Tạo động lực phát triển mới cho đầu tàu phía Nam của cả nước

H.VÂN - TTXVN 10/07/2022 07:03

Sáng 9/7, tại TP HCM, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP.

Hội nghị được tổ chức tại hai đầu cầu TP HCM và Văn phòng Chính phủ. Cùng dự tại hai điểm cầu có Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; các chuyên gia, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận thẳng thắn, phân tích, đánh giá cụ thể những kết quả đã làm được, những tồn tại, hạn chế trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, khoa học công nghệ, kết cấu hạ tầng, quốc phòng, an ninh...; đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, điểm nghẽn, nút thắt hiện nay của vùng và nguyên nhân, bài học kinh nghiệm; xác định bối cảnh phát triển mới, những yếu tố ảnh hưởng, cơ hội và thách thức đối với sự phát triển của vùng; đề xuất những quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển vùng và phù hợp với tình hình thực tiễn.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình với báo cáo trung tâm và gần 20 ý kiến đánh giá kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm cũng như những phân tích, đề xuất của các đại biểu tại hội nghị; đồng thời gợi mở một số vấn đề nhằm phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam trong thời gian tới.

Thủ tướng khẳng định, việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 thể hiện sự quan tâm đặc biệt và là chủ trương có ý nghĩa chiến lược.

Việc thực hiện Nghị quyết 53, Kết luận 27 đã huy động các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, các mặt giáo dục - đào tạo, văn hóa, xã hội, y tế vào loại hàng đầu cả nước; bảo đảm ổn định chính trị và quốc phòng, an ninh vững chắc; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong vùng ngày càng được nâng lên; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước, là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực.

Thủ tướng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam có vai trò, vị trí, tầm quan trọng; dự địa phát triển lớn, nhưng chưa phát triển tương xứng. Nguyên nhân do thiếu quy hoạch hiện đại; tính liên kết, phối hợp trong vùng còn lỏng lẽo, chưa chặt chẽ; chưa có cơ chế điều hành toàn vùng; thiếu cơ chế huy động nguồn lực, nhất là nguồn lực ngoài nhà nước và cơ chế để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của vùng.

Theo người đứng đầu Chính phủ, trong bối cảnh, yêu cầu mới, cần có một nghị quyết mới, với chủ trương, chính sách, cơ chế mới phù hợp với tình hình để tạo ra không gian phát triển mới, động lực, xung lực, khí thế mới phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Trong đó, cần có cơ chế điều hành, tổ chức thực hiện chung, phù hợp để tạo liên kết chặt chẽ, thực chất và hiệu quả hơn; thực hiện phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn; nâng cao tính tự lực, tự cường của mỗi địa phương, đơn vị; có cơ chế thu hút mọi nguồn lực vào phát triển, trong đó đẩy mạnh cơ chế hợp tác công tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Thủ tướng nhấn mạnh, để phát triển vùng Đông Nam Bộ và vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phải thực hiện 3 đột phá chiến lược theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gồm phát triển hạ tầng, nhất là về hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu; thực hiện đột phá về thể chế, cải cách hành chính.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chủ động, cùng với các tỉnh, thành trong vùng tích cực xử lý các vướng mắc, rào cản và các vấn đề nổi lên.

“Chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước đã rất rõ; các bộ, ngành, địa phương phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức thực hiện; đồng thời kịp thời phát hiện những vướng mắc, xác định chủ thể để giải quyết; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, không nóng vội; mạnh dạn đề xuất cơ chế chính sách căn cứ thực tiễn; phát huy tính chủ động của các địa phương, song huy động sức mạnh tổng hợp của cả vùng”, Thủ tướng nhấn mạnh đồng thời cho rằng phải tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, nhất là giao thông đường bộ liên kết vùng, hạ tầng số.

Thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển nguồn nhân lực. Phát huy vai trò đầu tàu của vùng trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo đột phá trong tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của cả vùng, thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế vùng; phấn đấu trình độ, năng lực công nghệ, ứng dụng khoa học - công nghệ ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế.

Cũng theo Thủ tướng, phải phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của các cấp chính quyền. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền; phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể nhân dân các cấp nhất là ở các cơ sở; xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra việc triển khai dự án xây dựng Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và việc giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại sân bay này. Tại đây, Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, đơn vị và TP HCM phối hợp chặt chẽ, khẩn trương giải quyết các vướng mắc kể trên và những phát sinh nếu có; góp phần giải quyết tình trạng ách tắc, quá tải tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, tránh bức xúc cho nhân dân, nhất là sau đại dịch Covid-19 các hoạt động giao thương sẽ trở lại và tăng lên.

H.VÂN - TTXVN