Bảo vệ con đường gốm sứ: Cần có thái độ quyết liệt
Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một trong những công trình chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đây cũng là tác phẩm được công nhận kỷ lục Guinness. Tuy nhiên công trình nghệ thuật này đã bị xuống cấp trong suốt một thời gian dài gây mất mỹ quan đô thị.
Thực trạng xuống cấp đang diễn ra đối với “Con đường gốm sứ ven sông Hồng” còn cho thấy cách quản lý, cũng như thái độ của cơ quan chức năng với số phận của một tác phẩm nghệ thuật đã được ghi nhận và tạo dấu ấn với người dân thủ đô.
Công trình dấu ấn 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội
“Con đường gốm sứ ven sông Hồng” ra đời từ ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy. Đây là công trình nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đồng thời cũng là một tác phẩm nghệ thuật được Tổ chức Guinness thế giới công nhận là bức tranh gốm dài nhất thế giới. Công trình này cũng đã đoạt giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội”.
Những hình ảnh đặc biệt của Hà Nội đã được lựa chọn như thầy đồ, chợ hoa... hay những bức vẽ phố cổ Hà Nội, chất liệu gốm Bát Tràng - đặc trưng của Hà Nội được lựa chọn thể hiện. Đây là công trình mỹ thuật công cộng có quy mô lớn. Dự án đã góp phần làm thay đổi cách giữ gìn môi trường của người dân.
Địa điểm này cũng thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch khi đến Thủ đô. Không chỉ khách du lịch trong nước từ mọi vùng miền mà nhiều khách quốc tế khi đến thăm Hà Nội ai cũng không bỏ lỡ cơ hội được tận mắt chiêm ngưỡng tác phẩm nghệ thuật này.
Nhà văn, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, Con đường gốm sứ ven sông Hồng là một dự án mang tính biểu trưng cho thành phố Hà Nội. Trên đường gốm sứ đã tái hiện nhiều hình ảnh Hà Nội xưa và nay. Ngoài những hình ảnh tượng trưng còn có những chi tiết lịch sử được tái hiện.
Đây là một công trình hết sức có ý nghĩa. Ngày nay, chúng ta có rất ít công trình văn hóa mang tính nghệ thuật thì con đường gốm sứ ra đời đã trở thành một phần nghệ thuật ngày hôm nay của thành phố này.
TS. KTS Ngô Doãn Đức - nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam cũng đã khẳng định vai trò của con đường gốm sứ ven sông Hồng đối với văn hóa Hà Nội. Sự hiện diện của công trình cho thấy mặt tích cực của không gian đô thị. Công trình nghệ thuật gốm sứ đã góp phần làm cho tuyến đê Sông Hồng xóa bỏ được nhiều hệ lụy trước đó.
Cần sớm được tu sửa
Hiện nay, con đường gốm sứ đã xuất hiện tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nguyên nhân được cho là bắt nguồn từ việc người dân đốt rác thải sát đoạn đường gốm vào ban đêm, nhiệt độ từ những chiếc lốp cao su và rác bị đốt tạo khói đen, lớp gốm thì bị bong tróc, nứt toác. Từng mảng gốm bị phồng rộp, nứt vỡ, bong tróc, lộ rõ những mảng tường xám xịt bên. Khi thiết kế và xây dựng, mỗi đoạn tường tại đây đều có nội dung riêng, tạo thành một bức tranh gốm tổng thể. Tuy nhiên nhiều bức tranh đã bị biến dạng hoàn toàn.
Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy – Giám đốc Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội, người trực tiếp tham gia thiết kế con đường gốm sứ cho biết, sự xuống cấp của con đường gốm sứ là do nằm trên trục đường giao thông với lượng xe qua lại lớn, tạo lên độ rung vì thế không tránh khỏi việc những mảnh ghép bằng gốm bị bong tróc. Cùng với đó là do ảnh hưởng của khí hậu. Bởi vậy rất cần có sự chăm sóc thường xuyên.
“Do một thời gian dài chưa có kinh phí để duy tu bảo dưỡng nên con đường gốm sứ bị xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay. Tôi mong thành phố, Sở VHTT TP Hà Nội tạo điều kiện cấp kinh phí để hoàn thành việc duy tu bảo dưỡng” - bà Thủy bày tỏ.
Việc xuống cấp của công trình này là hoàn toàn dễ hiểu vì không có gì là vĩnh cửu. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện dự án, những vật liệu không phải là quá tốt. Trong quá trình tồn tại, do khí hậu đã tác động vào làm cho công trình xuống cấp.
Nói về công trình nghệ thuật này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cho rằng, khi nhà quản lý đã đồng ý cho việc thực hiện một dự án mang tính nghệ thuật và có tính biểu trưng cho Hà Nội nhưng lại để bị hư hại, xuống cấp trong thời gian dài mà không có động thái để sửa chữa, tu bổ là điều hết sức đáng tiếc.
“Từ trước đến nay có nhiều di sản mang tính nghệ thuật bị hư hại hoặc nhân danh phát triển đã bị người ta phá bỏ như bức phù điêu tại chợ Mơ, tòa nhà mang kiến trúc Pháp ở ngã tư Vọng… Động thái không xây mới, tu sửa mà ngược lại còn phá đi, đó là lỗi trong việc quản lý lĩnh vực văn hóa nghệ thuật ở đô thị của thành phố. Phải bằng cách nào đó phục dựng những công trình đó, đưa các công trình trở lại với giá trị ban đầu vốn có, đó mới là trách nhiệm của nhà quản lý” - nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến bức xúc nói.
Còn theo TS. KTS Ngô Doãn Đức, sự xuống cấp của con đường gốm sứ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân. Ông Đức cho rằng, chúng ta nên làm tốt về nội dung đồng thời duy trì bức tranh này sao cho tốt nhất. Bởi nó đã hiện diện, được ghi nhận cũng như ca ngợi. Muốn giữ gìn và phát huy giá trị của con đường gốm sứ thì Hà Nội phải thể hiện sự quyết tâm.
Trước thực trạng Con đường gốm sứ ven sông Hồng bị xuống cấp, mất vệ sinh môi trường, vừa qua, Sở Văn hóa Thông tin TP Hà Nội đã đề nghị các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ tăng cường công tác quản lý bảo vệ, vệ sinh môi trường cảnh quan tại khu vực Con đường gốm sứ.