Gương sáng Quan Ngọc Hoàng

An Hà 09/07/2022 07:57

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm vừa có thư khen chiến sĩ nghĩa vụ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Tuyên Quang về hành động dũng cảm giải cứu kịp thời 105 em học sinh khỏi vùng nước lũ. Trong thư có đoạn: đó là hành động "hết sức dũng cảm, không sợ hiểm nguy, gian khổ, kịp thời giải cứu các em học sinh THPT Lâm Bình, thể hiện tinh thần trách nhiệm với nhân dân, để lại hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an trong lòng nhân dân".

Trước đó, ngày 29/6, trên địa bàn huyện Lâm Bình (tỉnh Tuyên Quang) xảy ra mưa lớn. Trong thời gian ngắn, lượng mưa lên đến 187 mm làm sạt lở đất đá nhiều tuyến đường. Trường THPT Lâm Bình (thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình) là một trong những nơi bị ngập sâu nhất, có nơi ngập hơn 2 mét do ở vị trí thấp, nằm gần bờ suối. Khi nước ngập, trong ký túc xá của trường có nhiều học sinh ở nội trú bị cô lập, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng nếu không ứng cứu kịp thời.

Khoảng 3 giờ sáng cùng ngày, nhận được tin của một em học sinh tại khu ký túc xá Trường THPT Lâm Bình, mặc dù trong thời gian nghỉ phép, binh nhì Quan Ngọc Hoàng đã băng qua nhiều khu vực sạt lở, bơi qua dòng nước chảy xiết, khẩn trương tiếp cận hiện trường. Bằng kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng được huấn luyện chuyên nghiệp của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cùng lực lượng tại chỗ, anh Hoàng đã kịp thời đưa 105 em học sinh đến nơi an toàn.

Tinh thần dũng cảm, không ngại hiểm nguy để cứu người trong cơn hoạn nạn của anh Quan Ngọc Hoàng hết sức đáng trân trọng. Nước ngập trong đêm tối, 3 giờ sáng, khu vực bị cô lập lại gần suối, có nghĩa là tình huống hiểm nghèo. Nhưng anh Hoàng vẫn không quản nguy nan cùng mọi người cứu được tới 105 em học sinh thì đó chính là hành động phi thường.

Bóng tối dày đặc, nước lũ gào thét, các em học sinh tuổi còn nhỏ nên hoảng loạn, việc cứu giúp thành công thật vô cùng đặc biệt. Cùng với những tấm gương dũng cảm quên mình cứu người, thì tấm gương sáng mang tên Quan Ngọc Hoàng cần được nhân rộng, vì đó là những điều tốt đẹp, những điều cao cả trong cuộc sống của chúng ta.

Cũng từ câu chuyện này, một việc rất cần lưu ý đối với khu vực miền núi nói chung, các trường học miền núi nói riêng. Đó là tình trạng hiểm nguy bất ngờ ập đến trong mùa bão lũ, nhất là với những trận mưa lớn kéo dài đến từ hoàn lưu bão.

Nhiều năm qua, miền núi phía Bắc, nhiều địa phương Tây Nguyên vào mùa mưa bão lại bị bão lũ tấn công, sạt lở, cuốn trôi và vùi lấp hoa màu, tài sản của người dân; không ít người mất tích, thiệt mạng do mưa bão, lũ lụt.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thảm họa thiên tai là do nhà cửa của dân, trường học... xây dựng gần suối, hoặc trong vùng đất dễ sạt lở. Ở miền núi, khi mưa to, chỉ trong một thời gian ngắn đã hình thành những trận lũ, kể cả lũ ống, lũ quét. Nước các dòng suối, dòng sông bất ngờ dâng cao, tràn bờ. Những công trình xây dựng gần nguồn nước tự nhiên sẽ là mục tiêu tấn công, tàn phá của những trận lũ.

Thực tế cho thấy nhiều vụ tai nạn thương tâm trong mùa lũ là do nhà dân ở gần sông suối, hoặc trong vùng đất yếu ẩn chứa nguy cơ sạt lở khi đất ngậm nước, mất liên kết.

Chính vì thế, để ngăn chặn tới mức thấp nhất thảm họa trong mùa mưa bão đối với khu vực miền núi thì cần phải di dời các công trình xây dựng gần sông, suối và vùng đất yếu đến nơi cao ráo và an toàn. Công việc này những năm qua đã được nhiều địa phương tiến hành nhưng vẫn không triệt để, chính vì thế mà nguy cơ vẫn không chấm dứt.

Cũng có thể do quỹ đất hạn chế, kinh phí địa phương ít; hoặc do thói quen làm nhà gần nguồn nước của người dân... đó là những lý do có thật, nhưng quan trọng hơn vẫn là phải bảo đảm an toàn cho người dân. Vì thế, chính quyền từng xã, từng huyện, từng tỉnh cần chủ động khắc phục khó khăn để lo cho dân.

Biến đổi khí hậu ngày một rõ ràng, hình thái thời tiết cực đoan ngày một nhiều hơn gây ra thảm họa. Vì thế, tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó là quan trọng hàng đầu, từ người dân cho tới chính quyền.

Kể từ đầu tháng 5 tới nay, mưa to kéo dài gây lũ lụt nghiêm trọng tại nhiều quốc gia Nam Á, Đông Nam Á, trong đó có Trung Quốc - láng giềng với Việt Nam. Vì thế, càng không được chủ quan mà cần gấp rút có giải pháp ứng phó.

An Hà