Vẫn khó xử lý chất thải rắn
Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, năm 2021, tổng khối lượng chất thải rắn (CTR) phát sinh tại 45/63 tỉnh, thành phố là khoảng 51.586 tấn/ngày (trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 31.381 tấn/ngày và khu vực nông thôn khoảng 21.667 tấn/ngày).
Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có khối lượng chất thải rắn sinh hoạt lớn nhất (tương ứng là 6.149 tấn/ngày và 8.900 tấn/ngày). Ước tính, lượng CTR sinh hoạt phát sinh tăng 10-16% mỗi năm, tại các đô thị, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở mức cao, khoảng 96,28%, ví dụ Hà Nội (98,79%), TPHCM (gần 100%).
Tuy nhiên, phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp (khoảng 71% CTR sinh hoạt thu gom được). Theo thống kê, 88% trong tổng số 697 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. 9% trong tổng số 290 khu công nghiệp đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đề cập đến thực trạng xử lý rác thải rắn hiện nay tại tọa đàm “Mô hình hợp tác công tư trong xây dựng và vận hành các nhà máy xử lý nước thải và chất thải rắn tại Việt Nam”, do Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức mới đây, ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đã chỉ ra những thách thức, khó khăn. Theo đó, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được tình hình thực tế. Giá dịch vụ xử lý nước thải, chất thải rắn còn thấp (trung bình suất đầu tư xử lý nước thải công nghiệp là 20.000.000 - 30.000.000 VNĐ/m3), trong khi chi phí vận hành, bảo dưỡng hệ thống xử lý yêu cầu kinh phí cao, liên tục. Đặc biệt, cơ chế huy động nguồn lực từ tư nhân vẫn chưa phát huy hiệu quả, thiếu các cam kết, hỗ trợ cụ thể để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng và an toàn cho nhà đầu tư… Công nghệ xử lý CTR sinh hoạt nhập khẩu một số loại còn chưa phù hợp với thực tế.
Còn theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, chỉ tính riêng trong lĩnh vực xử lý nước thải, việc tăng chỉ tiêu từ 15% lên 70% trong vòng 10 năm tới cần nguồn đầu tư từ 10-20 tỷ USD. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, ông Lộc cho rằng, cần tìm hiểu giải pháp kỹ thuật, công nghệ, đồng thời nâng cao vai trò cộng đồng, thực hiện xã hội hóa nhằm phát huy mọi nguồn lực tham gia quản lý nước thải và CTR ngày càng tốt hơn.
“Tuy nhiên, trong thời gian trước đây, việc triển khai hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực xử lý nước thải, chất thải rắn chưa có nhiều, có một số dự án thực hiện theo mô hình BT (xây dựng - chuyển giao) chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế”- ông Lộc cho biết.
Chung quan điểm, ông Đoàn Tiến Giang - chuyên gia về hợp tác công tư của Dự án AEO - Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa kỳ (USAID) chỉ ra thực tế, hợp tác công tư là một trong những giải pháp phổ biến mà nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng để giải quyết vấn đề nước thải và chất thải rắn. “Khu vực tư nhân có thể tham gia vào tất cả các bước trong chuỗi giá trị của lĩnh vực xử lý chất thải rắn, từ việc thu gom, phân loại, lấp hoặc ủ phân hay cao hơn là tái chế, sản xuất năng lượng tái tạo” - ông Giang nói.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư công tư trong lĩnh vực xử lý nước thải và CTR cũng đang được kỳ vọng có những đột phá mới khi Chính phủ đã giao cho các bộ chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết các nội dung trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP thuộc phạm vi quản lý của bộ, ngành mình trong quý II/2022.