Trăn trở Xóm Rền

TÙNG DUY - NGÔ HÙNG 03/07/2022 10:00

Di cốt gần như còn nguyên vẹn của một ngôi mộ cổ khi khai quật tại di chỉ Xóm Rền (niên đại khoảng 3.500 năm), thuộc huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cách đây 17 năm để rồi... bỏ đó. Một ngày nắng như đổ lửa tháng 6, chúng tôi đã có mặt tại đây để thấu hiểu hơn về nỗi trăn trở của người dân miền quê trung du Phú Thọ.

Nhiều tư liệu, hình ảnh được trưng bày suốt 10 năm qua tại Nhà văn hóa Xóm Rền về các cuộc khảo cổ, tham quan.

Còn nhớ, năm 2005, nhiều tờ báo đưa tin khi các nhà khảo cổ học tiến hành khai quật di chỉ Xóm Rền (xã Gia Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ) đã phát hiện một ngôi mộ táng và nhiều đồ gốm, đồ đá có giá trị. Đáng chú ý là bộ di cốt gần như còn nguyên vẹn của ngôi mộ niên đại khoảng 3.500 năm. Đây là điểm nhấn quan trọng nằm trong tổng thể giá trị và ý nghĩa lịch sử của khảo cổ Xóm Rền để được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia hai năm sau đó.

Cụ thể, mộ táng này được phát hiện trong lần khai quật thứ 6, được mô tả sâu 1,2m, chứa di cốt một phụ nữ trẻ, đầu nằm quay hướng đông, bị tiêu mất một phần xương bàn chân, tay bên trái. Đồ tùy táng có chiếc nồi giỏ cua thân hình cầu màu xám kèm văn thừng đập chéo. Khảo cổ cũng xác định đây là di cốt người Xóm Rền xưa có niên đại muộn.

Kể từ khi di chỉ Xóm Rền được phát hiện cách đây 54 năm bởi GS Hà Văn Tấn và TS Hán Văn Khẩn (Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội), đến nay đi qua 6 lần khai quật đã thu được 2.794 hiện vật đá, 57 hiện vật gốm, nằm rải rác trong các tầng văn hóa.

Bàn mài, cuốc đá, đục đá, mũi tên, mũi giáo, rìu đá, vòng đá trang sức, hạt chuỗi, vật đeo hình đuôi cá..., mô phỏng nền văn minh có từ rất sớm trước thời kỳ Hùng Vương.

Đáng kể nhất trong đó là 5 tiêu bản Nha chương, loại hình di vật vô cùng quý hiếm của văn hóa Phùng Nguyên, thể hiện quyền uy của thủ lĩnh quân đội xa xưa. Những Nha chương này hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương và Bảo tàng Phú Thọ.

Lão nông Hán Văn Luận (đứng giữa) hướng dẫn khách tham quan ngôi mộ cổ.

TS Nguyễn Hải Kế - nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội, đánh giá: “Một di tích khảo cổ mà nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế đánh giá là đặc biệt quý hiếm trong số gần trăm di tích văn hóa Phùng Nguyên. Tầng văn hóa dày và khá nguyên vẹn đã chỉ ra rằng con người nơi đây là một trong những cộng đồng cư dân biết đến đồng thau sớm nhất Việt Nam.

Nơi đây cũng chứng kiến những bước đi tiên phong trong cách mạng luyện kim đồng và khai phá châu thổ sông Hồng để khai sinh một nền văn minh nổi tiếng - văn minh nông nghiệp trồng lúa nước”.

Gút lại điển hình của nền văn minh Việt cổ bởi rất nhiều công trình khoa học tụ lại thành sách mấy mươi năm qua, mô phỏng thời kỳ văn hóa phát triển cực thịnh của đồ gốm và xuất hiện manh nha đồ đồng, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay đã phát hiện gần 30 địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên.

Nhưng duy nhất chỉ có ở di chỉ khảo cổ Xóm Rền đã phát hiện ra chủ nhân của nền văn hóa rực rỡ ấy. Và những chiếc nha chương ở Đất Tổ từ thuở dựng nước đã cho thấy có những thủ lĩnh bộ lạc trị vì mảnh đất này, lập nên quốc gia Văn Lang với 15 bộ trải rộng từ vùng trung du Phú Thọ đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay.

Tất cả xác lập lịch sử dân tộc Việt có mặt trên dải chữ S từ nhiều ngàn năm trước, quần tụ và độc lập với trí tuệ quản trị xã tắc cùng năng lực chế tác tinh xảo hoa văn trong đời sống sinh hoạt.

Du khách ngày nay đổ về Phù Ninh mỗi mùa chọi trâu, xem diễn trò bắt chạch trong chum, lễ đền Nhà Bà, rồi thụ ngọt trái hồng Gia Thanh không hạt, mua nón lá lưu niệm... Nhưng di chỉ khảo cổ Xóm Rền là nổi tiếng và hấp dẫn nhất. Bởi vậy, một quy hoạch tổng thể di tích Xóm Rền với kỳ vọng làm cho nơi đây trở thành địa điểm tham quan du lịch văn hóa thời kỳ Hùng Vương bên cạnh khu di tích đặc biệt quốc gia Đền Hùng, du lịch về cội nguồn dân tộc Việt Nam, là hoàn toàn xứng đáng.

Năm 2012, Quy hoạch di tích khảo cổ học Xóm Rền được UBND tỉnh Phú Thọ phê duyệt (Quyết định số 2229/QĐ-UBND), với sự tham gia góp sức rất nghiêm túc của Hội Kiến trúc sư Việt Nam và các sở, ban ngành liên quan của tỉnh.

“Vùng lõi” khảo cổ Xóm Rền vẫn đợi một dự án sớm thành hiện thực.

Khác biệt so với khu du lịch sinh thái, quy hoạch bảo tồn khảo cổ Xóm Rền tuân thủ nguyên tắc hạn chế đào đắp, san gạt mặt bằng, động chạm di vật còn ẩn trong lòng đất, giữ lại yếu tố gốc tự nhiên đặc trưng của vùng trung du với những đầm, ao nước xen kẽ giữa những quả đồi thấp, nơi mà chủ nhân văn hoá Phùng Nguyên đã sinh sống mấy ngàn năm. Đặc biệt, mộ cổ phải được giữ gìn nguyên trạng, coi là linh hồn của di tích.

Theo đó, 610 tỷ đồng đầu tư được tỉnh Phú Thọ phê duyệt chia làm 3 giai đoạn. Trên diện rộng hơn 42 ha, giai đoạn 1 (từ 2012 - 2014) sẽ đầu tư xây dựng khu bảo tàng tại chỗ, khu tiếp đoàn và trưng bày cổ vật; giai đoạn 2 (từ 2013 - 2015) là đầu tư xây dựng công trình liên quan đến di tích gồm khôi phục chùa Lọc, xây dựng bãi đỗ xe, chợ quê và khu dịch vụ, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật toàn khu; giai đoạn 3 (từ 2015 - 2020) sẽ đầu tư xây dựng công trình phát triển du lịch gồm hồ nước, tạo cảnh quan du lịch. Thời gian hoàn thành dự án chậm nhất không quá ngày 31/12/2020.

Nhưng 10 năm qua, dự án vẫn nằm trên giấy. Ngôi mộ có di cốt nói trên mà dân Xóm Rền thường gọi “mộ cụ Tổ” đào lên... cũng bỏ đó đã 17 năm. Một mái tôn che chắn tế nguyệt dựng lên bao quanh mộ. Không có bất kỳ hạng mục xây dựng nào xuất hiện nơi đây.

Mảnh vườn có những cây hồng xanh già sắp mùa thu trái, cũng là địa điểm “lõi” phát lộ mộ cổ, lão nông Hán Văn Luận, người bao năm coi sóc “mộ cụ Tổ” trăn trở không biết khi nào dự án mới trở thành hiện thực.

Ông Luận hằng ngày quét dọn cẩn thận, đều đặn hương khói vào tuần rằm, mùng 1 hằng tháng. Cũng đã mười năm, ông không về Sở Văn hóa nhận khoản tiền 36.000đ/tháng “tiền hỗ trợ trông coi di tích”. Đó cũng là điều xót xa. Bởi cả tỉnh Phú Thọ có 70 điểm di tích, nhưng người trông coi điểm nào thì cũng chỉ nhận khoản kinh phí ấy, quy định này được thực hiện từ năm 1997.

Được biết, Dự án bảo tồn di chỉ khảo cổ Xóm Rền, vì khó khăn nguồn lực mà “nên nỗi lửng lơ”, đã được điều chỉnh cấp thiết cách đây vài ngày (27/6/2022) do chủ đầu tư là UBND huyện Phù Ninh phê duyệt.

Theo đó, dự toán sau điều chỉnh xuống chỉ còn 6,9 tỷ đồng, chủ yếu chi phí xây dựng nhằm khẩn cấp bảo tồn “vùng lõi” di chỉ khảo cổ, phải hoàn thành trước ngày 31/12/2022. Dù vậy, người dân nơi đây đều mong mỏi, dù kinh phí có eo hẹp đến đâu thì dự án cũng phải đảm bảo việc bảo tồn ngôi mộ cổ - linh hồn của di chỉ Xóm Rền.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ hiện nay đã phát hiện gần 30 địa điểm khảo cổ thuộc văn hóa Phùng Nguyên. Nhưng duy nhất chỉ có ở di chỉ khảo cổ Xóm Rền đã phát hiện ra chủ nhân của nền văn hóa rực rỡ ấy. Và những chiếc nha chương ở Đất Tổ từ thuở dựng nước đã cho thấy có những thủ lĩnh bộ lạc trị vì mảnh đất này, lập nên quốc gia Văn Lang với 15 bộ trải rộng từ vùng trung du Phú Thọ đến vùng Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay. Tất cả xác lập lịch sử dân tộc Việt có mặt trên dải chữ S từ nhiều ngàn năm trước, quần tụ và độc lập với trí tuệ quản trị xã tắc cùng năng lực chế tác tinh xảo hoa văn trong đời sống sinh hoạt.

TÙNG DUY - NGÔ HÙNG