Tìm ra ‘thủ phạm’, rồi sao nữa?

Ngọc Quang 05/07/2022 12:00

Những ngày qua, trời đã nóng lại càng làm người Hà Nội nóng hơn vì những thông tin quá nhiều sai phạm trong quy hoạch xây dựng của khu vực có mật độ dân số thuộc hàng “khủng”: Chỉ riêng với dự án Golden West - số 2 Lê Văn Thiêm (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân), sau 4 lần điều chỉnh quy hoạch đã nâng tầng từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng. Gần 400 căn hộ được “nhồi” vào dự án này.

Gọi là “được” có nghĩa là chủ đầu tư và “những ai đó được chia chác”; còn “bị” chính là hàng trăm cư dân bị “nhồi” trong một không gian ngột ngạt, chưa nói mỗi khi ra đường cứ như “ra chiến trường” vì người xe xuôi ngược, chen lấn như nêm.

Đáng chú ý, trong việc thực hiện quy hoạch dự án này, theo Thanh tra Bộ Xây dựng, UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh, trong khi đó Sở Quy hoạch - Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật. Chưa nói đến vượt chiều cao mà chỉ nói số căn hộ sau những lần điều chỉnh đã tăng từ 352 căn thành 740 căn. Đương nhiên, số cư dân cũng tăng. Việc điều chỉnh tăng này diễn ra suốt từ năm 2008 cho đến năm 2016, sai phạm nhiều nhưng dân có biết gì về quy hoạch với điều chỉnh quy hoạch đâu, nên cứ ngỡ là nó phải thế.

Khi sự việc bung ra, người ta đã gọi tên “thủ phạm” là UBND TP Hà Nội, quận Thanh Xuân, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Xây dựng và chủ đầu tư (lúc đó). 4 “ông” này mà phối kết hợp thì hẳn phải kín đáo rồi. Nhưng, cổ nhân đã nói “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”. Nay, nó đã “lòi ra”, mà đâu phải bé như cái kim mà là to vật vã các tòa chung cư. Câu hỏi đặt ra và cũng là mong chờ của người dân là sẽ xử lý thế nào?

Trước hết, không thể đập đi gần 400 căn hộ “xây thừa” và cũng không thể “hớt ngọn” tới hơn chục tầng những cao ốc mà người dân mua bán đàng hoàng. Thôi thì đành chịu vậy, nhưng nhất thiết những đơn vị, cá nhân làm sai phải được “điểm mặt” rõ ràng, và phải “hồi tố” chứ không thể “đánh bùn sang ao” hạ cánh an toàn; để mặc Thủ đô ra sao thì ra, người dân khổ sở thế nào cũng mặc.

Một khu vực nữa cũng cực kỳ gian nan đó là tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, nơi mà người dân gọi là “con đường đau khổ” vì chẳng cứ gì giờ cao điểm mà giờ nào cũng nườm nượp người chen lấn, giành giật nhau mà đi. Lý do rất dễ hiểu là bởi hai bên đường mọc lên san sát những khối cao ốc lừng lững. Người dân kêu quá, đến độ đại biểu Quốc hội cũng phải bức xúc cho rằng cần phải chuyển tài liệu sang cơ quan công an điều tra làm rõ mức độ vi phạm, yếu tố tham nhũng, tiêu cực, nhóm lợi ích trong từng lần tùy tiện điều chỉnh quy hoạch để rồi từ đó mọc lên hàng chục công trình cao tầng, bất chấp quy định pháp luật.

Tại dự án tuyến đường này, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra “thủ phạm” một cách rất rõ ràng. Từ đó người dân truy ngược trở lại, vào quãng thời gian đó, vị nào là Chủ tịch UBND thành phố, vị nào là Giám đốc Sở quy hoạch - Kiến trúc, Giám đốc Sở Xây dựng. Thời gian cũng chưa quá lâu nên người dân có thể đọc vanh vách tên các vị này. Trong số họ, hầu hết đã nghỉ hưu, đã “hạ cánh”. Nhưng lẽ nào như vậy là xong?

Nói như GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đó là những cán bộ thiếu tâm, bóp méo lợi ích, điều chỉnh quy hoạch vô căn cứ. Hà Nội còn nhiều khu vực bất cập do điều chỉnh quy hoạch để lại hậu quả lâu dài vì không lẽ xây lên rồi lại đập bỏ, nên cần đưa thanh tra, công an vào làm rõ, xử lý nghiêm làm gương cho cán bộ.

Ông Võ cũng cho rằng cần thêm các kết luận thanh tra, thậm chí là kết luận điều tra về quy hoạch tại các khu vực khác để làm “bung ra” các sai phạm, nhóm lợi ích. Phải xử lý cán bộ bất kể đương chức hay đã nghỉ. Đã làm ra tội thì phải chịu xử lý.

Ý kiến của ông Võ cũng là suy nghĩ của nhiều người, cũng là cách đặt vấn dề sòng phẳng. Trong những vụ điều chỉnh sai quy hoạch được Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, bước đầu coi như cũng đã “tìm ra thủ phạm”. Nhưng rồi sao nữa, hy vọng rồi đây sẽ sớm thôi, hạ hồi phân giải.

Ngọc Quang