Phát huy vai trò các cá nhân tiêu biểu trong giám sát, phản biện

Tiến Đạt (thực hiện) 06/07/2022 09:00

Theo PGS.TS Bùi Xuân Đức - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật UBTƯ MTTQ Việt Nam, để nâng cao hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, Mặt trận cần phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam trong việc phản ánh thực chất về các vấn đề, nêu ra những bất cập, hạn chế còn tồn tại, qua đó giúp Mặt trận có những cách thức khảo sát, nắm vấn đề, đem lại thực chất cho hoạt động giám sát, phản biện xã hội.

PGS. TS Bùi Xuân Đức.

PV: Thưa ông, hiện nay hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận còn gặp những khó khăn, bất cập nào cần khắc phục?

PGS. TS Bùi Xuân Đức: Có thể nói, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được pháp lý hóa. Việc xây dựng và ban hành kịp thời các quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, nhất là quy chế về phản biện xã hội thời gian qua để MTTQ có cơ sở thực hiện quyền phản biện này đã được đặt ra một cách cấp bách. MTTQ Việt Nam cơ bản đã có những cơ sở pháp lý khá đầy đủ để thực hiệc chức năng giám sát và phản biện xã hội, phát huy vai trò của mình trong việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong giai đoạn mới.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận đang còn những hạn chế, bất cập trong quy định và thực hiện. Trong đó, nhận thức về tính chất và ý nghĩa của giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận theo quy định của Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 chưa tương xứng và phù hợp với vai trò vị trí của Mặt trận.

Điều 25 và Điều 32 Luật MTTQ Việt Nam năm 2015 quy định giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là mang tính xã hội, và đối tượng giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận vẫn tập trung nhiều vào việc thực hiện chính sách, pháp luật chứ chưa chỉ ra cái căn bản phải là giám sát và phản biện việc ban hành chính sách, pháp luật.

Tôi cho rằng, quy định này chưa thể hiện đúng bản chất của việc giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, không thấy hết và phát huy đầy đủ ý nghĩa của giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam cũng như vai trò, vị trí của MTTQ trong hệ thống chính trị.

MTTQ Việt Nam là một tổ chức liên minh chính trị nên công việc của Mặt trận mang tính chính trị - quyền lực, mà lâu nay tạm gọi là “tính nhân dân” chứ không thể mang tính xã hội thông thường...

Vậy giải pháp cho những hạn chế, bất cập này là gì, thưa ông?

- Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về giám sát và phản biện xã hội, theo quan điểm cá nhân, tôi cho rằng, Mặt trận muốn giám sát tốt thì phải phát huy vai trò của cá nhân tiêu biểu, các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam. Mỗi cá nhân phải có những phản ánh thực chất về các vấn đề, nêu ra những bất cập, hạn chế còn tồn tại, qua đó giúp Mặt trận có những cách thức khảo sát, nắm vấn đề để nêu ý kiến.

MTTQ các cấp cũng cần tập trung phát huy vai trò các tổ chức thành viên, các cá nhân tiêu biểu, phân công, phân việc cụ thể, giám sát theo từng vấn đề, nêu cao tính thực tiễn, hướng đến những vấn đề nóng, sai phạm trên thực tế. Phải thấy rằng phạm vi, đối tượng giám sát của MTTQ Việt Nam không phải chủ yếu là các hoạt động kinh tế - xã hội mang tính chuyên môn, nghiệp vụ mà phải là việc thực thi quyền lực nhà nước, thi hành dân chủ tức phải tập trung giám sát hoạt động của chính quyền, giám sát cán bộ, đảng viên, phòng, chống lạm quyền, tham nhũng, lãng phí. Đây mới là nơi thể hiện rõ bản chất của giám sát Mặt trận với tư cách đại diện quyền, lợi ích của nhân dân.

Thành công của hoạt động giám sát phụ thuộc vào việc thực hiện kết luận sau giám sát. Vậy, Mặt trận cần làm gì để phát huy vai trò của mình trong việc nâng cao chất lượng của những ý kiến, kiến nghị cũng như đẩy mạnh việc việc thực hiện kết luận sau giám sát?

- Có thể nói, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả khi các kiến nghị được đưa ra có ý nghĩa thúc đẩy việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế. Tôi cho rằng, sau giám sát, phản biện xã hội, MTTQ Việt Nam phải tập hợp ý kiến, kiến nghị và cần phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một cách thường xuyên, kịp thời và có tầm.

Cụ thể, Mặt trận phải có những hình thức phản ánh mạnh mẽ đến các cấp có thẩm quyền, cần có cách thức mới về phản ánh như để Mặt trận thảo luận và phát biểu chính kiến của mình về các Đề án kinh tế - xã hội, Dự án pháp luật,... mà Chính phủ, UBND và các cơ quan hữu quan trình ra Quốc hội và HĐND một cách trực tiếp tại kỳ họp.

Hoặc chính kiến có thể đưa ra bằng văn bản nhưng Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam được tham dự để theo dõi việc tiếp thu và giải trình. Có như thế mới thực sự phát huy vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị của đất nước đúng như kỳ vọng của nhân dân.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến Đạt (thực hiện)