Thúc đẩy mạnh mẽ dòng khách 2 chiều TP HCM – ĐBSCL
Kết nối chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng giữa các địa phương ĐBSCL với TP HCM và miền Đông Nam bộ sẽ tạo sức bật phát triển.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Bạc Liêu: Liên kết chính là phương châm phát triển bền vững
Trong giai đoạn hiện nay, nhất là trải qua 4 đợt dịch Covid-19, xu hướng liên kết là một quy luật tất yếu của sự phát triển. Liên kết chính là phương châm cho sự phát triển du lịch bền vững trong giai đoạn tới nhằm đón đầu xu hướng thế giới dịch chuyển nguồn khách du lịch, thích ứng với các tác động của thị trường đã thay đổi về hành vi tiêu dùng, cùng với đó nhu cầu của khách du lịch cũng dần thay đổi.
Liên kết vùng để tạo các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù và độc đáo nhằm thu hút sự quan tâm của du khách. Việc liên kết vùng khiến sản phẩm du lịch có thể tận dụng được nhiều thế mạnh, nâng cao tính cạnh tranh và có độ bền vững cao. Liên kết vùng trong phát triển du lịch góp phần tạo ra lợi thế về quy mô, tiết kiệm các chi phí trong quảng bá, tổ chức các tour du lịch, chi phí đào tạo cũng như thúc đẩy đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng dịch vụ du lịch, phát triển nguồn nhân lực du lịch...; hạn chế tính cạnh tranh giữa các địa phương trong vùng có sản phẩm du lịch giống nhau; tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm du lịch, thúc đẩy phát triển tour, tuyến du lịch.
Thực tế cho thấy, từ năm 2019, chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, trong đó có Bạc Liêu được triển khai rộng rãi và hiệu quả, mang lại những kết quả thiết thực, tạo sự lan tỏa đến cộng đồng và doanh nghiệp du lịch, luôn được đánh giá cao và được sự quan tâm, chỉ đạo từ Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương. Với mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ dòng khách hai chiều từ TP HCM về du lịch ở ĐBSCL và ngược lại, đồng thời là “điểm trung chuyển” với số lượng lớn khách du lịch Quốc tế đến Việt Nam và khách du lịch nội địa đến các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ sẽ góp phần tháo gỡ khó khăn trước mắt của doanh nghiệp, xóa bỏ dần tâm lý e ngại du lịch của người dân. Nội dung này được xem là một trong những chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm du lịch chủ lực của các địa phương trong liên kết.
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Cà Mau: Liên kết các sản phẩm của địa phương để xây dựng thương hiệu du lịch
Hiện nay tất cả các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã hoạt động trở lại trong điều kiện “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trong những tháng đầu năm, du lịch Cà Mau có nhiều điểm khởi sắc, đây là tín hiệu rất khả quan.
Để du lịch Cà Mau tiếp tục phát triển, địa phương và ngành du lịch sẽ hướng dẫn các điểm du lịch hiện có, đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa sản phẩm du lịch để tăng sức cạnh tranh, góp phần xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau.
Hiện nay về tổng thể, ngành du lịch của tỉnh Cà Mau sẽ được địa phương tiếp tục xây dựng quy hoạch chung Khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau; Xây dựng Đề án phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025. Đẩy mạnh quản lý các tuyến, điểm du lịch và khai thác có hiệu quả các công trình trong khu du lịch Quốc gia Mũi Cà Mau. Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại các huyện và hỗ trợ các hộ dân phát triển du lịch cộng đồng.
Những hoạt động du lịch, các sự kiện, hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại trong chương trình Sự kiện Cà Mau - Điểm đến 2022, tỉnh mong muốn giới thiệu hình ảnh con người và vùng đất Cà Mau với du khách thập phương. Chuỗi sự kiện còn được kỳ vọng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối hợp tác phát triển thương mại, du lịch, thu hút đầu tư.