Tài xế công nghệ, shipper lao đao vì giá xăng
Là nhóm đối tượng chịu tác động nhiều nhất của việc điều chỉnh giá xăng dầu, thời gian qua hàng nghìn tài xế xe ôm, tài xế giao hàng (shipper) gặp khó khăn khi giá xăng tăng cao. Thậm chí nhiều tài xế công nghệ phải chuyển nghề khác tìm đường mưu sinh.(Xem tiếp tr. 4)
Chắt chiu từng đồng
Anh Nguyễn Hùng Dũng, 34 tuổi ở thị trấn Bến Lức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An) làm nghề xe ôm công nghệ khoảng 5 năm nay, chia sẻ: “Hàng ngày tôi chạy xe từ nhà lên khu vực huyện Bình Chánh, quận Bình Tân (TPHCM) để chờ đón chở khách. Mấy năm trước công việc cũng tạm ổn, thu nhập khá hơn làm vườn. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, thu nhập bắt đầu giảm dần khi giá xăng tăng lên. Với tài xế chúng tôi, xăng là khoản chi lớn nhất. Thường mỗi ngày chạy khoảng 20 chuyến, trước chỉ đổ 2 lần tổng cộng 150 nghìn. Nhưng hiện nay đổ 250 nghìn đồng mới đầy. Giá xăng tăng nhưng giá cước không dám tăng vì sợ mất khách. Như vậy đồng nghĩa với thu nhập của tôi bị giảm một nửa. Cứ đà này không biết sẽ xoay xở ra sao” – anh Dũng nói.
Cũng theo người tài xế này, việc giá xăng tăng không chỉ ảnh hưởng tới thu nhập mà còn ảnh hưởng tới công việc. Theo đó, anh Dũng thường phải rất cân nhắc khi nhận chuyến bởi nếu lịch trình xa, không thuận lợi cho chiều về thì anh sẽ không nhận. “Mình chạy từ đây lên quận 1, quận 3 dễ có chuyến cho chiều về nhưng nếu chạy sang bên Củ Chi, Nhà Bè thì chắc chắn rỗng chiều về. Nếu chạy một chiều cho những chuyến xe tầm 20km thì cầm chắc lỗ bởi quãng đường di chuyển của tài xế là 40km”, anh Dũng tính toán.
Đó cũng là lý do mỗi ngày tài xế này chỉ nhận từ 10-15 chuyến, với quãng đường di chuyển ngắn hơn để tiết kiệm chi phí.
Thời gian qua hàng nghìn tài xế xe ôm công nghệ, shipper giao hàng khác ở TPHCM rất đắn đo, chọn lựa các chuyến đi của mình. Anh Đặng Văn Hưng, một tài xế shipper của một sàn thương mại điện tử cho biết hiện mỗi đơn hàng anh chỉ nhận được từ 4 tới 5 nghìn đồng. “Tôi quê ở tận ngoài Tuy Phong, Bình Thuận nhưng hiện giờ đang làm giao hàng cho sàn thương mại điện tử. Trước tôi làm bên công ty sản xuất ống nhựa nhưng từ hồi dịch Covid-19, công ty cho nghỉ việc. Sau đó đăng ký đi giao hàng. Hồi mới hết dịch cũng nhiều đơn lắm, có ngày giao tới 200 đơn hàng, trừ chi phí cũng dư từ 500 tới 600 nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện nay đơn hàng ít, chỉ khoảng 80-100 đơn/ngày mà chi phí khác lại tăng lên” - anh Hưng kể.
Theo chia sẻ, anh Hưng được công ty giao cho một khu vực khoảng 10 tuyến đường ở quận Bình Tân. Hàng ngày anh chỉ cần tới công ty nhận hàng rồi đi các địa điểm giao cho khách. Tuy nhiên có rất nhiều đơn hàng anh phải di chuyển 2-3 lần vì khi tới khách bận việc, không có nhà, không nghe điện thoại... khiến quãng đường di chuyển tăng lên, thời gian nhiều hơn.
Cần sự hỗ trợ thiết thực
Thực tế giá xăng dầu tăng cao trong mấy tháng qua đã ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân. Tuy nhiên, với nhóm đối tượng làm nghề tài xế công nghệ, shipper thì mức độ ảnh hưởng lớn hơn, trực tiếp và tác động nghiêm trọng hơn. Theo đó, hầu hết các tài xế xe ôm công nghệ, shipper là người nghèo, lao động thu nhập không ổn định, ít tích lũy nên khi có tác động tiêu cực tới thu nhập là cuộc sống bị ảnh hưởng tức thì.
Nhận thức được những tác động trên, nhiều chính sách hỗ trợ nhóm tài xế, shipper đã được các doanh nghiệp công nghệ, đối tác của tài xế trực tiếp đưa ra. Như hãng công nghệ Grab đã hỗ trợ số tiền lên đến hơn 6 tỷ đồng với nhóm tài xế ở một số địa phương. Ngoài ra, các hãng công nghệ khác cũng có các chế độ hỗ trợ phù hợp với nhu cầu thực tiễn của tài xế. Ông Nguyễn Việt Linh - Giám đốc truyền thông hãng công nghệ Be cho biết đơn vị này đã phối hợp với một ngân hàng hỗ trợ tài xế vay tới 20 triệu đồng không cần thế chấp để giúp tài xế an tâm làm việc, không phải vay qua các loại hình “tín dụng đen” có lãi suất cao. Chính sách này được nhiều tài xế ủng hộ bởi họ có nhu cầu vay vốn sau một thời gian dài nghỉ việc vì dịch Covid-19.
Trong khi đó, hãng công nghệ Gojek cũng có chương trình hỗ trợ xăng cho tài xế bằng cách tặng 7% doanh thu mỗi tuần nếu tài xế chạy đủ số chuyến quy định.
Có thể nói, các chương trình trên đều có ý nghĩa thiết thực, trực tiếp nhằm giúp tài xế an tâm, duy trì gắn bó với công việc.
Trong khi đó, liên quan tới các vấn đề hỗ trợ tài xế xe ôm, shipper trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, tài xế, shipper là một trong các nhóm đối tượng được thành phố hỗ trợ tiền thuê nhà trong thời gian 3 tháng. Cụ thể, cùng với các nhóm đối tượng là công nhân tại doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất... trên địa bàn, các tài xế xe ôm, shipper giao hàng của hãng công nghệ cũng có chế độ tương tự. Thủ tục để các tài xế nhận được hỗ trợ khá đơn giản, đó là xác nhận từ chủ nhà trọ nơi cư trú.
Cũng theo ông Lâm, nhằm tạo điều kiện cho việc chi trả hỗ trợ nhanh chóng, thành phố mong muốn các chủ nhà trọ trên địa bàn tạo điều kiện thuận lợi, xác nhận theo quy định để người lao động được hưởng hỗ trợ. Việc hỗ trợ này sẽ phân bổ theo địa bàn quận huyện, thành phố trực thuộc rồi tới từng địa phương các xã phường thị trấn. Người lao động sẽ nhận được tiền hỗ trợ trong khoảng 2-3 ngày sau khi hồ sơ được duyệt theo quy định.
Được biết, đợt hỗ trợ này có khoảng 1,2 triệu người trên địa bàn TPHCM được nhận 3 tháng tiền thuê trọ, trong đó chủ yếu là công nhân. Ngoài ra còn một số nhóm đối tượng, người lao động khác như tài xế xe ôm, shipper, lao động tự do có hoàn cảnh khó khăn.
Với việc tăng giá khoảng 10 lần từ đầu năm 2022 tới nay, xăng dầu đã ảnh hưởng trực tiếp tới công việc, đời sống của nhiều người dân, trong đó có các tài xế xe ôm công nghệ, shipper. Ngoài khó khăn về công việc, những chi phí khác như tiền ăn uống, thuê nhà, gia đình... khiến cánh tài xế lao đao. Bởi vậy, những hỗ trợ từ cả chính quyền và doanh nghiệp ở thời điểm này được kỳ vọng sẽ giúp đỡ không chỉ về vật chất mà còn cả tinh thần để giúp họ an tâm gắn bó với công việc, duy trì mắt xích quan trọng trong hoạt động đời sống xã hội công nghệ hiện nay.
Giải pháp căn bản là giảm giá xăng
Không chỉ có nhóm tài xế xe ôm công nghệ, shipper giao hàng bị ảnh hưởng tiêu cực bởi giá xăng, các tài xế chạy xe taxi, grabcar cũng “chịu chung số phận”. Thậm chí mức độ ảnh hưởng và những khó khăn họ phải đối mặt cũng không thua kém đồng nghiệp.
Ông Tạ Long Hỷ- Chủ tịch Hiệp hội taxi TPHCM kiêm Giám đốc hãng taxi Vinasun cho biết thời gian qua nhiều tài xế, doanh nghiệp taxi ở TPHCM phải gồng mình ứng phó với giá xăng dầu tăng cao. Hàng trăm tài xế, lái xe đã xin nghỉ việc cũng như việc doanh nghiệp taxi bị thua lỗ nhiều tháng. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch Covid-19, việc tăng giá xăng dầu khiến nhiều doanh nghiệp vận tải khó chồng khó.
Dù các doanh nghiệp có chương trình hỗ trợ tài chính cho tài xế cũng như tăng giá cước để bù đắp chi phí nhưng về lâu dài, giá xăng tăng cao sẽ khiến vận tải hành khách bị bóp nghẹt.
Vì vậy, giải pháp căn bản là giảm giá xăng, kéo giá cước giảm xuống để kích thích nhu cầu di chuyển.