Đưa sách giáo khoa vào thư viện: Tại sao không?

Trịnh Thị Hạnh 05/07/2022 12:03

Sách giáo khoa (SGK) là công cụ học tập không thể thiếu đối với bất cứ học sinh nào. Tuy nhiên, giá SGK không hề rẻ, đặc biệt nó lại thành gánh nặng với không ít gia đình khi có 2, 3 con tới trường.

Vừa qua tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội… về các vấn đề liên quan đến SGK, Bộ GDĐT đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua SGK đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Đề xuất này lập tức thu hút sự chú ý của xã hội, đặc biệt là các thầy cô giáo, phụ huynh vùng cao, vùng khó khăn. Tất cả cùng mong muốn đề xuất này sẽ sớm trở thành hiện thực để giúp các em học sinh đỡ phần nào khó khăn trên con đường đến trường.

Đáng chú ý, khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giá SGK mới cao hơn so với mọi năm nên các phụ huynh đều tỏ ra lo lắng vì chi phí cho các con đi học sẽ tăng thêm.

Ông Nguyễn Quang Bách (Phòng GDĐT huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang) cho rằng, đề xuất của Bộ GDĐT nếu được áp dụng sẽ bớt đi nhiều gánh nặng cho học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Ông Bách cho biết, nhiều trường trên địa bàn vùng khó của địa phương vận động học sinh đến trường gặp khó khăn một phần vì chi phí SGK. Mỗi khi bước vào năm học mới, giáo viên lại phải đi vận động xã hội hóa SGK. Tuy nhiên, nhiều lúc thừa thiếu, không đồng bộ nên học sinh cũng gặp khó khăn trong việc mượn từ tủ sách của nhà trường. "Nếu có chủ trương chung, việc thực hiện mua SGK để đưa vào thư viện sẽ thuận lợi. Đầu năm học, học sinh sẽ mượn các bộ sách để học, có ý thức giữ gìn sách cuối năm trả lại thư viện nhà trường”- ông Bách nói.

Ông Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) cho biết, trước khi vào năm học mới, Phòng thường xuyên nhắc nhở các trường rà soát lại thiết bị, đồ dùng học tập và SGK để kiểm kê xem thừa, thiếu những gì. Với các trường có ngân sách hỗ trợ, việc bù đắp thiếu hụt cũng bớt khó khăn hơn. Với các trường không có hỗ trợ, việc đảm bảo thiết bị học tập, SGK gặp nhiều khó khăn. “SGK vẫn luôn là thứ yếu so với các trang thiết bị giúp giảng dạy và học tập của các em học sinh. Đó là vấn đề thầy cô và học sinh cảm thấy vất vả nhất khi thiếu thốn thiết bị dạy học”- ông Sơn cho biết.

Còn theo bà Lê Thị Hương- Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Trị thì địa phương có nhiều trường thuộc vùng khó khăn, miền núi, gia đình học sinh không có điều kiện mua SGK nên nhiều năm qua, trước thềm năm học mới thầy cô, nhà trường đều đi xin sách cho học trò. Nhất là ở hai huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, đa số học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, gia đình không có điều kiện kinh tế để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập cho con em. Theo bà Hương, việc dùng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn và trường hợp học sinh con em gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn chứ không phải áp dụng cho tất cả học sinh.

Như vậy, với đề xuất dùng ngân sách mua SGK đưa vào thư viện nhà trường, đặc biệt là với các trường học vùng khó, thì đây cần được xem là việc cần thiết.

Trịnh Thị Hạnh