'Nước rút' trước kỳ thi tốt nghiệp: Cẩn trọng luyện đề trên mạng
Nguồn tài liệu ôn thi tốt nghiệp trên Internet và mạng xã hội từ trước đến nay luôn là kho thông tin đa dạng, phong phú mà nhiều thí sinh lựa chọn để thử sức ôn luyện. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích mà kênh luyện thi này mang lại, tiềm ẩn không ít rủi ro như tình trạng đề “dởm”, kém chất lượng gây ra những tác dụng ngược đối với thí sinh...
Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) sẽ diễn ra trên cả nước. Các sĩ tử bước vào giai đoạn nước rút để tiến hành ôn luyện, sắp xếp lại kiến thức. Tại thời điểm này, nhiều học sinh chọn cách luyện đề thi trên mạng, các hội nhóm Facebook. Tuy nhiên, việc này cần hết sức cẩn trọng bởi rất dễ gây ra “tác dụng ngược”.
Lạc vào “ma trận”
Nguồn tài liệu ôn thi tốt nghiệp trên Internet và mạng xã hội từ trước đến nay luôn là kho thông tin đa dạng, phong phú mà nhiều thí sinh lựa chọn để thử sức ôn luyện. Thời điểm chỉ còn vài ngày nữa là các sĩ tử sẽ chính thức bước vào kì thi quan trọng bậc nhất của cuộc đời - kỳ thi Tốt nghiệp THPT.
Dự định thi vào trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, suốt nhiều ngày nay, em Nguyễn Thị Hạnh (học sinh lớp 12 trường THPT Phúc Thọ, Hà Nội) đều căng mình ôn tập, có hôm thức đến 1-2 giờ sáng để học bài. Hạnh cho biết, thời điểm này em không còn học dàn trải kiến thức như vài tháng trước. Thay vào đó, Hạnh tập trung vào việc giải các đề thi, thực hiện nhiều bài thi thử và tự bấm giờ để rèn phản xạ trong phòng thi.
Những đề Toán và tiếng Anh thầy cô cung cấp trước khi nghỉ lớp ôn thi Đại học Hạnh vẫn làm chưa hết, song em cho biết bản thân vẫn tích cực tìm kiếm trên các hội nhóm ôn thi Đại học để lấy thêm đề về làm thử.
“Một phần có thêm nguồn đề để tham khảo, vì các thầy cô khác nhau sẽ có các bộ đề khác nhau. Kiến thức có thể được mở rộng hơn rất nhiều. Thứ hai là trong các nhóm ôn thi, thành viên có thể trao đổi với nhau tìm ra lời giải, như vậy tạo thêm được động lực để học tập”- Hạnh cho biết.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích nêu trên, không ít lần Hạnh cũng từng phải mất tiền vì những bộ đề “lởm”. “Một vài hội nhóm, các quản trị viên thường đăng bài về những bộ đề chất lượng ở tất cả các môn với giá chỉ từ vài trăm ngàn đồng của những thầy cô nổi tiếng ôn thi Tốt nghiệp và Đại học. Ở những đề đầu tiên miễn phí làm thử, em cảm thấy rất tốt, đề phân hóa cao và các câu hỏi chất lượng nên quyết định mua. Tuy nhiên, sau khi làm thử vài đề thì mới phát hiện các đề trùng lặp số câu rất lớn, một số đề đáp án sai nhiều, có đề lại quá dễ” - Hạnh cho hay.
Em Trần Anh Quân (THPT Cầu Giấy, Hà Nội) cũng chia sẻ: “Thời điểm này là lúc mà hầu hết các bạn đều tiến hành luyện đề thi. Bản thân em cũng chọn nhiều đề trên mạng để làm vì vừa nhanh, vừa tiện lại đa dạng. Tuy nhiên, các đề thi trên mạng cũng tồn tại rất nhiều bất cập nếu không biết lựa chọn”.
Theo Quân, các đề thi khảo sát đến từ Sở GDĐT của các tỉnh và một số trang luyện thi uy tín là nguồn em thường xuyên tham khảo bởi có đáp án và phần giải thích rõ ràng, lại có giáo viên sẵn sàng giải đáp. Ngoài ra, Quân không bỏ tiền để mua bất cứ bộ đề trôi nổi trên mạng nào theo lời quảng cáo từ Google hoặc các hội nhóm trên Facebook.
Ôn luyện sao vào giai đoạn “nước rút”?
Theo các giáo viên có kinh nghiệm lâu năm trong việc ôn thi tốt nghiệp THPT và Đại học, thời điểm những ngày cuối trước khi diễn ra kì thi, tâm lý của hầu hết thí sinh đều trở nên hồi hộp, lo lắng trước lượng kiến thức mà mình đã ôn tập. Do vậy, các em thường có xu hướng nhồi nhét kiến thức thật nhanh, ra sức làm nhiều đề thi thử, trong đó có rất nhiều nguồn đề thi trôi nổi, kém chất lượng trên mạng.
Ông Nguyễn Duy Minh Khuê (giáo viên môn Toán, Trường THPT Phúc Thọ) cho biết: “Việc học sinh tự tìm đến tham khảo các nguồn đề thi trên mạng cho thấy tinh thần tự học và ôn thi nghiêm túc, đáng được hoan nghênh. Sự nở rộ của các trung tâm luyện thi trên mạng, hội nhóm ôn thi mạng xã hội đã khiến nguồn tham khảo được mở rộng rất nhiều. Tuy nhiên để tìm được những nguồn đề thi chất lượng, uy tín không phải điều dễ dàng. Thậm chí hoàn toàn có thể gây nên tác dụng ngược cho thí sinh”.
Theo đó, đề thi có thể chỉ được cóp nhặt ở nhiều nơi, không có tính phân hóa, nội dung chung chung và dàn trải. Nhiều người soạn đề thi nhưng không có chuyên môn, đề lại được chia sẻ tràn lan, không được kiểm định chất lượng sẽ làm sĩ tử như rơi vào ma trận. Rất nhiều học sinh sau khi làm các đề thi như vậy thường rơi vào trạng thái hoang mang, không tự tin vào chính mình gây ảnh hưởng đến tâm lý trước kì thi.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Nga (giáo viên ôn thi môn Lịch sử) khẳng định, thời gian nước rút này rất quan trọng đối với thí sinh. Trong thời gian này, thí sinh chỉ nên tập trung ôn luyện lại các kiến thức đã có, ghi nhớ và làm các dạng đề liên quan theo hướng dẫn của thầy cô và Bộ GDĐT.
“Không nên tham khảo quá nhiều nguồn đề thi trên mạng nếu chúng không đến từ những địa chỉ uy tín. Với những học sinh ở mức trung bình - khá, sẽ rất khó phân loại và nhận định được đâu là nguồn đề có chất lượng nên dễ rơi vào tình trạng loạn kiến thức. Đặc biệt, với dạng đề trắc nghiệm chiếm ưu thế như hiện nay, việc luyện đề nhưng không được hướng dẫn, giải thích về đáp án cũng là một mối nguy khi học sinh sẽ chỉ biết học vẹt theo đáp án mà không hiểu rõ bản chất, nhất là ở những môn khối xã hội. Khi gặp phải các câu hỏi tương tự, thí sinh sẽ không biết phải làm sao”- bà Nga cho hay.
Theo bà Nga, học sinh chỉ nên tham khảo các đề thi trên mạng với khối lượng và thời gian vừa phải, tránh sa đà vào những kiến thức lan man của đề thi. Bên cạnh đó, cũng cần chế độ nghỉ ngơi phù hợp, không ôn luyện quá sức trong thời gian cận kề kì thi.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, GS.TS Phạm Tất Dong- nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, để có được một kỳ thi nghiêm túc và công bằng, Bộ GDĐT cũng cần đưa ra các khuyến cáo, cơ chế thi cử tiến hành như thế nào, giới hạn phạm vi tri thức ra sao cho học sinh. Bên cạnh đó cũng cần tạo các nguồn đề tham khảo hoặc hướng dẫn các trường có những biện pháp ôn thi phù hợp cho học sinh, tiến tới học sinh không cần phải đến những “lò luyện thi” kém chất lượng hay phải tham khảo nguồn kiến thức không được kiểm định trên mạng.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong- nguyên Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, nhà trường cũng cần có trách nhiệm và nghĩa vụ liên quan đến việc hướng dẫn học sinh, đưa ra những chương trình ôn thi phù hợp để những học sinh yếu, kém có cơ hội được tiếp cận với những đề thi chất lượng, tránh để tình trạng tham khảo đề thi tràn lan, kém chất lượng. Thậm chí bỏ tiền để mua phải các đề thi “dởm”.