Nhiều lô kit test PCR tài trợ không đảm bảo chất lượng

Khanh Lê 02/07/2022 08:10

Ngày 1/7, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo công bố báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2021, kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và báo cáo kiểm toán chuyên đề “việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”.

Quang cảnh buổi họp báo.

Kết quả Kiểm toán Nhà nước cho biết, tổng nguồn lực đã huy động cho công tác phòng, chống dịch đến 31/12/2021 hơn 376,2 nghìn tỷ đồng, ngoài ra Nhà nước còn xuất từ kho dự trữ 66.557,7 tấn gạo và sử dụng ngân sách Nhà nước mua gạo để xuất hỗ trợ cho các địa phương 75.459,6 tấn.

Đối với việc quản lý và sử dụng kit test, theo báo cáo giai đoạn 2020-2021 các đơn vị đã mua sinh phẩm, hóa chất, kit test xét nghiệm với các mức giá khác nhau, tùy thuộc vào chủng loại trong đó, một số đơn vị mua kit test từ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á trị giá 2.161.6 tỷ đồng (trực tiếp hoặc qua đơn vị trung gian). Kết quả kiểm toán cho thấy, có lô kit test PCR tài trợ qua lấy mẫu thử nghiệm chưa bảo đảm chất lượng sử dụng. Đáng chú ý, một số đơn vị ghi nhận việc mượn, mua vật tư, kit test, sinh phẩm, xét nghiệm từ các nhà cung cấp với nhiều hình thức khác nhau như có hoặc không có văn bản thỏa thuận, hoặc không có hợp đồng, đơn giá, phương án hoàn trả chỉ có biên bản bàn giao với tổng giá trị hàng hóa mượn theo hợp đồng, thỏa thuận là 1.061 tỷ đồng và mượn bằng hiện vật không có giá trị.

Trước ảnh hưởng của dịch Covid - 19 nhiều chính sách đã được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên theo đánh giá việc ban hành một số văn bản hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống dịch và các chính sách hỗ trợ còn chưa đầy đủ, kịp thời…gây khó khăn, lúng túng trong tổ chức thực hiện, ảnh hưởng đến việc triển khai các chính sách hỗ trợ.

Theo đánh giá của KTNN, việc thực hiện chính sách đạt kết quả thấp, một trong những nguyên nhân là do chính sách còn bất cập, chậm được sửa đổi bổ sung dẫn đến một số chính sách đã hết thời gian thực hiện, không phù hợp thực tế làm hạn chế sự tiếp cận của người dân, người sử dụng lao động hoặc gây khó khăn cho công tác kê khai, xác minh, làm thủ tục thụ hưởng chính sách; chưa đầy đủ, chưa bao quát hết đối tượng.

Về chính sách thuế, thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ đã ban hành các gói chính sách miễn, giảm, gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất,… nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân chịu tác động bởi dịch Covid-19. Qua kiểm toán cho thấy kết quả thực hiện một số chính sách còn thấp so với số dự kiến. Nguyên nhân do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, còn có những bất cập, chưa rõ ràng hoặc chậm ban hành văn bản dẫn đến làm giảm thời gian hưởng chính sách, thậm chí hướng dẫn không phù hợp với Luật Quản lý thuế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người nộp thuế. Bên cạnh đó, việc cơ quan thuế không kiểm tra và thông báo khi tiếp nhận, xử lý hồ sơ gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất năm 2020, 2021 theo quy định làm cho người nộp thuế lo ngại khi đề nghị gia hạn…

Từ thực trạng trên KTNN kiến nghị xử lý tài chính 3.431.236.487.360 đồng; xử lý tài chính khác 3.358.511.907.861 đồng. Kiểm tra, rà soát báo cáo cấp có thẩm quyền cho ý kiến xử lý về số kinh phí sử dụng chưa đúng quy định, kinh phí chưa sử dụng và các khoản chưa hỗ trợ kịp thời cho người lao động. Đồng thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm đối với những tồn tại, hạn chế trong việc huy động các nguồn lực phòng, chống dịch; công tác phân bổ trang thiết bị, vật tư, thuốc chưa có đầy đủ hồ sơ, tài liệu; phân bổ vaccine chưa phù hợp thực tiễn. Xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật trong việc thu sai đối tượng, giá dịch vụ xét nghiệm cao hơn quy định, thu dịch vụ xét nghiệm bao gồm cả chi phí test, vật tư, sinh phẩm y tế của hàng tài trợ viện trợ hoặc được Bộ Y tế phân bổ; Các khoản chi không đúng quy định, sai chế độ; Hỗ trợ cho người lao động có hộ khẩu ở địa phương đang làm việc ở tỉnh khác không đúng quy định...

Khanh Lê