Tìm thuốc đặc trị chữa bệnh thành tích

Diệu Ngọc 05/07/2022 12:03

Việc nhiều phụ huynh có con theo học tại một trưởng tiểu học ở Hà Nội tỏ ra vô cùng bất ngờ và bức xúc sau khi nhận được thông báo về việc phân tuyến học sinh năm 2022-2023 để sắp tới nhà trường đủ điều kiện lên chuẩn quốc gia; xét ra cũng không có gì là lạ. Nhưng lạ ở chỗ bệnh thành tích trong trường học vẫn cứ kéo dài mãi như vậy sao?

“Mẹ của em ở trường, là cô giáo mến thương”.

Theo đó, nhiều phụ huynh cho biết, các học sinh thuộc diện bị điều chuyển đang theo học tại Trường Tiểu học L., là đúng tuyến hộ khẩu đã được phân từ năm 2019 đến nay. Việc nhà trường lấy lý do thực hiện chủ trương lên chuẩn quốc gia nên bắt buộc phải giảm số lượng học sinh hiện có của trường, được nhiều phụ huynh cho là không thỏa đáng. Trong khi đã mấy năm con họ đang học yên lành thì chỉ vì danh hiệu của trường mà phải chuyển đi là rất bất cập.

"Nếu chỉ vì trường lên chuẩn mà đẩy các trường khác phải chịu áp lực trong giảng dạy và học tập do không đủ điều kiện cơ sở vật chất (phòng học, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ...), cách xa chuẩn sẽ không nâng cao được chất lượng giáo dục nói chung. Do vậy chúng tôi không đồng ý với cách làm này"- một phụ huynh bức xúc.

Về danh hiệu trường chuẩn quốc gia, lâu nay đã có không ít bàn tán, kể cả tranh cãi. Một số ý kiến cho rằng danh hiệu này mang tính hình thức, cứng nhắc, không giúp gì cho việc phát huy được tính sáng tạo, chủ động ở các cơ sở giáo dục. Có người còn cho rằng có “góc khuất” trong danh hiệu "trường chuẩn quốc gia", khi mà không ít lãnh đạo nhà trường “bằng mọi giá” để đạt “chuẩn quốc gia”, khiến chính giáo viên nhà trường bị áp lực, bị ám ảnh. Đáng nói là khi trường nào đó được công nhận “trường chuẩn quốc gia mức độ 1, 2 hoặc 3”, thì lẽ ra phải nổi trội hơn các trường khác, nhưng thực tế không hẳn đã như vậy. Với trường chuẩn quốc gia, tỷ lệ học sinh khá, giỏi phải luôn đạt mức cao, thấp nhất cũng từ 75% trở lên; học sinh lên lớp thẳng khoảng 99%... Từ đó việc giáo viên cho điểm “vô tội vạ” cũng không phải là điều gì quá xa xỉ; một lớp có tới hơn 80% học sinh giỏi, xuất sắc cũng không còn lạ nữa.

“Bệnh thành tích” có thể coi là “kinh niên” mà vẫn không tìm được thuốc đặc trị. Thật khó hiểu khi học sinh không còn quyền ở lại lớp và trong đăng ký thi đua thì tỷ lệ học sinh lên lớp, học sinh khá, giỏi năm sau nhất thiết phải cao hơn năm trước.

Nhân câu chuyện này, lại nhớ đến việc cách đây không lâu, một trường Trung học cơ sở bị “tố” vận động học sinh lớp 9 học lực “vừa phải” không nên đăng ký thi vào Trung học phổ thông công lập, mà nên “rẽ ngang” học nghề, hoặc là chuyển sang trường tư thục.

Việc làm lạ đời, phi giáo dục này khiến xã hội hoang mang.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Tùng Lâm- Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng đó là hành vi phi giáo dục. Ông Lâm cũng cho biết, việc giáo viên "tư vấn", ép học sinh sớm đăng ký vào trường tư thục hoặc không thi lớp 10 là tình trạng được nhắc đến trong nhiều năm qua ở Hà Nội. Đây là biểu hiện của "bệnh thành tích", nhất là các trường công lập, khi chỉ chiếm 60-70% học sinh trên toàn thành phố.

“Hành động này không chỉ sai về mặt quy định, quyền lợi hợp pháp của các em mà còn sai về mặt đạo lý. Các trường núp vào cái cớ mang tính nhân văn "phân luồng" nhưng bản chất "hành vi" ép học sinh lớp 9 không thi vào lớp 10 lại khác nhau, thậm chí là phi giáo dục. Bởi thực tế, học sinh đã được trường tuyển, đạt đầu vào. Sau 4 năm đào tạo, trường lại đẩy các em "ra rìa" trách nhiệm là sai hoàn toàn”- ông Lâm nói.

Vẫn theo ông Lâm, học sinh yếu kém do rất nhiều yếu tố, nhưng nhà trường không thể vô can. Những em học yếu kém, có muốn thi hay không là quyền của các em và phụ huynh, không phải quyền của các thầy cô. Các thầy cô phải tạo điều kiện, nhất là những em học yếu kém. Ông Lâm cũng cho rằng hành động ép học sinh chuyển trường hoặc không thi vào lớp 10, ở góc nhìn nào đó có thể coi là rất tàn nhẫn.

“Chúng ta vẫn nhắc đến quan điểm giáo dục nhân văn, tất cả vì học sinh, lấy học sinh là trung tâm. Nhưng phải hành động đúng, chứ không phải tất cả vì bản thân mình, vì thành tích của mình. Bệnh thành tích trong giáo dục nói riêng và trong các lĩnh vực khác nói chung khiến mọi thứ trở nên giả dối, bất nhân văn. Việc nhà trường muốn làm "đẹp" con số bằng cách "vận động" học sinh yếu kém không thi lớp 10 là tàn nhẫn với học sinh. Chúng ta không thể chạy theo thành tích như vậy”- ông Lâm chia sẻ.

Cùng quan điểm, nhiều nhà giáo cho rằng việc thành tích của nhà trường, giáo viên… đo bằng thành tích học sinh giỏi. Trường càng nhiều học sinh giỏi, giáo viên "sở hữu" càng nhiều em giỏi, càng có tiếng. “Thước đo” này đã đến lúc bãi bỏ vì thực chất nó tạo nên bệnh thành tích. Trong khi tính nhân văn và cũng là trách nhiệm của bất cứ trường học nào là phải giúp đỡ được các em học sinh yếu kém vươn lên, thay vì chỉ chạy theo tỷ lệ học sinh giỏi.

Quan niệm về chất lượng giáo dục của UNESCO, xuất phát từ tổng kết nhiều mô hình giáo dục trên thế giới, khi đánh giá chất lượng giáo dục không chỉ mang lại tri thức cho học sinh mà cái chính là làm cho học sinh thay đổi cảm xúc, suy nghĩ và mong muốn của mình. Yêu cầu đặt ra là phải có một nền giáo dục chất lượng, phát triển con người, của từng cá nhân một. Giáo dục là tạo điều kiện cho tất cả học sinh phát triển chứ không phải là phân biệt đối xử với học sinh.

Diệu Ngọc