Lo thuốc cho dân

Ngọc Quang 02/07/2022 07:40

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế mới đây, những con số được đưa ra thật đáng quan ngại: Thống kê với 34/63 sở y tế, 21/39 bệnh viện tuyến Trung ương và 2 bệnh viện trực thuộc trường đại học cho thấy 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.

Tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế thời gian qua đã khiến xã hội lo lắng. Với những người phải điều trị bệnh nặng (trong đó có người bệnh ung thư) thì đó quả là mối đe dọa thực sự. Với những người có bảo hiểm y tế, do bệnh viện thiếu thuốc, họ buộc phải mua ngoài theo chỉ định, thì tự nhiên lại không được hưởng quyền lợi chính đáng khi đã bỏ tiền ra mua bảo hiểm.

Cùng đó, các bệnh viện, các sở y tế cũng lo lắng vì thiếu thuốc, thiếu trang thiết bị để hoạt động.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, nguyên nhân là do ảnh hưởng của việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng; một số nước áp dụng các biện pháp chống lạm phát… Các yếu tố này đã tác động tiêu cực đến việc cung ứng và giá thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bà Hương cũng cho rằng, một nguyên nhân nữa là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa quyết liệt; sự phối hợp giữa các đơn vị thiếu chặt chẽ. Một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

Tình hình thêm nóng khi đúng lúc này nhiều bệnh viện tại TP Hồ Chí Minh lại lên tiếng “cầu cứu” Bộ Y tế vì thiếu thuốc điều trị trong lúc dịch bệnh sốt xuất huyết bùng phát. Báo cáo với Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, lãnh đạo Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong 6 tháng đầu năm lượt khám và điều trị sốt xuất huyết nội trú của nơi này cao gấp 4 lần so với 2 năm dịch, tăng gấp đôi so với thời điểm năm 2019. Tỷ lệ sốc sốt xuất huyết chiếm 21%, cao gấp 2 so với các năm trước. Trung bình tháng 5 và 6 có hơn 100 ca sốc/tháng. Đến nay, bệnh viện đã có 7 ca tử vong vì sốt xuất huyết.

Nhưng, thật đáng lo ngại là bệnh viện lại thiếu thuốc đặc trị để điều trị, phải dùng các loại thuốc khác thay thế. Từ đó, bệnh viện kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ tìm nguồn cung ứng kịp thời vì đỉnh dịch cũng đã đến gần.

Vì sao lại thiếu thuốc điều trị bệnh đến vậy? Như trên đã nói, về cơ bản, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã giải thích. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng để giải quyết thì cần tập trung gỡ “nút thắt” trong việc chậm đấu thầu. Hiện nay để cung ứng thuốc, vật tư cho các bệnh viện có các hình thức: Đấu thầu tập trung cấp quốc gia - trong đó có đàm phán giá (Bộ Y tế đấu thầu tập trung một số loại thuốc theo danh mục); đấu thầu tập trung tại địa phương (do Sở Y tế đứng ra) và đấu thầu tại bệnh viện (với những cơ sở trực thuộc Bộ Y tế được phân cấp tự chủ). Với những gói thầu trên 5 tỷ đồng do Bộ Y tế phê duyệt, dưới mức trên do bệnh viện tự quyết định nếu tự chủ tài chính.

Nhưng nếu ai cũng sợ sai khi đấu thầu thì người bệnh biết trông vào đâu?

Nói như ông Nguyễn Huy Quang- nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), vấn đề lớn mà ngành Y đang lúng túng là không biết đâu là hành lang pháp lý đầy đủ để an toàn, yên tâm thực hiện, đâu là “lằn ranh đỏ” để người ta không thể vượt qua.

Cũng rất cần nhắc lại, chiều ngày 23/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về tình hình cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế. Thủ tướng nhấn mạnh, tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng, cần phải khắc phục ngay. “Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý”- Thủ tướng nói.

Lo đủ thuốc chữa bệnh cho dân không phải là khẩu hiệu mà chính là mệnh lệnh cuộc sống. Điều đó phải được xác định là việc cần làm ngay!

Ngọc Quang