Gặp lại ‘Bộ tứ danh họa’
Trong số rất nhiều triển lãm mỹ thuật được mở cửa thời “hậu Covid”, công chúng yêu hội họa đang chờ đợi triển lãm “Hồn xưa bến lạ”. Mà ngay cả một số người trong giới mỹ thuật cũng chờ đợi triển lãm này. Vì sao vậy?
Là bởi, triển lãm “Hồn xưa bến lạ” giới thiệu hơn 50 bức tranh của “Bộ tứ danh họa” người Việt là Lê Thị Lựu (1911 - 1988), Lê Phổ (1907 - 2001), Mai Trung Thứ (1906 - 1980), và Vũ Cao Đàm (1908 - 2000). Đó là những họa sĩ tốt nghiệp các khóa đầu của Trường Mỹ thuật Đông Dương (École des Beaux- Arts de l’Indochine - EBAI).
Điều đặc biệt hơn, triển nãy này được nhà triển lãm danh tiếng Sotheby’s (Hồng Kông - Trung Quốc) đưa tới triển lãm tại Việt Nam.
Triển lãm mang tên Timeless Souls: Beyond the Voyage (Hồn xưa bến lạ) diễn ra từ ngày 11-13/7 tại khách sạn Park Hyatt Saigon (Quận 1, TP HCM) với mong muốn tạo nền tảng để quảng bá văn hóa nghệ thuật Việt Nam thông qua lăng kính của những nghệ sĩ tài danh vào hàng bậc nhất thế giới.
Đây là triển lãm đầu tiên tại Việt Nam do một nhà đấu giá kiêm bảo trợ nghệ thuật quốc tế tổ chức. Đây cùng là một trong những triển lãm tranh Đông Dương với quy mô lớn nhất tại quê hương của những danh họa.
“Hồn xưa bến lạ” được đánh giá là một trong những triển lãm của tứ kiệt Đông Dương lớn nhất tại Việt Nam về cả giá trị và số lượng, quy tụ những tác phẩm trải dài theo sự nghiệp của mỗi họa sĩ.
Như chúng ta đã biết, mỹ thuật Việt thời gian gần đây xôn xao nhiều chuyện tranh giả. Tranh giả đã tấn công không chỉ thị trường trong nước mà xuất hiện trên các sàn đấu giá quốc tế. Người ta làm giả rất nhiều tranh của những tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam, trong đó có một số họa sĩ thời Đông Dương. Những cuộc đấu giá tranh giả đã làm xấu xí hình ảnh của mỹ thuật Việt Nam trong mắt giới sưu tập chân chính.
Thế nhưng, mạch ngầm của mỹ thuật Việt vẫn tiềm tàng và mạnh mẽ. Những họa sĩ tài danh vẫn làm sáng nền mỹ thuật Việt với những tác phẩm vượt thời gian. Và bởi lý do đó, với cuộc triển lãm “Hồn xưa bến lạ” lần này, công chúng cũng như giới yêu hội họa Việt Nam có cơ hội tận mắt chiêm ngưỡng những tác phẩm lâu nay vốn nằm trong các bộ sưu tập danh giá. Đây cũng chính là dịp để những nhà sưu tập thế giới nhìn nhận lại những họa sĩ lớn, những tác phẩm chất lượng của mỹ thuật Việt.
Đáng chú ý, trong hành trình tìm về những “hồn xưa bến lạ” này, có sự tham gia của một nhà nghiên cứu mỹ thuật người Việt. Đó là Ace Lê - Giám đốc Sáng lập của Lân Tinh Foundation và là Tổng Biên tập tạp chí Art Republik Việt Nam. Anh tốt nghiệp khóa Thạc sĩ về Nghiên cứu Bảo tàng và Thực hành Giám tuyển, và khóa Thạc sĩ về Báo chí và Truyền thông tại Nanyang Technological University, đồng thời tốt nghiệp Cử nhân Quản trị Kinh doanh tại National University of Singapore.
Dù còn khá trẻ, nhưng tiếng nói của Ace Lê trong thời gian qua tại nhiều sự kiện, hoạt động mỹ thuật, cho thấy đó là một tiếng nói “đáng tin cậy”. Ace Lê cũng là một trong những người có nhiều phát hiện để tố giác các hành vi làm tranh giả khi đưa ra những bằng chứng, câu chuyện “rất đắt giá” vạch trần những cuộc đấu giá tranh giả làm xấu xí mỹ thuật Việt trên một số sàn đấu giá quốc tế thời gian gần đây. Ace Lê được lựa chọn tham gia tổ chức triển lãm này với vai trò đồng giám tuyển. Điều này nhằm thúc đẩy đối thoại văn hóa giữa nghệ sĩ và cộng đồng địa phương.
Theo các nhà tổ chức, nghệ thuật Việt Nam đang đặc biệt thu hút sự quan tâm từ giới mộ nghệ toàn cầu. Sau khi phá kỷ lục giá mới nhất cho Lê Phổ tại phiên đấu mùa Xuân vừa rồi tại Hồng Kông - Trung Quốc, hiện tại Sotheby’s đang nắm giữ cả ba kỷ lục về giá cao nhất cho tranh Việt, và triển lãm này sẽ tiếp tục minh họa cho vị thế lãnh đạo thị trường của Sotheby’s cũng như quyết tâm kết nối cộng đồng nhà sưu tập trong khu vực.
Giám tuyển Ace Lê nhìn nhận, triển lãm “Hồn xưa bến lạ” là một sự kiện để mở rộng sự tiếp cận tới công chúng cho các tác phẩm nghệ thuật giai đoạn Đông Dương, nhất là trong bối cảnh giá tranh Đông Dương tăng phi mã và tình trạng thẩm định tranh còn nhiều tồn tại, cần tham vấn của các học giả người Việt. Vị giám tuyển này đánh giá, đây sẽ là một bước tiến tích cực trên con đường xây dựng một thị trường tranh Việt minh bạch, uy tín.
“Tôi rất mừng khi nhà Sotheby’s đã đồng ý bảo trợ cho dự án và biến nó thành một triển lãm phi thương mại, mở rộng cho tất cả mọi người, Ace Lê nói, đồng thời đánh giá: “Sự kiện này là một cột mốc ý nghĩa với cộng đồng nghệ thuật Việt Nam xét theo nhiều khía cạnh. Tôi hân hạnh khi được ủy thác bởi Sotheby’s, một đơn vị dẫn đầu thị trường. Họ đã chứng tỏ được niềm đam mê và sự tôn trọng với di sản văn hóa nghệ thuật địa phương của chúng ta khi quyết định hợp tác với chuyên gia bản địa để thực hiện dự án quan trọng này”.
Loạt tác phẩm trong triển lãm là một lát cắt minh họa cho giai đoạn sáng tác ở nước ngoài của 4 danh họa người Việt với tâm thế luôn thể hiện tinh thần hướng về quê hương thông qua những tuyến chủ đề quen thuộc bắt nguồn từ mạch ký ức, hoài niệm của mỗi người như hoa cỏ, cảnh quan, gia đình và phong tục, văn hóa và kiến trúc.
Đặc biệt thông qua các bức tranh, giá trị và tư tưởng đã được đan xen và hòa quyện với những góc tiếp cận mới mẻ thu nạp được từ quãng đời sống tại nước ngoài.
Theo ông Nathan Drahi- Giám đốc Điều hành Sotheby’s Châu Á: “Chúng tôi tự hào khi lần đầu tổ chức triển lãm tại thành phố sôi động này, nơi chúng tôi hy vọng sẽ giúp tái kết nối công chúng được với bề dày di sản văn hóa thông qua những kiệt tác nghệ thuật này”.
Trong khi đó, ông Jasmine Prasetio - Giám đốc Điều hành Sotheby’s Đông Nam Á, chia sẻ: “Chúng tôi ghi nhận vai trò của Việt Nam như một cái nôi văn hóa nghệ thuật quan trọng, kèm theo một cộng đồng nhà sưu tập đang tăng trưởng mạnh mẽ, với sự say mê nghệ thuật và động lực học hỏi không ngừng. Sotheby’s hân hạnh được chia sẻ chuyên môn, kinh nghiệm và thông tin một cách minh bạch nhất cho cộng đồng nhà sưu tập, cả kỳ cựu lẫn tiềm năng, và triển lãm phi thương mại này là một minh chứng cho cam kết với chặng đường vì giáo dục ấy”.
Trong triển lãm “Hồn xưa bến lạ”, các tác phẩm của Lê Phổ có “Đền Cổ Loa” (Co Loa Temple) (1934), 44x62 cm, sơn dầu trên toan; “Thiếu nữ vuốt tóc” (Jeune femme se coiffant) (khoảng 1936-1938), 35,5x28 cm, bột màu trên lụa. Còn Mai Trung Thứ có “Hai mỹ nữ” (The Two Beauties) (khoảng 1942), 58x34 cm, bột màu trên lụa, “Lặng thiền” (Meditation) (khoảng 1950-1960), 43x57 cm, bột màu trên lụa; Vũ Cao Đàm trưng bày “Hai thiếu nữ” (Deux Jeunes Femmes) (1939), 47x58,5 cm, mực và bột màu trên lụa, “Bên ngôi miếu” (Le pagodon) (1979), 46x38 cm, sơn dầu trên toan; Lê Thị Lựu có “Nhạc công truyền thống” (Le musicien traditionnel) (khoảng 1960-1970), 35x45 cm, mực và màu trên lụa....
Sau TP HCM, Ban tổ chức sẽ triển lãm các bức tranh của 4 danh họa kể trên tại một số thành phố khác ở Việt Nam.