Du lịch biển miền Trung 'lột xác'
Các khu du lịch ven biển Bắc Trung Bộ như Sầm Sơn, Cửa Lò... đã gặt hái được những kết quả vượt ngoài mong đợi sau hơn 2 năm gần như bị “đóng băng” bởi đại dịch Covid-19. Có được kết quả đó, chính quyền địa phương đã thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn điểm đến; chú trọng tuyên truyền ứng xử văn minh du lịch; tăng cường công tác quản lý giá, dịch vụ...
Thay đổi đến ngỡ ngàng
Bãi biển Sầm Sơn nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa 17 km, là một trong những bãi biển đẹp nhất Bắc Trung bộ và được mệnh danh là “chốn nghỉ dưỡng lý tưởng nhất Đông Dương”. Nơi đây có đường bờ biển chạy dài 6km từ chân núi Trường Lệ với độ dốc, độ mặn nước biển vừa phải, rất thích hợp cho các hoạt động vui chơi, tắm biển...
Đã từng bị du khách quay lưng do một thời gian khá dài xuất hiện hiện tượng “chặt chém”, chèo kéo khách, bán hàng không niêm yết giá... thế nhưng từ năm 2016 tới nay, Sầm Sơn đã khắc phục được hầu hết các tồn tại, hạn chế nói trên.
Bằng chủ trương, chính sách thông thoáng nhưng đảm bảo đúng quy định của pháp luật, cơ sở hạ tầng, giao thông được xây dựng đồng bộ giúp Sầm Sơn trở thành một vùng đất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Qua đó, tạo nên hình ảnh của Sầm Sơn ngày hôm nay thực sự đã “lột xác”.
Giờ đây, không chỉ dẹp yên chuyện ép giá du khách, bãi biển Sầm Sơn đã được quy hoạch gọn gàng, ngày càng xanh, sạch, đẹp... Cả 4 bãi tắm A, B, C, D dài hơn 6km có không gian rộng rãi, thoáng đãng, sạch sẽ tạo cảm giác thoải mái cho du khách vui chơi, tắm biển. Trên bờ cát, mỗi khi du khách vô tình vứt rác, ngay lập tức sẽ có nhân viên môi trường làm sạch.
Đến với biển Sầm Sơn những ngày hè, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bãi cát phẳng chạy dài và vùng nước biển trong mát đầy sảng khoái. Có thể khẳng định, trong 10 năm qua, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã đặc biệt quan tâm đến việc thu hút đầu tư vào các khu du lịch, nhất là Sầm Sơn; chính quyền TP Sầm Sơn thực sự quyết liệt, có nhiều biện pháp xóa bỏ triệt để những tồn tại, hạn chế trong việc phục vụ du khách.
Ông Bùi Quốc Đạt - Phó Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn khẳng định: “Chúng tôi kiên quyết xử lý dứt điểm nạn chặt chém. Cùng với đó, TP Sầm Sơn tập trung tuyên truyền để mỗi người dân hiểu, nếu làm phật lòng du khách họ sẽ quay lưng với Sầm Sơn, như vậy dù biển có đẹp đến đâu vẫn sẽ bị ghẻ lạnh”.
Có lẽ, người dân Sầm Sơn hiểu được tinh thần này, và họ đã thực sự thay đổi. Bằng chứng rõ ràng nhất là sự công nhận của khách du lịch. Khi hỏi khoảng 10 khách ngẫu nhiên thì có 8 người đều tỏ ra hài lòng về chất lượng dịch vụ, giá cả các sản phẩm du lịch, 2 người còn lại thì cho rằng Sầm Sơn đã khá hơn trước, nhưng vẫn phải cố gắng thêm để vươn tầm như Nha Trang, Hạ Long - là những điểm đến hấp dẫn bậc nhất Việt Nam.
Mỗi người dân là một hướng dẫn viên
Hiện nay, 100% khách sạn ở Sầm Sơn đều công khai bảng giá ở quầy lễ tân và trên các website chính thức của mình. Còn đối với khu vực ẩm thực, từ nhà hàng sang trọng cho tới quán ăn bình dân, trong thực đơn đều ghi cụ thể giá các sản phẩm, món ăn.
Nếu có biến động, du khách đều được thông báo trước và thỏa thuận với nhà hàng trước khi quyết định có sử dụng dịch vụ đó hay không. Dịch vụ xe điện, xích lô cũng được niêm yết giá. Chẳng hạn nếu đi xe điện, khách phải trả 30.000 đồng trong khoảng từ 10 đến 500m đầu tiên và càng đi xa, giá càng rẻ.
Ông Ngô Hữu Hòa (lái xe điện) cho biết: Hiện nay, giá cước đi xe điện đã được niêm yết cụ thể tại vị trí dễ nhìn phía trước xe. Vì thế, du khách chỉ cần có nhu cầu là đi ngay, không phải mặc cả.
“Nếu đi 5 - 6 người/xe giá cũng 30.000 đồng trong 500m đầu, đi 1 người cũng vậy. Giờ cái gì cũng công khai rõ ràng khiến du khách trong tỉnh và ngoại tỉnh đều cảm thấy hài lòng” – ông Hòa nói và cho biết thêm, đã không còn thấy nạn chặt chém tồn tại ở đây. “Và để thay đổi cùng thành phố, những người làm dịch vụ cũng phải là một hướng dẫn viên để trò chuyện, trao đổi cùng khách, giúp họ hiểu hơn về lịch sử của Sầm Sơn và những địa điểm ăn uống, ngủ nghỉ giá cả phù hợp. Chỉ có làm hài lòng thì họ mới quay lại, và phải có khách thì chúng tôi mới có nguồn thu nhập tốt”- ông Hòa chia sẻ.
Ngoài dịch vụ đi xe điện, các dịch vụ khác như tắm tráng, dịch vụ thuê phao bơi, áo tắm, thuê diều, chụp ảnh… cũng được niêm yết giá một cách chi tiết, cụ thể. Bà Hà Thị Thu (người làm dịch vụ cho thuê phao bơi cho biết): Trong khoảng 3 tháng hè là thời gian du khách về Sầm Sơn tắm biển đông nhất. Để đảm bảo an toàn cho con trẻ thì bố mẹ sẽ thuê phao bơi, áo phao và việc niêm yết giá 20.000 đồng/chiếc sẽ khiến họ không cần phải nghi hoặc gì nữa.
Theo tìm hiểu, các khung giá dịch vụ tại Sầm Sơn đều nằm trong vùng khá "mềm", hợp với túi tiền bình dân của nhiều người. Riêng giá phòng nghỉ vào những ngày cao điểm cuối tuần có thể tăng đến mức 1.000.000 - 1.200.000 đồng/phòng với chất lượng cơ bản. Hầu hết du khách khi được hỏi đều cho biết, rất hài lòng khi thông tin về giá được công khai minh bạch, thuận mua vừa bán.
“Muốn đi tắm biển là nghĩ về Sầm Sơn”
Được biết, trên địa bàn TP Sầm Sơn hiện có khoảng 700 cơ sở lưu trú, với trên 19.000 phòng, cùng gần 300 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đợt cao điểm khai mạc năm du lịch biển Sầm Sơn 2022 và đợt hè ở ngay thời điểm này, các nơi lưu trú đều trong tình trạng cháy phòng.
Ông Lê Văn Minh - chủ chuỗi nhà hàng, nhà nghỉ 668 (phường Bắc Sơn) cho biết: “Có rất nhiều đoàn của các công ty, đơn vị, cơ quan, tổ chức đặt phòng trước nên trong gần 2 tháng hè vừa qua, nhà hàng luôn phải tất bật với công việc. 2 năm phải oằn mình vì dịch Covid-19, mất thu nhập nên giờ được bận cũng vui mừng. Trước thời điểm vào mùa du lịch, cơ sở cũng thường xuyên được chính quyền kiểm tra và tuyên truyền về việc niêm yết giá phòng, giá đồ ăn. Thực ra thì cái đó mình cũng phải tự giác, vì chỉ khi làm hài lòng khách hàng, cơ sở mới có thể tồn tại và phát triển”- ông Minh nói.
Luôn đặt Sầm Sơn ở vị trí số 1 trong mỗi dịp đi du lịch ngày hè, gia đình anh Nguyễn Như Hà (35 tuổi, trú phường Kính Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) thực sự ngỡ ngàng trước lượng khách “khổng lồ” đổ về Sầm Sơn trong thời điểm này.
Anh Hà nhận xét: “Mình không ngờ hè này du khách lại đổ về Sầm Sơn đông như vậy. Mới năm ngoái, thời điểm gia đình mình đi du lịch “mùa covid” thấy Sầm Sơn ảm đạm lắm. Năm nào cũng tới đây nhưng sự thay đổi của con người và thành phố biển này thực sự khiến du khách ngỡ ngàng. Cả 4 bãi tắm đều sạch sẽ, gọn gàng, khác hẳn những năm trước. Còn giá cả dịch vụ thì không lo bị chặt chém. Còn nơi lưu trú thì khách sạn, nhà nghỉ cũng được đầu tư khang trang, khi mình cần hoặc hỏi gì là người bản địa hoặc nhân viên đều có thể hướng dẫn. Thực sự rất mừng vì sự thay đổi này”.
Đồng tình với quan điểm của anh Hà, chị Trần Thị Thu (một du khách ở Nam Định) tâm sự: "Mình hay đi nghỉ mát ở Sầm Sơn và thấy, 3 năm trở lại đây, dịch vụ tại đây tốt lên rất nhiều. Nạn chặt chém không còn, người dân lịch sự, văn minh hơn, biết quan tâm đến khách du lịch. Ngoài ra, chi phí cho phòng nghỉ, ăn uống, đi lại cũng không quá tốn kém. Vì thế mình có thể sử dụng các dịch vụ rất thoải mái".
Ông Lê Văn Tú - Chủ tịch UBND TP Sầm Sơn khẳng định: “Sầm Sơn quyết tâm trở thành điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn; chúng tôi luôn nỗ lực xây dựng hình ảnh con người Sầm Sơn đẹp trong lòng bạn bè, du khách nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch biển văn minh, hấp dẫn, thân thiện. Do đó, thành phố đã tập trung hướng dẫn, giám sát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, trọng tâm là vi phạm về ép giá, ép khách”. Cũng theo ông Tú, hiện, Sầm Sơn đã có đường dây nóng, bất kể du khách khi gặp vấn đề gì cứ phản ánh trực tiếp, có thể gián tiếp, chính quyền địa phương sẽ vào cuộc và xử lý nghiêm. “Sầm Sơn đã có trung tâm điều hành thông minh tích hợp 131 camera nên có thể trích xuất dữ liệu trước đó để xử phạt nguội bất cứ lúc nào khi có phản ánh của du khách”- ông Tú cho hay.
Không còn "máy chém", rác bẩn, nạn chèo kéo du khách, ăn xin, ăn mày dần giảm bớt, du lịch Sầm Sơn thực sự đang đi đúng hướng và “ghi điểm” cao trong lòng du khách.