Bình thường hay bất thường?
Thông tin từ UBND TP Hà Nội cho biết, một số giáo viên (GV) dạy hợp đồng, GV tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có tâm lý lo lắng khi phải nghỉ dạy, bị giảm lương, không có thu nhập dẫn đến chuyển nghề, đặc biệt là GV mầm non. Trong khi đó, cũng tại Hà Nội, nhiều y, bác sĩ chuyển việc hoặc nghỉ việc. Vì sao?
Năm học 2021-2022, toàn thành phố Hà Nội có 2.835 trường mầm non, phổ thông và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp với 2.206.906 học sinh (HS); 138.090 giáo viên (GV). Trong đó, công lập có 2.237 trường, 1.832.847 HS, 91.201 GV; tư thục có 550 trường, 321.298 HS, 42.284 GV.
Đánh giá đội ngũ, ngành Giáo dục Hà Nội cho rằng, thời gian dịch bệnh kéo dài, việc áp dụng đồng thời nhiều hình thức dạy học tạo áp lực cho GV; việc hướng dẫn, theo dõi, giám sát hoạt động của HS gặp không ít khó khăn. Từ đó, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trong thời gian dài không có doanh thu từ nguồn học phí, trong khi vẫn phải chi trả tiền thuê nhà, mặt bằng, hỗ trợ chi trả lương, bảo hiểm xã hội nên nhiều cơ sở phải giải thể, nguy cơ giải thể, nhiều GV mầm non chuyển nghề, bỏ nghề.
Còn với ngành Y tế thủ đô, con số thống kê cho thấy trong gần 2 năm qua, ít nhất 857 nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc và xin chuyển công tác. Theo bà Đỗ Thị Thu Hà - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế Hà Nội, con số 857 nhân viên y tế, bác sĩ xin nghỉ việc và xin chuyển công tác trong gần 2 năm qua được UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố là con số được tổng hợp đến ngày 30/4/2022. Toàn ngành y tế Hà Nội hiện có trên 26.000 người.
Vẫn theo bà Hà, hiện nay nhiều đơn vị đã tự chủ nên việc ký hợp đồng, làm được hay không làm được và chuyện "ra vào" cũng là "chuyện rất bình thường". Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết Sở đang nghiên cứu, xin ý kiến các bên liên quan đồng thời nghiên cứu đánh giá tác động liên quan về vấn đề này.
Tuy nhiên, việc GV và cán bộ ngành Y chuyển việc, bỏ việc là điều cần phải được quan tâm, nhất là với Thủ đô. Đây là hai ngành được xã hội tôn vinh là “Thầy”, nhưng rồi họ lại không thể theo được với nghề phải xem là hệ trọng. Còn nhớ, trong thời kỳ bao cấp, từng có những đợt GV bỏ nghề khiến xã hội lo lắng. Đó là những đợt “thầy giáo tháo giầy đi chân đất” do thu nhập quá thấp, phải chia tay với bục giảng, chia tay với cái nghề thanh cao để làm nghề khác mà mình không muốn, không phải là sở trường nhưng có thu nhập cao hơn. Trong số đó có thầy giáo phải chạy xe ôm, cô giáo mua đầu chợ bán cuối chợ.
Nay, tình trạng không đến nỗi như vậy nhưng cũng là chỉ dấu cần phải được quan tâm.
Đáng chú ý là trước nay đã có tình trạng GV chuyển nghề, bỏ nghề nhưng chưa có việc nhiều y, bác sĩ cũng chuyển nghề, bỏ nghề. Thì đây phải xem là điều bất thường. Cả thầy giáo và thầy thuốc, không ai muốn bỏ nghề cả. Ai cũng muốn có cuộc sống yên ổn để phục vụ, để cống hiến. Vì thể, không thể coi là bình thường được khi họ phải chia tay với nghề.
Mỗi người mỗi cảnh, lý do có nhiều nhưng nổi bật chính là do thu nhập thấp. Tại thành phố Thủ Đức (TPHCM), khi báo cáo với Đoàn công tác của Bộ Nội vụ, lãnh đạo địa phương đã thẳng thắn cho biết một số cán bộ phường nghỉ việc là do lương quá thấp, không lo nổi cuộc sống gia đình. Từ đó suy ra, đó cũng chính là nguyên nhân khiến GV, cán bộ y tế chuyển việc, nghỉ việc.
Cần nhìn rõ nguyên nhân để giải quyết vấn đề. Có “bắt mạch” đúng mới chữa khỏi bệnh. Lâu nay có tình trạng tồn tại, bế tắc nào cũng đổ cho dịch Covid-19. Có nhưng không phải là nguyên nhân chính, càng không phải là tất cả. Mà chính là thu nhập thấp trong khi “bão giá” nổi lên, cũng chưa biết đến bao giờ mới dịu xuống.
Từ lâu, nhiều ý kiến đề xuất cần cải cách chế độ tiền lương đối với ngành Giáo dục và ngành Y. Cũng đã có những chính sách hỗ trợ, tuy nhiên so với thu nhập thực tế của nhiều ngành nghề khác thì vẫn bất cập, trong khi mọi người cùng sống chung trong một môi trường, vẫn phải trả tiền cho sinh hoạt hàng ngày giống như nhau. Vì thế, việc GV, cán bộ ngành Y chuyển nghề là “bình thường” hay “bất thường”, câu trả lời thiết tưởng cũng đã rõ.
Trước mắt, để cải thiện tình hình cần cải tiến chế độ lương cho GV mầm non công lập; hỗ trợ tài chính cho các trường mầm non tư thục. Cùng đó là chế độ cho y, bác sĩ bệnh viện công lập, để họ có thể an tâm với đạo làm thầy.