Tạo sinh kế thoát nghèo

Thành Luân 04/07/2022 07:15

Đô thị hóa nhanh kèm theo chênh lệch giàu nghèo ngày càng phân hóa đặt ra thách thức rất lớn đối với các đô thị, trong đó có TP HCM về việc tạo sinh kế thoát nghèo cho các hộ nghèo và cận nghèo.

Đại diện Ủy ban MTTQ TPHCM tặng quà cho đại diện hộ nghèo, hộ gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19.

Dịch bệnh và “bão giá”

Ngay khi dịch bệnh Covid-19 vừa được kiểm soát cơ bản, TPHCM tiếp tục phải giải quyết các vấn đề của lạm phát tăng cao, trong khi vẫn phải duy trì nhiều mục tiêu phục hồi đặt ra từ đầu năm nay. Khảo sát nhu cầu sử dụng lao động tại hơn 15.600 lượt doanh nghiệp, Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM dự tính, đã có hơn 180.800 người bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chiếm tới hơn 46% tổng số lao động trong các doanh nghiệp. Các khó khăn của lạm phát, kèm theo nhiều mặt hàng thiết yếu đồng loạt tăng giá khiến các khó khăn của công nhân, lao động, người nghèo càng trở nên chật vật.

Hiện có nhiều lao động trong số khoảng 6.400 doanh nghiệp thực hiện cắt giảm lao động dưới nhiều hình thức khác nhau (chiếm 41%) vẫn chưa thể tìm kiếm được việc làm mới sau thời gian mất việc. Giá cả tăng cao cùng với giá xăng phi mã đang khiến cuộc sống mưu sinh của rất nhiều công nhân, lao động, hộ nghèo trên địa bàn gặp khó khăn.

Anh Trần Văn Ninh (34 tuổi, quê Nam Định) được vay ngân hàng chính sách xã hội để mua nhà ở xã hội nhưng kể từ đầu năm đến nay đã phải sử dụng khoản tiền này bù đắp cho sinh hoạt của gia đình và tiền học của hai con nhỏ. Cuộc sống nhà trọ khó khăn khiến anh Ninh nghĩ đến việc phải nghỉ việc ở thành phố để đưa gia đình về quê tìm kế mưu sinh.

Trước các khó khăn phát sinh do ảnh hưởng dai dẳng của dịch bệnh, một số doanh nghiệp đã chủ động lập danh sách cho công nhân nhận hỗ trợ tiền thuê nhà theo quyết định số 08/2022/QĐ-TTg. Tuy nhiên, hồ sơ hỗ trợ đã gửi xuống BHXH nhưng cho đến nay người lao động chưa nhận được tiền từ gói hỗ trợ này.

Giải thích về vấn đề này, ông Phan Văn Mến - Giám đốc BHXH TPHCM cho biết, theo quy định hồ sơ doanh nghiệp chuyển đến BHXH sẽ được xác nhận rất nhanh chỉ trong 1 - 2 ngày. Xác nhận xong, BHXH sẽ trả danh sách trở lại về cho doanh nghiệp để nộp về các quận, huyện để tiến hành chi trả. Dù vậy theo ông Mến, tiến độ hồ sơ còn chậm do yêu cầu người lao động cần có đơn xác nhận của chủ nhà trọ để được lập danh sách.

Cũng theo BHXH TPHCM, tính đến giữa tháng 6/2022 toàn thành phố đã xác nhận được 10.313 đơn vị với 217.791 lao động đề nghị được hưởng chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Trong khi đó, kể từ thời điểm hiện tại thì chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa là hạn chót TPHCM phải hoàn thành việc xác nhận hồ sơ để chi trả hỗ trợ cho người lao động.

Trong đợt hỗ trợ trước mắt này, TPHCM dự kiến khoảng gần 1,2 triệu công nhân, lao động, hộ nghèo khó khăn sẽ nhận được gói hỗ trợ tiền thuê trọ, với kinh phí dự kiến lên đến gần 2.000 tỷ đồng.

Giảm nghèo phải bền vững

Việc ưu tiên nguồn ngân sách gần 2.000 tỷ đồng chi hỗ trợ tiền thuê trọ cho công nhân, người lao động, người khó khăn do dịch bệnh chỉ là giải pháp trước mắt, trong khi TPHCM cần nhiều hơn các giải pháp để đảm bảo giảm nghèo bền vững.

Tiến sĩ Trương Thị Minh Sâm - Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế và Quản lý TPHCM (HASEM) chia sẻ, chênh lệch giàu nghèo có lúc 7-10 lần giữa những quận trung tâm với nhau, chưa kể so sánh với các huyện vùng ven thì con số lớn hơn nhiều. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM trong các nghiên cứu đã chỉ ra một thực tế rất đáng quan tâm khi quá trình đô thị hóa càng nhanh, càng khiến người nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất và dần dần bị đẩy ra những vùng ngoại thành, nghèo hơn, xa hơn đô thị.

Cũng theo vị chuyên gia này, để giảm nghèo bền vững và giải quyết câu chuyện nghèo đô thị, TPHCM cần tập hợp nhiều giải pháp khác nhau chứ không thể trông chờ mãi vào các giải pháp có tính ngắn hạn.

Theo Chương trình giảm nghèo bền vững TPHCM giai đoạn 2021-2025 vừa được UBND TPHCM phê duyệt, thành phố sẽ ưu tiên ngân sách chi hơn 15.000 tỷ đồng để thực hiện các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo. Riêng trong năm nay, nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo dự kiến cho gần 11.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo được tiếp cận vay vốn, với số tiền 459 tỷ đồng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm của TPHCM cũng dự kiến giải ngân cho vay tại hơn 40.000 dự án, với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn TPHCM cũng dự kiến cho vay để giải quyết các khó khăn phát sinh cho người nghèo, công nhân, lao động trên địa bàn.

Theo Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Văn Dũng, mục tiêu giảm nghèo bền vững của TPHCM sẽ không chỉ tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập mà hướng đến hoàn thiện “10 chỉ số và 5 chiều” để đạt được mục tiêu không còn hộ nghèo tại thành phố trong tương lai gần.

“Thời gian qua, HĐND TPHCM đã tổ chức giám sát về tình hình triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững của thành phố tại nhiều quận, huyện và TP Thủ Đức. Ngoài ra, HĐND TPHCM sẽ tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác khảo sát, rà soát và lập danh sách về đối tượng nghèo, cận nghèo và thoát nghèo. Song song đó là hỗ trợ cho các đối tượng di dân, người tạm trú để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ kịp thời, đảm bảo an sinh xã hội” - ông Dũng cho biết.

Trong năm 2022, nguồn vốn cho vay hỗ trợ giảm nghèo dự kiến cho gần 11.500 hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát mức chuẩn hộ cận nghèo được tiếp cận vay vốn, với số tiền 459 tỷ đồng. Chương trình cho vay giải quyết việc làm của TPHCM cũng dự kiến giải ngân cho vay tại hơn 40.000 dự án, với số tiền hơn 2.000 tỷ đồng.

Thành Luân