Khi Chủ tịch tỉnh đối thoại với thanh niên
Hỗ trợ và đồng hành với người trẻ khởi nghiệp vươn lên làm giàu - lần đầu tiên, Chủ tịch tỉnh Yên Bái đối thoại với thanh niên về các mô hình kinh tế tập thể, ý tưởng khởi nghiệp, hỗ trợ nguồn lực...
Tỉnh Yên Bái vừa tổ chức hội nghị Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại với thanh với chủ đề: "Thanh niên phát triển kinh tế - xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp”.
Cởi mở và thẳng thắn, với gần 20/40 câu hỏi, những người trẻ thắc mắc 10 nhóm vấn đề: Công tác cán bộ, đào tạo nghề và việc làm; khởi nghiệp, lập nghiệp; chế độ, chính sách; nguồn vốn vay; khoa học công nghệ, thông tin, an ninh mạng…
Sát thực tế, thể hiện rõ tâm tư, nguyện vọng của thế hệ trẻ, nhiều vấn đề tác động trực tiếp đến thanh niên hiện nay, đặc biệt là phát huy vai trò của thanh niên, đã được ông Trần Huy Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cùng nhiều lãnh đạo tỉnh trả lời cụ thể, thỏa đáng.
Lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với các bạn trẻ, ông Trần Huy Tuấn nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực: Phát triển kinh tế - xã hội, khởi nghiệp, lập nghiệp; phát triển thanh niên; phong trào thanh niên và phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin chuyển đổi số.
Ông Tuấn yêu cầu tất cả cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, giáo dục và phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của thế hệ trẻ, tạo điều kiện cho người trẻ học tập, phấn đấu.
Chủ tịch tỉnh đặc biệt nhấn mạnh việc phát triển và nâng cao nguồn nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn, đồng bào thiểu số mà vẫn phát huy giá trị, bản sắc, ý chí tự lực, khát vọng vươn lên của thế hệ trẻ Yên Bái ngày nay, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương đáp ứng sự nghiệp đổi mới.
Yên Bái hiện có trên 185.000 thanh niên, trong đó số trực tiếp lao động, sản xuất chiếm 76%. Tạo điều kiện giúp đoàn viên thanh niên (ĐVTN) có động lực làm kinh tế, Tỉnh đoàn Yên Bái đã triển khai nhiều chương trình, hành động thiết thực giúp ĐVTN tự tin lập thân, lập nghiệp.
Nửa đầu năm nay, tuổi trẻ Yên Bái có thêm 10 mô hình kinh tế tập thể và nhiều mô hình du lịch văn hóa cộng đồng do thanh niên làm chủ tại TP Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, và các huyện Văn Yên, Yên Bình, Mù Cang Chải.
Tỉnh đoàn đã phát động cuộc thi "Ý tưởng, khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên tỉnh Yên Bái lần thứ II năm 2022”, đến nay đã nhận được 43 ý tưởng tham gia.
Tỉnh đoàn cũng đã tổ chức 3 lớp tập huấn về kinh tế tập thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, khởi sự kinh doanh; tổ chức tập huấn phát triển mô hình kinh tế tập thể cho hơn 200 ĐVTN tại huyện Mù Cang Chải, TX Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình; phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 16 hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp tại các trường THPT cho 6.470 học sinh, qua đó giúp các em lựa chọn ngành, nghề, việc làm phù hợp trong tương lai.
Các cấp bộ Đoàn trong tỉnh còn phối hợp tốt với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân vốn vay cho thanh niên với tổng dư nợ trên 713 tỷ đồng.
Toàn tỉnh xây dựng được 1.080 mô hình thanh niên phát triển kinh tế; thành lập được 317 tổ hợp tác, 41 hợp tác xã và 37 doanh nghiệp do thanh niên làm chủ. Yên Bái phấn đấu đến năm 2030 có 80% thanh niên được tư vấn hướng nghiệp và việc làm, 60% thanh niên được đào tạo nghề.
Hàng năm ít nhất có 14.000 -15.000 thanh niên được hỗ trợ giải quyết việc làm, 30% số ý tưởng, dự án khởi nghiệp của thanh niên là học sinh, sinh viên được kết nối với doanh nghiệp, được nhận hỗ trợ đầu tư từ nguồn kinh phí phù hợp, 100% học sinh, sinh viên được giáo dục hướng nghiệp...
Nữ đoàn viên Nguyễn Thị Phương (huyện Trấn Yên) băn khoăn về giải pháp thời gian tới khi mà năm 2021 tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, đến nay số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận được với chính sách là chưa cao.
Chủ tịch Trần Huy Tuấn bày tỏ tôn trọng câu hỏi này và cho biết, nhiều nghị quyết, chính sách đã ban hành cho giai đoạn này nhằm thúc đẩy mạnh hơn phát triển kinh tế. Các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã rất kịp thời, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác... góp phần tích cực, tạo động lực thúc đẩy các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh phát triển một cách bền vững.
Tuy nhiên, đến nay số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác tiếp cận được với chính sách chưa cao. Yên Bái đang đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế. Tỉnh rất lưu ý lồng ghép tuyên truyền những chính sách thông qua các hội nghị, hội thảo, tọa đàm…
Ông cho biết sẽ giao nhiệm vụ cụ thể cho cấp ủy, chính quyền địa phương rà soát các doanh nghiệp, hợp tác xã được hưởng lợi từ khi HĐND tỉnh ban hành các Nghị quyết.
Chủ tịch cũng khẳng định chỉ đạo sát sao, định kỳ việc rà soát, đánh giá tình hình, tổng hợp nhu cầu thụ hưởng chính sách cũng như khả năng đáp ứng điều kiện hỗ trợ của các đơn vị, để kịp thời tư vấn, hỗ trợ hiệu quả nhất, phù hợp nhu cầu sản xuất kinh doanh, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các đơn vị trong thời gian tới.
Một loạt giải pháp khác, như giao việc cho Liên minh Hợp tác xã đẩy mạnh tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ; kịp thời đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp; đầu tư đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý và tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu…
Một câu hỏi thể hiện trăn trở về tiềm năng thổ nhưỡng Yên Bái chưa được phát huy, bạn Hoàng Đăng Khoa (huyện Lục Yên) mong muốn nhận được sự định hướng cụ thể về loại cây trồng phù hợp để nâng cao thu nhập. Trả lời câu hỏi, Chủ tịch tỉnh nhắc lại Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh.
Đề án đã xác định cụ thể các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực, đặc sản như cây lúa chất lượng cao Chiêm Hương, Séng Cù, nếp Tú Lệ, cây sắn, cây chè, trồng dâu nuôi tằm, các loại cây ăn quả, đặc biệt là cây ăn quả có múi (bưởi, cam quýt), cây dược liệu, cây lâm nghiệp như quế, Sơn tra, măng tre Bát độ, trồng rừng gỗ lớn…
Chủ tịch tỉnh mong các bạn trẻ cần tìm hiểu, tiếp cận Đề án để nắm bắt những định hướng cho các loại cây trồng chủ lực để lựa chọn các loại cây trồng cho phù hợp với mô hình của mình.
Hội nghị diễn ra với một "rừng" câu hỏi và những đề xuất của bạn trẻ Yên Bái về mạng xã hội, công tác tuyển dụng và luân chuyển cán bộ đoàn cấp huyện, đầu ra sản phẩm nông sản, vay vốn ưu đãi, kinh phí hoạt động Đoàn, cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp các trường cao đẳng, thực hiện nghĩa vụ quân sự... Tất cả đều được các lãnh đạo sở, ban, ngành Yên Bái trả lời thấu đáo, rõ ràng.
Thậm chí Chủ tịch tỉnh Yên Bái còn chủ động thông tin, gợi ý thêm nhiều phần việc, mô hình hay hiện đang được nhiều thanh niên toàn quốc áp dụng hiệu quả. Ông cũng lưu ý việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong giới trẻ là quan trọng với những nét đẹp văn hóa dân tộc Thái, Mông của Yên Bái.
Trăn trở nhất có lẽ câu hỏi về chức danh Phó Bí thư Đoàn phường, xã, thị trấn đang được hỗ trợ phụ cấp trách nhiệm là 1.490.000 đồng (tương đương mức lương cơ bản) - không đủ trang trải cuộc sống, trong khi nếu đi làm công nhân thì mức lương dao động từ 4 đến 6 triệu đồng.
Ông Trần Huy Tuấn thể hiện sự đồng cảm, chia sẻ khó khăn này và cho biết mức chi chế độ phụ cấp, bồi dưỡng cho cán bộ không chuyên trách xã của tỉnh thực hiện theo đúng các quy định của HĐND tỉnh Yên Bái.
Yên Bái là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nguồn lực địa phương chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương cấp hỗ trợ, nhưng Yên Bái luôn quan tâm, cân đối bố trí nguồn lực rất lớn từ ngân sách địa phương (48,6 tỷ đồng) để chi trả phụ cấp và mức bồi dưỡng thêm cho cán bộ không chuyên trách ở cấp xã, và đã chi bồi dưỡng thêm cho cán bộ ở xã là khoảng 36 lần mức lương cơ sở/xã/năm.
Theo chị Đoàn Thị Thanh Tâm, Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái, hội nghị đối thoại của Chủ tịch tỉnh có ý nghĩa rất lớn đối thanh niên Yên Bái. Đây là dịp các đoàn viên thanh niên bày tỏ trực tiếp những băn khoăn, đề xuất với Chủ tịch tỉnh và các sở, ban, ngành.
"Hội nghị đã làm rõ nhiều vấn đề đặt ra cho người trẻ Yên Bái hiện nay, nhất là giúp thanh niên hiểu rõ chính sách, lợi thế của phương, tiếp thêm động lực phát triển kinh tế. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nhất là Chủ tịch UBND tỉnh, đã thực sự thể hiện sự đồng hành, tiếp sức cùng thanh niên chúng tôi trên con đường khát vọng vươn lên lập nghiệp, làm kinh tế, nhìn thấy con đường tương lai phù hợp nhất", Bí thư Tỉnh đoàn Yên Bái nói.