Liên kết, không ‘bẻ kèo’ để 2 bên cùng thắng
Nhiều năm qua, Việt Nam không chỉ đảm bảo an ninh lương thực mà còn đã vượt lên thành quốc gia hàng đầu xuất khẩu gạo. Đó có thể nói là “không ngờ” khi người dân từng chịu những năm tháng thiếu gạo ăn, cho dù chúng ta vẫn là quốc gia nông nghiệp và tự hào với nền văn minh lúa nước của mình.
Tới nay, chúng ta không còn lo thiếu đói, cũng không trồng những giống lúa năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Nhiều giống lúa mới lai tạo thơm ngon đã được người nông dân chọn gieo trồng, từ đó thương hiệu gạo Việt ngày càng được nâng cao, củng cố.
Tuy nhiên, với việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp cùng các địa phương xây dựng đề án sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ xuất khẩu - thì đó là bài toán không dễ.
Từ đây, cũng cần nhìn lại chủ trương mô hình cánh đồng lớn đã áp dụng hơn 10 năm qua, khi mà nó từng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi căn bản ngành hàng lúa gạo Việt Nam. Theo số liệu báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), vụ đông xuân 2020-2021, diện tích thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở ĐBSCL đạt 160.000ha, giảm 10.000ha so với cùng kỳ. Điều đó cho thấy mô hình cánh đồng lớn đang giảm về diện tích.
Vậy đâu là lý do? Theo ông Dương Văn Chín - nguyên Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, thì bản chất của cánh đồng lớn là gom đất liền canh để thực hiện cơ giới hóa, canh tác theo một quy trình chất lượng. Đây là điều tốt nhưng thực tế không thực hiện được. Ông Chín nêu ví dụ tại tỉnh An Giang. Ban đầu địa phương ra chỉ tiêu diện tích cánh đồng lớn phải có quy mô ít nhất 300 héc ta. Thế nhưng, sau mấy năm không thành công, đã được điều chỉnh giảm còn 50 héc ta.
Một điểm khác cũng rất đáng chú ý khi mô hình cánh đồng lớn cũng chính là thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp và người nông dân, nhưng mối liên kết này rất dễ bị phá vỡ. Ví dụ, lúa tới ngày này thu hoạch, thay vì doanh nghiệp bao tiêu đúng như cam kết, thì lại lùi thời gian thu hoạch 3-4 ngày. Lúc đó, lúa khô ngay trên đồng, người nông dân không đồng ý dẫn đến phá vỡ hợp đồng, nông dân mất lòng tin. Ngược lại, có trường hợp giá lúa thị trường khi thu hoạch tăng 200-300 đồng/kg, cao hơn giá doanh nghiệp cam kết bao tiêu cho nông dân, thì nông dân “bẻ kèo” bán bên ngoài, dẫn đến mối quan hệ liên kết thất bại.
Nói như ông Nguyễn Văn Thành - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Phước Thành IV, thì “mô hình cánh đồng mẫu lớn hay cánh đồng lớn thật sự đến giờ này chỉ làm thí điểm rồi bỏ qua, chứ không thành công”.
Nói về mô hình cánh đồng mẫu lớn là để rút kinh nghiệm khi “giải bài toán một triệu héc ta lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu” mà Thủ tướng đã giao.
Theo giới chuyên gia nông nghiệp, chìa khóa chính là phải có sự bắt tay giữa doanh nghiệp với đại diện của nông dân là hợp tác xã và canh tác theo quy trình kỹ thuật doanh nghiệp đưa ra, chứ không phải tính bằng cách cộng diện tích của tất cả các hộ nông dân sản xuất “giống lúa chất lượng cao”.
Từ đó cho thấy, phải làm sao để mối liên kết này tránh rơi vào tình cảnh tương tự như mô hình cánh đồng lớn: Hoành tráng thì ai cũng thích nhưng muốn thành công thì phải thực chất!