‘Bật dậy’ sau đại dịch

Điền Bắc 06/07/2022 07:07

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, lượng khách du lịch đổ về thị xã biển Cửa Lò (Nghệ An) ước đạt 1,260 triệu lượt khách, đạt 81% kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1.280 tỷ đồng. Một con số lý tưởng sau hơn 2 năm “ẩn mình” vì đại dịch Covid-19 của thị xã Cửa Lò.

Biển Cửa Lò đang dần thay đổi để thu hút du khách.

Cửa Lò nay đã khác

Những ngày này, dọc các bãi biển như Quỳnh Phương (Hoàng Mai), Cửa Hiền, Bãi Lữ (Nghi Lộc), đặc biệt là Cửa Lò (thị xã Cửa Lò)… là khung cảnh nhộn nhịp thường thấy của một khu du lịch biển trước dịch Covid-19.

Mọi hoạt động đã trở lại, du khách đổ về Cửa Lò dường như đông hơn trước. Thậm chí, qua thống kê của ngành chuyên môn, các chỉ tiêu đạt được vượt cả những năm khi chưa xảy ra dịch Covid-19.

Với khẩu hiệu “Cửa Lò: An toàn – Thân thiện - Mến khách”, du lịch Cửa Lò đã thực sự mở cửa trở lại trong tình hình mới.

Theo ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Thị xã Cửa Lò cho hay, ngay khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành Nghị quyết 128, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Cửa Lò đã chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch phục hồi cơ sở vật chất, nguồn lực để phục hồi du lịch.

Thậm chí, sau 2 năm du lịch bị gián đoạn do dịch Covid-19, do không hoạt động nên nhiều cơ sở vật chất của thị xã cũng như cơ sở nhà hàng, lưu trú của người dân bị xuống cấp, hư hỏng nhiều. Ngay sau đó, bước vào mùa du lịch 2022, chính quyền thị xã đã tiến hành chỉnh trang đô thị, đồng thời vận động người dân, các chủ ki-ốt sửa chữa, nâng cao chất lượng để sẵn sàng cho hoạt động du lịch. Điều đáng ghi nhận của thị xã Cửa Lò chính là năm nay, địa phương này có chủ trương không tăng thuế đối với các hộ kinh doanh. Đây là một trong số giải pháp để kích cầu, động viên người dân, hộ kinh doanh phục hồi du lịch.

“Chính sách này rất được ghi nhận, đây là việc làm thể hiện sự đồng cảm của chính quyền với người dân, với những khó khăn của các cơ sở kinh doanh, sau 2 năm vật lộn với đại dịch” - anh Trần Xuân Phong, chủ nhà hàng tại phường Nghi Thu cho biết.

Đó cũng là cảm nhận của du khách khi đến Cửa Lò trong năm nay, họ cho rằng dù vẫn còn nhiều tồn tại, song Cửa Lò hiện nay đã “hơn hẳn” Cửa Lò cách đây 5-7 năm về trước.

Theo anh Trần Bá Dần (36 tuổi) trú tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đánh giá, về hạ tầng Cửa Lò thay đổi ít, tuy nhiên cung cách phục vụ, cách quản lý đã khác rất nhiều, quy củ hơn, nạn chặt chém đã dẹp bỏ, việc chèo kéo khách đã không còn.

“Quan trọng nhất vẫn là giá cả, đến nay hầu như các địa chỉ mua bán, ăn uống, vui chơi… tại Cửa Lò đều niêm yết giá công khai, do đó tránh được những “tiếng ồn” trên mạng xã hội”- anh Dần chia sẻ.

Du khách Lê Hoàng Phương đến từ TPHCM cho biết, ông đến Nghệ An để thực hiện chuyến công tác, nhưng cũng để trải nghiệm. Và thị xã biển Cửa Lò là một điểm đến đầu tiên của ông. Ngoài cảm nhận cái nóng bỏng rát và đặc sản gió Lào, ông Phương đồng ý với quan điểm “Cửa Lò nay đã khác”.

“Khác ở đây là tính chuyên nghiệp, mà trước hết phải là chính quyền đến doanh nghiệp và đặc biệt là người dân sở tại. Khái niệm “móc túi” du khách đã được dẹp bỏ, giá cả và cung cách phục vụ đã điều chỉnh hợp lý”- ông Phương cho biết thêm.

Liên kết, hợp tác là tất yếu

Theo số liệu từ Sở Du lịch Nghệ An, 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đón và phục vụ hơn 4 triệu lượt khách, bằng 237% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 7.050 tỷ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt 3.269 tỷ đồng, bằng 321% so với cùng kỳ năm 2021.

Riêng thị xã Cửa Lò, kết quả tổng lượng khách du lịch 6 tháng đầu năm ước đạt 1,260 triệu lượt khách, đạt 81% kế hoạch, trong đó khách lưu trú 430 nghìn lượt, đạt 83% kế hoạch. Doanh thu từ các hoạt động dịch vụ, du lịch đạt 1.280 tỷ đồng, đạt 84% kế hoạch.

Để có được những kết quả này, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Cửa Lò Hoàng Thanh Sơn cho biết: Sau khi du lịch chính thức đi vào hoạt động, UBND thị xã Cửa Lò đã thành lập 2 đoàn thanh tra liên ngành thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp nhà hàng, khách sạn không thực hiện đúng với cam kết như niêm yết giá, “chặt chém” khách hàng.

Thực tế, cơ quan chức năng cũng đã xử phạt nhiều cơ sở kinh doanh không thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá. Đồng thời, tình trạng bán hàng rong, ăn xin, đặt bàn ghế lấn chiếm đường dạo bộ và trên vỉa hè, xe dừng đậu trên vỉa hè và khu lâm viên, sử dụng loa kéo tại nhà hàng và trên đường dạo bộ đều được xử lý dứt điểm.

Trong khi đó, để “níu” được khách về với xứ Nghệ nói chung và Cửa Lò nói riêng, Sở Du lịch Nghệ An đã đưa ra quan điểm liên kết, hợp tác phát triển du lịch là tất yếu để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Theo ông Nguyễn Mạnh Lợi - Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An, mỗi khi trao đổi, thảo luận về khai thác, phát triển du lịch biển ở Nghệ An, nhiều người có chung ý kiến cho rằng hầu hết các địa phương hiện đang “đèn nhà ai nấy rạng”. Nghĩa là trong quá trình quy hoạch, xây dựng các điểm đến, các huyện, thành, thị chưa tính đến yếu tố liên kết, hợp tác với các khu, điểm du lịch biển ở địa phương khác. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác cũng như thu hút khách du lịch.

“Với vai trò quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch, Sở Du lịch đã chỉ đạo các địa phương có khu, điểm du lịch biển - nghỉ dưỡng tăng cường kết nối, cùng xây dựng tour, tuyến, mở rộng không gian du lịch biển xây dựng sản phẩm mới thu hút du khách. Để đạt được hiệu quả, bên cạnh sự nỗ lực của các địa phương cần có sự hợp tác, chia sẻ của các doanh nghiệp lữ hành và tổ chức kích cầu, quảng bá” - ông Lợi cho biết thêm.

Điền Bắc