'Nỗi niềm' của ngành nước
Tổ chức lại thị trường; phân định rõ vai trò công – tư là những việc cần làm trong dài hạn để giải bài toán cho nước sạch. Tuy nhiên, ngay trong ngắn hạn, để giải quyết bài toán giá nước thì các địa phương cần xử lý hài hòa, có trách nhiệm với hợp đồng đã cam kết.
Cầu cao nhưng cung thấp
Nước sạch là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất trong đời sống con người. Chính vì vậy, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1566/QĐ-Ttg về Chương trình quốc gia bảo đảm cấp nước sạch giai đoạn 2016 - 2025 với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ dân cư được cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 95-100%. Cũng trong chương trình này, mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ dân cư được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 90- 95%, đến năm 2025 có 95-100% người dân thành thị và 93-95% người dân ở nông thôn có nước sạch để dùng. Tuy nhiên, mục tiêu này khó đạt được bởi theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay cả nước có khoảng 4.500 hệ thống công trình cung cấp nước cho cả đô thị và nông thôn với công suất đến khoảng 11 triệu m3. Trong khi, theo thống kê của Bộ NN&PTNT cho biết, đối với cấp nước đô thị và nông thôn, tỷ lệ hộ dân có thể tiếp cận nước máy là 80% người dân đô thị và 62% người dân nông thôn. Những con số nêu trên chưa đạt mục tiêu đề ra của Chương trình Quốc gia bảo đảm cấp nước an toàn giai đoạn 2016-2025.
Trả lời câu hỏi: Vì sao một đất nước có tài nguyên nước dồi dào, sông hồ đa dạng mà tỷ lệ người dân dùng nước máy thấp? tại buổi Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Chìa khóa nào cho bài toán nước sạch" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông cho biết, thị trường nước sạch đã có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những vấn đề khiến cho tỷ lệ cung cấp nước máy thấp, đặc biệt tại vùng nông thôn, thấp hơn nhiều so với đô thị. Ngay cả ở Hà Nội tỷ lệ tiếp cận nước máy của khu vực nông thôn cũng thấp.
Ở góc độ quản lý, ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT) cho biết, trong khía cạnh quản lý tài nguyên, hiện nay để có một khối nước sạch đến với người dân, trách nhiệm quản lý về nguồn tài nguyên thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; trách nhiệm cấp nước ở khu đô thị, theo vùng trách nhiệm thuộc Bộ Xây dựng; cấp nước nông thôn thuộc trách nhiệm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; điều tiết giá là Bộ Tài chính; quy chuẩn, tiêu chuẩn về nước sinh hoạt là Bộ Y tế.
Điều này cho thấy, sự chồng chéo trong quản lý giữa các bộ, ngành đối với vấn đề này chính là một trong những nguyên nhân gây nên những bất cập hiện nay.
Cách nào thu hút doanh nghiệp đầu tư?
Theo ông Nguyễn Ngọc Điệp - Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam, thể chế chính sách vẫn còn chồng chéo, có chỗ chưa cụ thể; chính sách về đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư cho đấu thầu, chính sách cổ phần hóa, chính sách thu hút công nghệ xử lý nước sạch... chưa tạo được sức hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.
Ông Điệp cho rằng, hiện nay rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nước sạch. Trên thị trường cấp thoát nước, nhiều nhà đầu tư muốn tìm các dự án để có thể rót vốn vào. Tuy nhiên, khi nhắc đến khâu thủ tục thì nhiều nhà đầu tư tỏ ra e ngại. Bởi, để có được một dự án đầu tư vào một khu vực nhất định, phải trải qua nhiều thủ tục như thỏa thuận với chính quyền địa phương, thỏa thuận với cơ quan quản lý giá nước, ứng dụng công nghệ, thi công, đấu thầu…
Bên cạnh đó các doanh nghiệp trong ngành cấp nước hiện nay cũng có vướng mắc trong cơ chế cần phải tháo gỡ. Ví dụ, Nghị định 117 quy định về cung cấp nước sạch, ban hành từ năm 2007, nghị định này căn cứ theo Luật Tổ chức Chính phủ năm 2001 thì đến 2015, nhưng Luật này hiện đã hết hiệu lực nhưng chúng ta chưa sửa kịp Nghị định 117.
“Tôi rất lạc quan với năng lực của người Việt Nam trong lĩnh vực cấp thoát nước. Đội ngũ cán bộ trong ngành hoàn toàn có đủ trình độ để cấp thoát nước cho người dân.Vấn đề là cần tạo một sân chơi bình đẳng, hợp lý, khoa học có như vậy mới có thể thu hút được nhiều nhà đầu tư vào ngành nước”- ông Điệp nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, theo ông Nguyễn Quang Đồng, các doanh nghiệp còn gặp khó do cấu trúc thị trường cung cấp nước sạch chưa rõ ràng, rành mạch, dẫn đến việc đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp đầu tư còn đang hạn chế.
Ông Đồng lấy ví dụ, có doanh nghiệp phản ánh, khi đã đầu tư rồi thì tỷ lệ thoát nước, cấp nước vào hệ thống thường không đạt được ngưỡng kỳ vọng; hay vấn đề về mặt giá cả cũng chưa được hạch toán đúng, tiến độ hạch toán tại doanh nghiệp chưa được đảm bảo… dẫn đến thị trường nước sạch, dù vẫn được đánh giá là thị trường tương đối hấp dẫn, có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm vào đầu tư nhưng thực tế tỷ lệ đầu tư không cao. Ngay cả tại Hà Nội, có dự án rất lớn là dự án nhà máy nước Sông Hồng đã khởi công từ lâu nhưng đến nay vẫn gặp khó khăn chưa thể triển khai tiếp, dẫn đến tình trạng người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vẫn còn thiếu nước sạch.