bị các phương án điều trị nếu xuất hiện các ca bệnh tăng nhanh, hiện chỉ có 74 người bệnh nằm ở các cơ sở điều trị, còn 4000 người bệnh điều trị tại nhà.
Việc tiêm vaccine phòng Covid-19 rất quan trọng, nhưng hiện tỷ lệ tiêm mũi 4 và trẻ em hơi chậm. Nhất là đối với trẻ em có việc người dân vẫn chưa đồng tình nên thành phố đang tích cực truyền thông để tiêm cho trẻ em.
“Tiêm phòng mũi 3, mũi 4 rất quan trọng trong phòng Covid-19. Vì tiêm đủ sẽ tăng miễn dịch và kháng thể. Nhất là khi có biến chủng BA.4, BA.5 thì việc tiêm chủng rất quan trọng. Nếu tiêm đủ các mũi sẽ giảm tình trạng chuyển nặng và tử vong. Do đó cần tăng cường truyền thông để người dân tham gia tiêm chủng” - ông Cương cho hay.