6 tháng đầu năm, thiên tai gây thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng
Trong 6 tháng đầu năm 2022, thiên tai ở nước ta đã làm 68 người chết và mất tích, 40 người bị thương. Thiệt hại kinh tế khoảng 4.015 tỷ đồng.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai (PCTT), từ đầu năm đến nay, nước ta đã xảy ra 95 trận mưa lớn, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, 93 trận dông lốc, 45 vụ sạt lở bờ sông, 131 trận động đất và 2 đợt rét đậm, rét hại.
Thiên tai đã khiến 68 người bị thiệt mạng và mất tích, 40 người bị thương.
Thiên tai cũng gây nhiều thiệt hại về tài sản. Từ đầu năm 2022 đến nay, thiên tai đã khiến 136 ngôi nhà bị sập, 3.620 nhà hư hỏng, tốc mái.
Về nông nghiệp, có167.979 ha lúa, hoa màu ngập úng, thiệt hại; 17.563 con gia súc, 56.046 con gia cầm bị chết.
Về thủy sản, có 299 ghe, thuyền bị chìm, hư hỏng; 3.678 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, 8.803 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại.
Về giao thông, 29 cầu tạm bị cuốn trôi, sạt lở 24,96 km đường giao thông, 623.738 m3 đất đá sạt lở.
Trong nửa năm qua, thiên tai đã gây thiệt hại về kinh tế ước khoảng 4.015 tỷ đồng.
Đặc biệt, chỉ tính trong tháng 6/2022, nước ta đã chịu ảnh hưởng của 22 trận mưa lớn; 15 trận mưa dông, lốc, sét; 19 vụ sạt lở bờ sông; 18 trận động đất.
Trong tháng 6/2022, thiên tai đã khiến 5 người chết và mất tích, 3 người bị thương. Thiệt hại kinh tế khoảng 45,5 tỷ đồng.
Ngoài thiệt hại về người, còn có 9 ngôi nhà bị sập, 699 nhà hư hỏng, tốc mái, 87 ngôi nhà ngập.
Về nông nghiệp, có 507 ha lúa, 188 ha hoa màu, 70ha cây trồng khác thiệt hại; 1.123 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 36 ha nuôi trồng thuỷ sản thiệt hại.
Về thuỷ lợi, 2 đập bị sạt lở, hư hỏng; 2.036 m kè, kênh mương; 1.184 m bờ sông, bờ biển sạt lở.
Về giao thông, hơn 1.721 m đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng với 51.758 m3 đất đá, bê tông bị sạt lở; 2 cầu, 5 cống bị hư hỏng.
Để ứng phó và khắc phục thiên tai, từ đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT đã chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) năm 2022; chủ trì cuộc họp khẩn trực tuyến với 7 tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hoà và một số bộ, ngành liên quan chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, dông lốc, gió mạnh trên biển khu vực miền Trung; ban hành 1 chỉ thị về tăng cường công tác PCTT và TKCN; 2 công điện chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ.
Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp quan trọng như phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam và Ủy ban Nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức buổi lễ hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia về PCTT năm 2022 tại tỉnh Sóc Trăng; ban hành 18 công điện và 36 văn bản của chỉ đạo công tác PCTT; tổ chức 17 đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (PTNT), Ban Chỉ đạo, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo kiểm tra công tác PCTT và khắc phục hậu quả tại các địa phương.
Đặc biệt, cao điểm trong tháng 6 vừa qua do diễn biến bất thường của thiên tai, ngày 1/6/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-TTg về tăng cường công tác PCTT và TKCN
Tiếp đó, Ban Chỉ đạo đã ban hành 6 Công điện vận hành xả lũ các hồ thuỷ điện Tuyên Quang, Sơn La, Hoà Bình đưa dần về cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Đồng thời liên tục lập nhiều đoàn công tác đi thực địa nắm bắt cụ thể tình hình công tác PCTT và TKCN tại các địa phương; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, các Bộ ngành chỉ đạo ứng phó với thiên tai.
Công tác tổ chức trực ban luôn được thực hiện nghiêm túc, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tình hình thiên tai để kịp thời đưa ra các phương án ứng phó.