Sách giáo khoa dùng chung: Tránh lãng phí
Bộ GDĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách Nhà nước mua sách giáo khoa (SGK) đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần. Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình với việc dùng chung SGK để giảm gánh nặng cho phụ huynh nhưng cân nhắc về việc sử dụng ngân sách nhà nước để mua bởi có thể huy động nguồn lực lớn từ phụ huynh và xã hội.
Phụ huynh giảm gánh nặng
Trên thực tế, giải pháp về SGK dùng chung không mới, đã được thực hiện ở các trường học trên cả nước từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Nhiều nhà giáo đến nay vẫn nhớ phong trào "Xây dựng tủ SGK dùng chung" do Cục Xuất bản Giáo dục thuộc Bộ Giáo dục lúc đó (nay là Bộ GDĐT) phát động. Phong trào đã được tổ chức sôi nổi trong các trường phổ thông từ miền xuôi đến miền ngược, giúp nhiều gia đình giảm được gánh nặng mua SGK mỗi đầu năm học mới.
Bên cạnh đó, trong những chuyến đi thiện nguyện về các vùng sâu, vùng xa, các địa bàn còn khó khăn, rất nhiều đoàn trước đây đều ưu tiên việc xin SGK cũ để mang tặng lại cho các trường, sau đó tặng cho học sinh… Chỉ 2 năm trở lại đây, khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chính thức được triển khai thì các bộ SGK cũ của các khối lớp 1, 2, 3, 6,… theo chương trình hiện hành không được thu gom nữa mà thay vào đó là các bộ sách mới.
Tuy nhiên, chị Nguyễn Hà Thanh (Khu đô thị Xa La, Hà Đông, Hà Nội), người hàng năm đều kêu gọi ủng hộ được hàng trăm bộ SGK cũ để gửi đi tình nguyện ở Hà Giang cho biết: “Chương trình hiện hành chỉ có 1 bộ SGK nên ở đâu học sinh cũng học như nhau. Nhưng chương trình mới có nhiều bộ SGK nên khi liên hệ để tặng sách cho nhà trường, nhóm mình phải hỏi rõ năm sau trường dự kiến học sách nào? Sau đó đăng lên các diễn đàn, các kênh hội nhóm khác nhau để xin sách cũ. Nhìn chung là 2 trường của cùng một xã có khi bộ SGK cũng khác nhau ở vài quyển nên xin được sách rồi, nhóm còn phải phân loại lại rồi mới đem tặng” - chị Thanh thông tin.
Có trường năm nay quyết định học SGK này, năm sau chuyển sách khác là việc hết sức bình thường. Những cuốn SGK không được dùng lại cho lớp đàn em sau là một sự lãng phí, nhất là khi SGK mới có giá cao hơn gấp 2-3 lần so với những cuốn SGK theo chương trình hiện hành. Số phận những cuốn SGK giấy đẹp, sách in màu rất đẹp nhưng chỉ dùng 1 năm là xếp xó hoặc bỏ thùng rác, đi vào hàng đồng nát, thành bột giấy tái chế, nghĩ thôi cũng thấy xót xa.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, bà Tô Thị Miên (Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hà Lâu, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh) cho biết với học trò vùng khó, việc huy động các em ra lớp đầy đủ đã rất khó khăn. Hơn 20 năm được phân công giảng dạy lớp 1, bà Miên thường xuyên tặng đồ dùng, sách vở cho học sinh vì thấu hiểu sự khó khăn, thiếu thốn của gia đình các em. Bà Miên mong muốn xây dựng được tủ SGK dùng chung để mọi học sinh của mình và nhiều học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn khác trên cả nước được mượn sách để học tập.
Kinh nghiệm từ địa phương
Trước thềm năm học mới, nhiều giáo viên, phụ huynh và học sinh đều mong ngóng sớm thực hiện việc cho học sinh mượn SGK để giảm lãng phí trong sử dụng SGK cũng như áp lực mua SGK mới với giá cao so với thu nhập của nhiều gia đình hiện nay. Tuy nhiên, cái khó là nguồn ngân sách dành cho các trường công hạn hẹp nên việc mua sách cho cả nghìn học sinh mỗi trường thì khó có thể thực hiện mà trước mắt, cần cân nhắc cách làm phù hợp, trong đó ưu tiên xã hội hóa từ các nguồn khác nhau.
Là địa phương có 11 huyện miền núi, trong đó có 6 huyện miền núi cao rất khó khăn, Nghệ An đã nhanh chóng triển khai mô hình thư viện SGK dùng chung. Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở GDĐT Nghệ An cho biết, cơ quan chức năng đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng mô hình thư viện, SGK trên phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm, tỉnh dành một phần kinh phí để trang bị SGK cho các nhà trường.
Đồng thời, kêu gọi, huy động doanh nghiệp, các nhà xuất bản tặng SGK cho các nhà trường; các học sinh khóa trước học xong sẽ tặng lại SGK để xây dựng thư viện SGK.
Đây là hướng đi các địa phương có thể triển khai ngay để hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có sách để học. SGK cũng được dùng nhiều lần, tránh lãng phí là điều ngành giáo dục và cả xã hội mong muốn.
Chuyên gia giáo dục toàn cầu được Microsoft công nhận Tô Thụy Diễm Quyên cho biết, ở nhiều nước, người dân không mua SGK. Học sinh học xong sẽ để lại thư viện cho các em lớp sau dùng. Việc này khi làm thành thói quen, thường xuyên sẽ giúp giáo dục học sinh ý thức tiết kiệm, thái độ quý trọng, giữ gìn sách… Dần dần, khi thư viện huy động được số lượng lớn SGK từ học sinh, các nhà tài trợ thì nhu cầu mua SGK mới trong phụ huynh sẽ giảm xuống, tủ sách dùng chung sẽ phát huy tác dụng rõ rệt.