Cầu nối để gia đình liệt sĩ gửi gắm niềm tin

Tuệ Phương (thực hiện) 09/07/2022 09:08

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, Trung tướng Hoàng Thành Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam khẳng định, Hội hoạt động theo cái tâm của người lính, hoạt động theo tấm lòng của người lính, theo tiếng gọi của liệt sĩ và thân nhân gia đình liệt sĩ. Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trở thành ngôi nhà chung của thân nhân liệt sĩ, là cầu nối để các gia đình liệt sĩ gửi gắm niềm tin.

Trung tướng Hoàng Thành Hưng.

PV:Thưa ông, trong thời gian vừa qua, vai trò của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam trong các hoạt động xã hội nhằm tri ân người có công với cách mạng đã thể hiện như thế nào?
Ông Hoàng Thành Hưng: Nhìn lại chặng đường hoạt động hơn 10 năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam và các tổ chức Hội trên toàn quốc đã và đang là cánh tay nối dài, gắn kết giữa Đảng, Nhà nước với các gia đình liệt sĩ; là địa chỉ tin cậy đối với các thân nhân liệt sĩ trong việc cung cấp, kết nối thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ và thực hiện các chế độ chính sách của Đảng, Chính phủ đối với liệt sĩ, thân nhân liệt sĩ. Hội đã tham mưu, đề xuất một số chính sách phù hợp với thực tiễn như tăng trợ cấp thờ cúng, di chuyển hài cốt; vận động xã hội, hỗ trợ vật chất và tinh thần với các gia đình liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Hội cũng tích cực vận động, thực hiện xã hội hóa vào việc đền ơn, đáp nghĩa, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng, trong đó có hàng vạn liệt sĩ, hàng chục vạn thân nhân liệt sĩ. Bên cạnh có, Hội cũng tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là giới trẻ về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Có thể khẳng định những việc làm, những kết quả mà Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đạt được trên 10 năm qua đã truyền lửa, truyền tấm lòng tri ân tới toàn xã hội, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm dịu nỗi đau do chiến tranh để lại.

Trong quá trình hoạt động, khó khăn mà Hội gặp phải lớn nhất là gì, thưa ông?

- Là một tổ chức xã hội, nhiệm vụ chính là hỗ trợ gia đình liệt sĩ, song với phương châm hoạt động theo nguyên tắc tự chủ; hoạt động của Hội còn gặp nhiều khó khăn, rất cần sự chung tay của toàn xã hội cũng như sự chỉ đạo trực tiếp, sự giúp đỡ về mọi mặt của UBTƯ MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp tri ân liệt sĩ. Hiện nay, trên địa bàn toàn quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa, chủ yếu tập trung ở các khu vực Tây Bắc, Tây Nam Bộ, miền Trung và Tây Nguyên vẫn còn nhiều gia đình liệt sĩ nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhiều con em các gia đình thân nhân liệt sĩ chưa có việc làm ổn định, đảm bảo cuộc sống hàng ngày. Theo số liệu điều tra thực tế của các Hội cơ sở, hiện trên địa bàn cả nước còn khoảng 25.000 gia đình liệt sĩ đang phải sinh sống trong nhà tạm, nhà dột nát không có khả năng tự làm nhà cần có sự hỗ trợ của cộng đồng xã hội. Số liệt sĩ đã được quy tập tại các nghĩa trang chưa xác định được danh tính còn hơn 300.000 người, nơi chôn cất ban đầu của các liệt sĩ qua thời gian đã thay đổi, thông tin về các liệt sĩ ngày càng bị mai một vì các nhân chứng ít dần; hài cốt liệt sĩ bị phân hủy khó lấy mẫu ADN, dẫn đến việc thu thập thông tin tìm kiếm gặp nhiều khó khăn.

Trung tướng Hoàng Thành Hưng cùng các đồng đội đi tìm mộ liệt sĩ hy sinh tại Lào.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, Hội có những hoạt động trọng tâm như thế nào để tri ân liệt sĩ, thưa ông?

- Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh Liệt sĩ năm nay, chúng tôi sẽ tổ chức nhiều hoạt động để hưởng ứng. Trước hết là nhắn tin, tri ân các gia đình liệt sĩ. Mỗi tin nhắn trị giá 20.000 đồng. Số tiền này sẽ góp phần vào việc giám định AND, tặng nhà tình nghĩa, trả lại tên cho các liệt sĩ, di chuyển các liệt sĩ từ các nghĩa trang về đất mẹ. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức đi tặng quà tri ân tại 5 tỉnh là Đà Nẵng, Phú Thọ, Lạng Sơn, Đồng Nai, Bình Phước, mỗi tỉnh khoảng 220 triệu đồng. Số tiền này là kết quả của nhắn tin năm 2021. Hội cũng sẽ tổ chức đoàn đại biểu gồm các mẹ Việt Nam Anh hùng, thân nhân gia đình liệt sĩ và các cán bộ, hội viên trong Hội có thành tích để diện kiến Chủ tịch nước. Hội cũng tổ chức đêm sự kiện văn nghệ để tôn vinh, tri ân những nhà hảo tâm đã tài trợ cho Hội trong những năm qua và tặng quà cho một số Mẹ Việt Nam Anh hùng. Bên cạnh đó, Hội cũng sẽ cùng với Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đi Vị Xuyên (Hà Giang) để tặng 100 suất quà cho thân nhân gia đình liệt sĩ, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, không chỉ dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ mà bên cạnh đó Hội có rất nhiều hoạt động. Vậy để có thêm nguồn lực thực hiện các hoạt động đó, theo ông Hội cần có thêm sự trợ giúp như thế nào?

- Chúng tôi mong rằng MTTQ Việt Nam sẽ cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông kêu gọi toàn xã hội chung tay góp sức để chúng ta tiến hành tri ân trong dịp 75 năm này cho tốt hơn. Cụ thể, chúng tôi đã kêu gọi và kết hợp với Hội Chữ thập đỏ thông qua tổng đài 1400, mỗi một tin nhắn là 20.000 đồng. Chương trình này được phát động từ ngày 15/6 cho đến ngày 20/8. Đặc biệt, trong những năm qua, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam luôn nhận được sự ủng hộ của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, các cá nhân có tấm lòng vàng được khoảng 150 tỷ đồng. Chúng tôi cố gắng tiếp tục vận động các mạnh thường quân tài trợ cho công tác tri ân này khoảng 28 tỷ đồng thì mới đáp ứng được kế hoạch của Hội đề ra trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh liệt sĩ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chúng tôi thường xuyên, liên tục lên đường đi tìm đồng đội, theo tiếng gọi của đồng đội, nhớ đồng đội ngày xưa ở chiến trường nào thì bây giờ cố gắng đi tìm để đưa đồng đội về. Tuy nhiên, đi tìm bây giờ khó lắm. Thời gian kết thúc chiến tranh lâu rồi, nhiều việc không như trước nữa. Địa hình, địa chất thay đổi, trí nhớ kém đi, sức khỏe cũng yếu đi; nơi chôn cất ban đầu, nơi lưu trữ ban đầu cũng rất sơ sài nên bây giờ rất khó khăn. Chính vì thế, chúng tôi muốn đẩy mạnh việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ của hơn 53 vạn liệt sĩ, sớm “trả lại tên” cho các liệt sĩ càng nhiều càng tốt. Năm vừa rồi, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam đã trả lại được tên cho hơn 700 liệt sĩ. Chúng tôi đã đưa các liệt sĩ ở các nghĩa trang trên mọi miền Tổ quốc trở về quê hương được gần 1.000 liệt sĩ.

Tuệ Phương (thực hiện)