Nhân rộng những cách làm hay của Mặt trận TP HCM cho cả nước
MTTQ Việt Nam TP HCM luôn phát huy được vai trò đi đầu, trung tâm sáng tạo, là lá cờ đầu trong triển khai các chủ trương, định hướng của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Chiều 1/7, đoàn công tác do ông Lê Tiến Châu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Ban thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM về tình hình tổ chức, hoạt động của MTTQ Việt Nam thành phố.
Tham dự về phía TP HCM có ông Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TP HCM; bà Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; đại diện HĐND, UBND thành phố; đại diện các tổ chức chính trị - xã hội tại TP HCM.
Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Thành Trung, Phó Bí thư Đảng đoàn - Phó chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết, đầu nhiệm kỳ (2019-2024), Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM có 140 vị ủy viên.
Trong đó, cơ cấu gồm: 32 người đứng đầu tổ chức thành viên; 24 Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện; 73 cá nhân tiêu biểu; 11 cán bộ chuyên trách. Có 10 Phó Chủ tịch không chuyên trách.
Sau khi thành lập thành phố Thủ Đức, trên cơ sở sáp nhập 3 đơn vị hành chính gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức còn cơ cấu 138 vị, hiện nay có 134/138 vị.
Cơ cấu Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM có 11 vị gồm Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch và 6 Ủy viên Thường trực.
Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM lập 7 Hội đồng tư vấn với 137 thành viên tư vấn về các lĩnh vực: Kinh tế; Dân chủ - Pháp luật; Dân tộc - Tôn giáo; Đối ngoại nhân dân - Kiều bào; Văn học - Nghệ thuật; Khoa học - Kỹ thuật - Môi trường; Văn hóa - Xã hội. Hoạt động của Ủy ban và các Hội đồng tư vấn đều đi vào nền nếp, đảm bảo theo quy chế và có hiệu quả.
Cũng theo ông Trung, hoạt động của MTTQ Việt Nam thành phố thời gian qua mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, song về cơ bản Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã phối hợp tổ chức triển khai chương trình phối hợp thống nhất có trọng tâm, trọng điểm, nhất là tham gia tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác phòng, chống dịch; hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền… từng bước có sự đổi mới về nội dung và phương thức thực hiện, tập trung lựa chọn những vấn đề mà nhân dân quan tâm, bức xúc, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Trong khi đó, các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động được đổi mới, hướng mạnh về cơ sở, việc thành lập Giải thưởng “Đại đoàn kết toàn dân tộc TP HCM” của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, được trao tặng vào dịp kỷ niệm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam đã khơi dậy sự suy nghĩ sáng tạo với những hoạt động, mô hình hay, cách làm hiệu quả, mang tính lan tỏa của nhân dân thành phố, là động lực để thúc đẩy phong trào thi đua sáng tạo trong hệ thống Mặt trận nhằm góp phần thiết thực phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Tuy nhiên, hiện hoạt động của hệ thống Mặt trận thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong đó, các địa phương cả nước nói chung và TP HCM nói riêng đang bị động về kinh phí các đối tượng hỗ trợ.
Do đó, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM kiến nghị, tiếp tục chấp thuận TP HCM được phép giữ toàn bộ tiền vận động được của Quỹ cứu trợ, nguồn ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 như những năm trước đây nhằm tạo điều kiện chủ động tham mưu tổ chức chăm lo kịp thời cho những trường hợp bị thiệt hại và hỗ trợ các tỉnh khi bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn và dịch bệnh.
Nhằm tranh thủ được trí tuệ, huy động được lực lượng chuyên gia, đội ngũ những người có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong từng lĩnh để tham gia vào các hoạt động giám sát với nhiều nội dung phức tạp, đa dạng, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố kiến nghị Mặt trận Trung ương xem xét, điều chỉnh mức kinh phí hỗ trợ cho thành viên tham gia hoạt động giám sát được tính thành từng buổi và không phân biệt thành viên chính thức của Đoàn giám sát hay thành viên được mời dự cùng Đoàn giám sát. Đề xuất ban hành Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng.
Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM cũng kiến nghị với cấp có thẩm quyền sớm có cơ chế đào tạo và phụ cấp cho cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo từ Trung ương đến địa phương.
Theo bà Châu, để giữ được người tài, những người làm tốt công việc cần có chính sách để hỗ trợ, ưu đãi để họ yên tâm công tác.
Ngoài ra, lãnh đạo Mặt trận TP HCM mong muốn Mặt trận Trung ương có kiến nghị gửi đến Quốc hội ban hành Luật về hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vì việc này được xem là một trong những giải pháp thực hiện quyền dân chủ của nhân dân, là giải pháp nhằm góp phần đổi mới sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý điều hành của nhà nước và nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội.
“Bên cạnh đó, cần đưa Quy trình phản biện xã hội của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội thành khâu bắt buộc trong việc trình dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trước khi thông qua các cơ quan có liên quan”, đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM nêu.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu đánh giá, MTTQ Việt Nam TP HCM luôn phát huy được vai trò đi đầu, trung tâm sáng tạo, là lá cờ đầu trong triển khai các chủ trương, định hướng của UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Ông Lê Tiến Châu nhấn mạnh, nhiều nội dung chỉ đạo định hướng của Mặt trận Trung ương cũng xuất phát từ thực tiễn thành công của MTTQ thành phố.
Điển hình như trong bối cảnh đại dịch Covid-19, thành phố thành lập Trung tâm an sinh xã hội giao MTTQ thành phố chủ trì, phát huy hiệu quả, rõ nét vai trò của MTTQ trong triển khai; từ đó Mặt trận Trung ương cũng phối hợp với các địa phương triển khai công tác an sinh xã hội, trong đó phát huy vai trò chủ trì của MTTQ các tỉnh.
Ông Lê Tiến Châu cũng đồng tình với với kiến nghị của các đại biểu rằng, với vị trí, vai trò thành phố lớn nhất cả nước, nội dung, tính chất và khối lượng công việc của TP HCM là tương đối lớn và phức tạp so với với các địa phương khác trên cả nước, từ đó sẽ phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc.
Chia sẻ với những khó khăn trên, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu khẳng định, hoạt động của MTTQ Việt Nam thành phố không chỉ vì thành phố mà còn vì cả nước; đóng góp quan trọng của thành phố cho đất nước và sự nghiệp xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu cảm ơn sự quan tâm của Thành ủy TP HCM đối với công tác Mặt trận thời gian qua.
Đồng thời, ông Lê Tiến Châu cũng đề nghị Thường trực Thành ủy TP HCM quan tâm một số vấn đề trọng tâm như: Tiếp tục quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng chất cán bộ Mặt trận thành phố giai đoạn tới, đặc biệt là đào tạo thông qua thực tiễn công việc, luân chuyển, điều động, biệt phái; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và bảo đảm điều kiện cần thiết để MTTQ Việt Nam thực hiện tích cực, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội theo yêu cầu của Bộ Chính trị.
Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu lưu ý, cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, định hướng công tác Mặt trận, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, đóng góp cho sự phát triển của thành phố và đất nước.
“Trong đó, tích cực quan tâm, phối hợp với các đơn vị chức năng của Mặt trận Trung ương để kịp thời phản ánh khó khăn, vướng mắc, chia sẻ kinh nghiệm, cách làm hay để Mặt trận Trung ương xem xét, nhân rộng hoặc điều chỉnh công tác hướng dẫn, kiểm tra nhiệm vụ chuyên môn cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn”, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Lê Tiến Châu mong muốn.