Người lao động 'khát' nhà ở

THANH GIANG 08/07/2022 06:00

Ngày 7/7, ngày làm việc thứ hai kỳ họp thứ 6 HĐND TP HCM, nhiệm kỳ 2021 – 2026 diễn ra phiên chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng thành phố. Tại đây, nhiều đại biểu thắc mắc về việc phát triển nhà ở xã hội, lý do nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố phát triển không đạt mục tiêu đề ra, rất nhiều người muốn mua nhà ở vừa túi tiền nhưng không được.

TP Hồ Chí Minh thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội không đạt mục tiêu đề ra

Nhiều đại biểu thắc mắc, tại sao thủ tục đầu tư nhà ở xã hội lại khó hơn nhà ở thương mại. Doanh nghiệp ngại đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội nên nguồn cung phân khúc này bị thiếu. Thu hút nguồn lực xã hội hóa để phát triển nhà ở xã hội hiện nay như thế nào? Liên quan đến nhà ở cho người thu nhập thấp ở TP HCM, đại biểu Lê Thị Kim Thúy – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM quan ngại, nhà lưu trú cho công nhân chỉ đáp ứng được 10% so với nhu cầu thực tế. Đến năm 2025, số nhà đạt chuẩn cho công nhân được lưu trú và được thuê tăng bao nhiêu phần trăm?

Về vấn đề này, một số đại biểu cho rằng, nhu cầu thuê nhà ở của công nhân, người lao động tại TP HCM rất cao. Thế nhưng, nhà ở xã hội chỉ đạt 69%. Vậy giải pháp có nhà ở cho người lao động trong thời gian sắp tới là như thế nào?

Thông tin về nhà ở của thành phố, ông Trần Hoàng Quân – Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM khẳng định, chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016 – 2020 của thành phố đã vượt các chỉ tiêu về diện tích nhà ở bình quân đầu người mà thành phố đề ra. Riêng nhà ở xã hội không đạt chỉ tiêu đề ra, chỉ đạt 69%, tương đương 15.000 căn.

Theo UBND TP HCM, trong 5 năm (2016-2020) dân số toàn thành phố tăng thêm 983.406 người, diện tích nhà ở bình quân đầu người vẫn tăng từ 16,7 m2/người lên 20,8 m2/người. Tuy nhiên, nhà ở xã hội của thành phố lại không đạt kế hoạch đề ra.

Cụ thể, diện tích nhà ở xã hội tăng thêm giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt 1.231.949, trong khi mục tiêu đề ra là 1.780.000 m2. UBND TP HCM cho rằng, nguyên nhân phân khúc nhà ở xã hội chưa đạt được mục tiêu phát triển là do chưa thu hút được các nhà đầu tư. Việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội có lợi nhuận thấp, thủ tục thực hiện dự án kéo dài, vì vậy các doanh nghiệp ít lựa chọn phát triển nhà ở xã hội.

Cũng theo ông Quân, qua rà soát TP HCM có khoảng 33 dự án nhà ở xã hội, nếu xây dựng xong sẽ có khoảng 70.000 căn nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội hiện nay không chỉ bán mà còn cho thuê. TP HCM đề xuất có 20% nhà ở xã hội để cho thuê.

Về nhà lưu trú công nhân, Chính phủ đã cho thành phố sử dụng đất thương mại dịch vụ trong khu công nghiệp, khu chế xuất để xây nhà lưu trú cho công nhân.

Tháo điểm nghẽn

Đề cập đến kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của thành phố trong thời gian tới, ông Quân cho hay, thành phố đặt mục tiêu giai đoạn 2021 – 2025 phát triển 50 triệu m2 sàn nhà ở. Trong đó, nhà ở thương mại là 15,5 triệu m2, nhà ở riêng lẻ 31,9 triệu m2, nhà ở xã hội 2,5 triệu m2.

So với nhiệm kỳ 2016 – 2020 thì mục tiêu của nhà ở xã hội giai đoạn 2021 – 2025 cao hơn 2,3 lần. Dự kiến, TP HCM sẽ xây dựng 35.000 căn nhà ở xã hội trong nhiệm kỳ này.

Trong dự thảo chương trình phát triển nhà ở TP HCM giai đoạn 2021 – 2030, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, thành phố dự kiến đến năm 2025 phát triển 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 35.000 căn. Giai đoạn 2026 – 2030 phát triển 4,08 triệu m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 58.000 căn. Theo bà Thắng, về vốn ngân sách phát triển nhà ở xã hội dự kiến khoảng 3.770 tỷ đồng cho giai đoạn 2021 – 2015 và 8.640 tỷ đồng cho giai đoạn 2026 – 2030.

Để phát triển hiệu quả nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu người lao động tại TP HCM, lãnh đạo Sở Xây dựng cho rằng, cần nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó, phải sắp xếp lại quỹ nhà đất do nhà nước trực tiếp quản lý đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư triển khai nhà ở xã hội.

Song song đó, thực hiện rà soát lại các quỹ đất lớn để xây nhà ở xã hội. Về nguồn vốn, thành phố nghiên cứu bố chí ngân sách để cùng doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội. Trong đó, vốn ngân sách chỉ chiếm 6%, còn lại là vốn của doanh nghiệp.

Ngoài những vấn đề trên, thành phố đang hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục nhằm đẩy mạnh phát triển dự án. Theo đó, thực hiện cải cách hành chính trong xây dựng nhà ở xã hội.

Cụ thể, sẽ thực hiện rút ngắn thủ tục, rút ngắn thời gian. Đối với các dự án có nguồn gốc đất từ doanh nghiệp giảm thời gian thực hiện thủ tục từ 345 ngày xuống còn 153 ngày. Với đất có nguồn gốc do nhà nước quản lý rút ngắn từ 540 ngày còn 300 ngày.

Theo Sở Xây dựng TP HCM, qua rà soát, thành phố ghi nhận, thành phố có khoảng 600.000 phòng trọ với 60.000 chủ nhà trọ. Trong đó, có 40% nhà trọ ở trong các khu dân cư, nhà ở chia phòng. 600.000 phòng trọ này giải quyết cho khoảng 1,8 triệu người thuê nhà là công nhân, người lao động.

THANH GIANG