Tăng lương nhưng chưa hết lo
Ngày 1/7/2022, Nghị định số 38/NĐ-CP chính thức có hiệu lực, theo đó người lao động (NLĐ) được tăng lương tối thiểu 180.000 – 260.000 đồng/tháng, tùy từng vùng. Theo các chuyên gia việc tăng lương chỉ có ý nghĩa khi kìm chỉ số giá tiêu dùng (CPI), như vậy mới không còn tình trạng “lương đuổi theo giá”.
Triển khai Nghị định 38, nhiều doanh nghiệp (DN) đã lên kế hoạch và thông báo chính thức việc tăng lương tối thiểu vùng. Dù sau gần 2 năm hoạt động kinh doanh bị đóng băng nhưng khi Chính phủ quyết định tăng lương tối thiểu vùng 6% so với năm 2021, Công ty Cổ phần quốc tế Trường Gia vẫn quyết định triển khai nghiêm túc theo quy định. “Theo tính toán từ tháng 7 chi phí dành cho tiền lương, tiền đóng BHXH, phí công đoàn tăng so với tháng 6 hơn 200 triệu đồng. Tuy nhiên với phương châm đồng hành cùng NLĐ, công ty đã chuẩn bị nguồn để tăng lương và sẽ không cắt giảm các chính sách phúc lợi khác” – bà Nguyễn Thị Vân - Giám đốc Công ty Trường Gia chia sẻ.
Ngành may mặc là ngành sử dụng nhiều lao động nhất nhưng đến thời điểm này theo khảo sát hầu hết các DN đều đã thông báo kế hoạch tăng lương đúng như lộ trình quy định. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - ông Bạch Thăng Long cho biết, Tổng Công ty đã xây dựng thang bảng lương mới theo quy định tại Nghị định số 38 của Chính phủ và có khoảng 7.500 NLĐ được tăng 6% lương cơ bản. Bên cạnh đó, Tổng Công ty vẫn duy trì hỗ trợ NLĐ tiền chuyên cần, ăn ca, xăng xe, hỗ trợ xe đưa đón… khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng.
Bên cạnh đó vẫn có những DN không tăng lương theo lộ trình vì trước đó để thu hút lao động công ty đã tăng lương cơ bản cao hơn so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định. Điển hình như Công ty TNHH Showa, đầu năm 2022 đã điều chỉnh nâng 3,5%, hiện nay lương cơ bản cao hơn khá nhiều so với mức lương tối thiểu Chính phủ quy định.
“Công ty đã thực hiện tăng lương tối thiểu vùng cho NLĐ từ đầu năm. Lương tối thiểu hiện hành đang áp dụng cao hơn nhiều so với quy định”- ông Phạm Thanh Hải - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Quốc Oai, Hà Nội) cho hay.
Theo các chuyên gia trong ngành, những DN đã trả lương cơ bản cao hơn mức lương tối thiểu được quy định tại Nghị định số 38/NĐ-CP mà không điều chỉnh tiền lương tối thiểu từ ngày 1/7 thì không sai quy định. Tuy nhiên, về phía những công nhân lao động không được tăng lương sẽ cảm thấy hụt hẫng, phải gồng mình chống chịu bão giá các mặt hàng. Các chủ sử dụng lao động luôn nói NLĐ là tài sản quý của DN nhưng không điều chỉnh tiền lương để khuyến khích, tạo động lực làm việc cho công nhân lao động, rất có thể họ sẽ đi tìm đến công ty khác tăng lương theo quy định của Nhà nước. Dù hiện trả mức lương nào, khi đã tăng lương tối thiểu chắc chắn chi phí nhân công sẽ tăng theo.
“DN thực hiện tăng lương tối thiểu chính là tháo gỡ khó khăn cho DN chứ không phải là chỉ riêng với NLĐ. Trong bối cảnh hiện nay, DN nào trả lương èo uột, không điều chỉnh mức lương tối thiểu sẽ xảy ra tình trạng bất ổn về quan hệ lao động, khó giữ chân NLĐ” - ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quảng, mức tăng 6% là tính trên mức lạm phát dưới 4% song hiện nay giá cả tăng con số này còn lớn hơn rất nhiều. Vì vậy, mức tăng 6% là chưa đủ để NLĐ ổn định cuộc sống. Chính vì vậy, bên cạnh các chính sách hỗ trợ, quan trọng nhất phải tăng thu nhập cho NLĐ. Về phía công đoàn, cần thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng lao động để đảm bảo điều kiện lao động và mức thu nhập tốt hơn cho NLĐ.Về phía Nhà nước, cần tăng cường công tác giám sát, tham gia triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động đảm bảo kịp thời, để chính sách thực sự phát huy được tác dụng.