Những cây cầu ‘phơi sương’: Lãng phí hàng nghìn tỷ đồng?
Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, liên tục “đội vốn” và được “cứu vốn”, thế nhưng một số công trình cầu đường tại TP Hồ Chí Minh hiện cùng chung 1 “điệp khúc” xây dở dang, tạm ngừng nhiều năm dẫn đến xuống cấp, lãng phí ngân sách. Những chiếc cầu này còn ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt thường nhật của người dân trong khu vực quy hoạch, giải phóng mặt bằng.
Dân bức xúc cầu xây dựng “treo”
Được khởi công từ cách đây đã gần 6 năm, thế nhưng cầu Nam Lý (trên đường Đỗ Xuân Hợp, phường Phú Hữu, TP Thủ Đức) đến nay vẫn chưa hoàn thành do chủ đầu tư dự án không tiếp tục xây dựng.
Ông Trần Thanh Phương (37 tuổi, trú phường Phú Hữu) - một hộ dân sống gần dự án cầu Nam Lý cho biết: “Họp cử tri, họp tổ dân phố, họp phường,…rất nhiều lần họp nhưng người dân chỉ được giải thích công trình cầu đang vướng mắc giải phóng mặt bằng. Dù vậy, người dân có quyền được biết lúc nào thì cây cầu hoàn thành, để sớm ổn định kinh doanh, buôn bán”.
Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, trên một đoạn đường dài 700-800m, các hoạt động sinh hoạt và kinh doanh của người dân 2 bên đường Đỗ Xuân Hợp đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ khi công trình cầu Nam Lý rào chắn.
“Dự án không thi công, đường vào nhà bị bít kín bởi các tấm tôn và kẽm gai khiến sinh hoạt của người dân rất bất tiện” - anh Huỳnh Bảo Phúc - trú tại khu phố 3 phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, từ đầu mùa mưa đến nay, đoạn đường rào chắn thi công cầu Nam Lý thường xuyên bị ngập từ 30-40cm, có khi đến nửa đầu gối khiến việc đi lại của người dân khu vực này rất khó khăn.
Các hộ dân tại đây cũng mong muốn chính quyền TP HCM và TP Thủ Đức sớm có biện pháp để giải quyết các bất cập, vướng mắc để chủ đầu tư công trình cầu Nam Lý tiếp tục hoàn tất công trình, giải quyết ngập úng và giải phóng khu vực rào chắn, lô cốt hiện hữu quanh công trình để người dân buôn bán, kinh doanh bình thường như trước.
Cũng chung tình trạng trên, hàng chục hộ dân sống 2 bên đường có Dự án cầu Tăng Long (TP Thủ Đức) đã chịu đựng cảnh công trình “đắp chiếu, phơi sương” gần 5 năm.
Công trình được khởi công từ cuối năm 2017 với kinh phí gần 450 tỷ đồng nhưng hiện trạng cỏ mọc um tùm, khối lượng thi công chưa được 50% còn lại vướng mắc chờ mặt bằng.
Cũng trên địa bàn TP Thủ Đức, cầu Long Đại bắc qua sông Tắc (một nhánh của sông Đồng Nai - PV) có vai trò hết sức quan trọng nối 2 bờ của bán đảo Long Phước vào khu vực đại đô thị Vinhomes Grand Park và các phường Long Bình, Long Thạnh Mỹ (TP Thủ Đức).
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải TP HCM , công trình có tổng mức đầu tư hơn 350 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành chỉ sau 2 năm. Thế nhưng kể từ khi khởi công từ Quý I năm 2017 cho đến nay công trình này cũng chỉ hoàn thành được 50% khối lượng, phần còn lại thi công dang dở và trong tình trạng rỉ sét do khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của thời tiết Nam bộ.
Theo đại diện chính quyền phường Long Bình (TP Thủ Đức), công trình cầu Long Đại đã dừng thi công từ tháng 12/2018 do vướng mặt bằng. Trong khi đó, người dân trong khu vực giải phóng mặt bằng, bồi thường vẫn chưa thống nhất được mức đền bù nên vẫn chưa đồng ý giao đất. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình khu vực TP Thủ Đức đang kiến nghị điều chỉnh tăng nguồn vốn dự án để có đủ kinh phí chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân còn chưa đồng thuận, đồng thời đảm bảo tiến độ của dự án.
Ngoài các cây cầu đang dang dở tại TP Thủ Đức, cầu Long Kiểng (huyện Nhè Bè) cũng “đắp chiếu, phơi sương” hàng chục năm qua, dù đã được phê duyệt chủ trương từ năm 2001.
Trước bức xúc của các hộ dân thuộc khu vực ảnh hưởng của dự án, mới đây chủ đầu tư dự án mới bắt đầu chi trả bồi thường tiếp cho người dân và dự kiến trong năm nay sẽ giải quyết dứt điểm các vướng mắc để có mặt bằng tiếp tục thi công.
Xóa cầu “treo” nếu tiếp tục chây ỳ
Chỉ tính riêng 3 cây cầu Nam Lý, Tăng Long và Long Đại trên địa bàn TP Thủ Đức đã có tổng mức đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng, với thời gian dừng thi công từ 5-7 năm qua đều do vướng mắc trong khâu đền bù giải phóng mặt bằng. Đó là chưa kể có những cây cầu nằm “phơi sương” đã hơn 20 năm qua như cầu Long Kiểng tại huyện Nhà Bè cũng như nhiều công trình cầu đường tiền tỷ tại nhiều địa phương của TP HCM . Việc các cây cầu thi công dang dở nhiều năm, viện nhiều lý do chậm tiến độ là chủ đề được cử tri, người dân phản ánh liên tục tới Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP HCM , Ủy ban MTTQ TP HCM và các cơ quan chính quyền quận, huyện, TP Thủ Đức và UBND TP HCM .
HĐND TP HCM cũng đã thông qua 1 Nghị quyết để thành lập Đoàn giám sát hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác lập, tổ chức thực hiện và quản lý quy hoạch trên địa bàn thành phố. Trong đó, chủ tịch HĐND TP HCM chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức hoạt động của đoàn giám sát.
Điều đáng nói, trong số khoảng 30 dự án được đưa vào danh sách theo dõi, giám sát chặt chẽ tiến độ năm 2022 từ đề nghị của sở, ngành liên quan và qua kết quả giám sát của HĐND TP HCM , UBND TP HCM nêu quan điểm sẵn sàng xóa các dự án quy hoạch “treo”, kể cả các công trình cầu thi công chậm tiến độ nhiều năm để công trình xuống cấp, người dân bức xúc kéo dài.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP HCM nêu vấn đề, các Tổ ĐBQH khi tiếp xúc cử tri đều lắng nghe, ghi nhận rất nhiều ý kiến người dân, cử tri bức xúc về các dự án quy hoạch treo. Hầu hết bà con cử tri đều đề nghị TP HCM và Trung ương giải quyết dứt điểm các dự án quy hoạch treo 20, 30, thậm chí 40 năm.
Theo Luật sư Nghĩa, việc để xảy ra tình trạng này là một sự bất công đối với người dân trong vùng quy hoạch, chưa kể đến lãng phí tài sản của nhà nước.
Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh - nguyên Phó Chủ tịch Hiệp hội kỹ sư ô tô Việt Nam (VSAE) cũng đề nghị, các cơ quan giám sát cần mạnh dạn kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp kịp thời, rốt ráo hơn nữa đối với các công trình cầu đường thi công dang dở nhiều năm. Nếu chủ đầu tư nào phát hiện cố tình kéo dài thời gian thi công, từ phản ánh và nguyện vọng của người dân trong vùng quy hoạch treo, chính quyền có cơ chế thẳng tay loại bỏ công trình đó hoặc thay đổi chủ đầu tư để đảm bảo sớm đưa các công trình đi vào hoạt động.
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP HCM khẳng định, các công trình quy hoạch “treo” luôn được chính quyền TP HCM đưa vào vấn đề trọng tâm để chỉ đạo tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Hiện nay, trong số khoảng 647 nội dung vướng mắc được các sở, ngành, địa phương báo cáo liên quan đến các vướng mắc, bất cập, có khoảng 62 dự án bất động sản, giao thông khác nhau đang dừng lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong 2 năm vừa qua. Để tháo gỡ các vướng mắc này, TPHCM đang yêu cầu cơ quan chức năng rà soát lại, giữ hay không giữ các dự án xây dựng “treo” kéo dài sẽ có thông tin sớm và công khai để đảm bảo quyền lợi của cử tri, người dân thành phố.