Suy ngẫm của một giáo viên 30 năm trong nghề qua chuyện ‘trúng tủ’ môn Văn
Thầy Bạch Lê Quang (nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Phan Đăng Lưu, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện “trúng” đề thi môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Theo đó, ngày 8/7, trên trang Facebook cá nhân của mình, thầy Bạch Lê Quang (người đã có hơn 30 năm giảng dạy môn Ngữ văn tại Trường THPT Phan Đăng Lưu) đã có bài viết với tiêu đề “Từ câu chuyện trúng đề thi môn văn tốt nghiệp THPT nghĩ về sự nghèo nàn của chương trình Ngữ văn lớp 12 ở góc độ trích giảng tác phẩm”.
Trong phần dẫn nhập cho bài viết của mình, thầy Quang viết: “Mấy ngày qua, sĩ tử, kể cả một số người giảng dạy bộ môn Ngữ Văn xôn xao về việc “trúng tủ” đề thi (Câu nghị luận văn học với tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" của Nguyễn Minh Châu). Thậm chí, xác suất chính xác đến nỗi có dư luận bàn tán về việc có hay không việc lộ đề thi, tính bảo mật của quy trình...”.
Qua đó, với hơn 30 năm là người giảng dạy môn Ngữ văn tại trường Phan Đăng Lưu, thầy Bạch Lê Quang đưa ra nhìn nhận của bản thân về sự việc trên từ cấu trúc trích giảng, chọn lọc tác phẩm của sách giáo khoa lớp 12 nói riêng.
“Cảm nhận và nhìn nhận duy nhất của tôi về định hướng, quan điểm trong cách tuyển chọn tác phẩm của những người biên soạn sách từ trước đến nay chỉ ở một từ, một từ gần như duy nhất, đó là sự NGHÈO NÀN - một sự nghèo nàn đến mức đã biến thành nỗi nhàm chán, thui chột cảm xúc, sự sáng tạo cho cả người dạy, người học, kế cả... người ra đề.
Tới lui, lui tới, học kỳ một là mấy bài thơ như Việt Bắc, Tây Tiến, Sóng... Học kỳ hai, là mấy truyện ngắn như Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ, Chiếc thuyền ngoài xa...”, dẫn từ bài viết của thầy Bạch Lê Quang trên trang Facebook cá nhân của mình.
Cũng trong bài viết của mình, thầy Bạch Lê Quang cho rằng, với một đơn vị kiến thức quá hẹp, đơn giản như vậy khiến việc “đoán đề”, “học tủ”, “dạy tủ” … là hoàn toàn có thể và “dễ như lấy đồ trong túi của mình”.
Theo đó, thầy Quang viết: “Năm trước ra thơ năm sau ra văn xuôi, năm nay ra tác phẩm này thì năm sau không ra lại, trong đó, có một tác phẩm đã chọn để ra đề thi minh họa, ba tác phẩm không bao giờ được đề cập trong đề thi vì không trùng khớp với chương trình giáo dục phổ thông với giáo dục thường xuyên, dạy nghề như Đàn Ghi ta của Lorca, Những đứa con trong gia đình...”.
Ngoài việc “học tủ”, “dạy tủ”, “đoán đề”…, thầy Quang cũng cho rằng, kiến thức đơn giản trong chương trình sách giáo khoa môn Ngữ văn như đã nói còn gây ra sự nhàm chán, thủ tiêu cảm hứng, sáng tạo trong việc dạy và học bộ môn này.
“Với suy nghĩ trên, một lần nữa, với tất cả tâm huyết của một người đã đứng khá lâu trên bục giảng, trước hết, xin chia sẻ với sĩ tử mọi miền về niềm vui giao thoa giữa việc học tập và đề thi văn vừa rồi.
Đồng thời, qua niềm vui của các em cũng vô cùng thân ái bày tỏ nỗi buồn pha lẫn ít nhiều xót xa, day dứt về sự nghèo nàn như đã nói ở trên của sách giáo khoa môn văn nói riêng với những người đã và đang biên soạn loại sách được coi là “quốc thư” này”, thầy Quang kết thúc cho bài viết của mình.
Bài viết nói trên của thầy Bạch Lê Quang sau đó đã nhận được nhiều sự quan tâm của hàng trăm người. Trong đó, có nhiều ý kiến tỏ ra đồng tình với cảm nhận, suy nghĩ của thầy Quang.
Cụ thể, tài khoản Facebook Nguyen Thanh Lam bình luận: “Nhận định quá tuyệt vời luôn”; “Hay lắm thầy! Em hoàn toàn đồng ý”, dẫn ý kiến của tài khoản Facebook Tâm Thanh; tài khoản Xuan An Phan Thi thể hiện ý kiến: “Dạ thầy, nhận xét rất đúng ạ. Đề ra rất dở và nghèo nàn, thui chột sự sáng tạo, suy nghĩ của người học. Cho dù tác phẩm có hay đến đâu mà nhai đi nhai lại mãi vẫn chán” ...
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết về vấn đề này, TS Chu Đình Kiên, giảng viên khoa Sư phạm, Trường CĐSP Thừa Thiên - Huế chia sẻ, về ưu điểm, đề thi môn Ngữ văn trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 bám sát với nội dung ôn tập trong chương trình Ngữ văn 12, thể hiện đúng tinh thần của đề thi minh họa trước đó do Bộ GD&ĐT ban hành.
Tuy nhiên, với cấu trúc, nội dung của đề thi năm nay thì khá cũ, hơi nhàm chán, còn luẩn quẩn và khá khô cứng… có thể gọi là bắt đầu lạc hậu. Đến nay, cấu trúc đề thi này đã giữ nguyên hơn 5, 6 năm, vì vậy cả giáo viên lẫn học sinh không hứng thú.
So với các đề thi Ngữ văn một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới (như trường hợp của Trung Quốc) thì đề thi Ngữ văn THPT năm 2022 của chúng ta đang còn khá cũ.
“Chúng tôi, với tư cách của một nhà giáo giảng dạy chương trình này, hi vọng “tư lệnh ngành” sẽ có những quyết sách đổi mới thực sự để giúp bộ môn này có thể phát huy hết sức mạnh của bộ môn trong những năm tới”, thầy Kiên đề đạt nguyện vọng.