Phản hồi bài ‘Trăn trở Xóm Rền’: Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ nói gì?
Trên số báo Chủ nhật (ngày 3/7/2022), Đại Đoàn Kết phản ánh về di chỉ khảo cổ Xóm Rền - một Di tích lịch sử Quốc gia chứa đựng nhiều phát lộ quý hiếm về thời kỳ văn hóa Phùng Nguyên, được dư luận đặc biệt quan tâm. Phát lộ mộ cổ 3.500 năm, tìm thấy nha chương, đồ trang sức, di cốt gần như nguyên vẹn..., cho thấy bước đi tiên phong và cực thịnh của người Việt cổ thời kỳ đồ gốm về chỉ huy quân sự, quản trị cộng đồng, trí tuệ luyện kim đồng, khai phá châu thổ sông Hồng để khai sinh nền văn minh nông nghiệp lúa nước.
Sau đó, một dự án lớn được Phú Thọ phê duyệt đầu tư năm 2012 không chỉ nhằm bảo tồn, tôn tạo, mà còn phát huy giá trị lịch sử phục vụ du khách tham quan, phát triển kinh tế ở một địa phương trung du phía Bắc nằm trong quần thể Đền Hùng.
Nhưng mười năm qua chưa có bất kỳ hạng mục nào tại đây được xây dựng. Dự án không chỉ “teo lại” từ mức đầu tư 610 tỷ đồng xuống còn 6,9 tỷ đồng, mà để lại những trăn trở, nỗi niềm của người dân Xóm Rền khi “mộ cụ Tổ” được đào lên rồi... bỏ đó.
Phản hồi bài viết Đại Đoàn Kết đã phản ánh, đại diện UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, những khó khăn về nguồn lực giai đoạn 2013-2019 đã khiến dự án không thể thực hiện, và đã có quyết định năm 2019 (số 2789/QĐ-UBND) giao cho UBND huyện Phù Ninh làm chủ đầu tư với dự án điều chỉnh mới “Bảo quản cấp thiết di tích khảo cổ Xóm Rền”. Mục tiêu lớn nhất của điều chỉnh này là bảo quan cấp thiết bộ di cốt người Việt cổ và hố khai quật tầng văn hóa tại di tích.
Ông Hồ Đại Dũng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho hay, nội dung quy mô đầu tư lần này là giải phóng mặt bằng khu vực hố khai quật, xử lý, bảo vệ hố khai quật bằng hình thức bảo tàng ngoài trời sử dụng các kết cấu nhẹ bao che phục vụ tìm hiểu di tích của du khách, không làm ảnh hưởng đến khu vực xung quanh chưa được khai quật, trồng cây xanh, lắp hệ thống điện, thoát nước... Tổng mức đầu tư 4,5 tỷ đồng bằng vốn Ngân sách Nhà nước.
Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ thông tin: Tháng 11/2019 đã gửi UBND huyện Phù Ninh đề nghị lựa chọn nhà thầu thi công đảm bảo năng lực, trong đó bảo quản cấp thiết bộ di cốt. Nếu quá trình thi công có phát sinh, phát hiện mới về di tích, phải tạm dừng hoạt động, và báo cáo ngay cho cơ quan cấp trên.
Tuy nhiên, theo UBND huyện Phù Ninh, đến nay dự án đã phải đi qua nhiều lần điều chỉnh mức đầu tư với những lý do khác nhau (như cập nhật dự toán xây dựng, bổ sung chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, điều chỉnh chi phí dự phòng...).
Đến tháng 4 năm nay, UBND tỉnh Phú Thọ đánh giá hiện trang di tích là “Di tích đang hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, bộ di cốt phát lộ nhiều năm nhưng chưa được xử lý bảo quản khoa học đã bị biến màu, mùn bở... Vách hố khai quật bị sạt lở một số vị trí do tác động của rễ cây, nước ngầm, không thể quan sát được các địa tầng văn hóa. Nhà tạm mái tôn bảo vệ hố khai quật đã hư hỏng, xung quanh không có hệ thống thoát nước, rễ cây xâm thực và đang tiếp tục phá hủy hố khai quật. Toàn bộ khu hố khai quật cùng bộ di cốt đang trong tình trạng mất an toàn nghiêm trọng cần được xử lý cấp thiết”.
Trước đó, vào tháng 7/2020, UBND huyện Phù Ninh quyết định (1105/QĐ-UBND) phê duyệt tổng mức đầu tư là 4,25 tỷ đồng, ghi rõ Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Phù Ninh phải “đảm bảo tiến độ dự án, hoàn thành chậm nhất trước ngày 31/12/2021”.
Tháng 12/2021, UBND huyện Phù Ninh lại ra quyết định (2173/QĐ-UBND) phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án với tổng mức 6,9 tỷ đồng, và thời gian thực hiện đến hết 31/12/2022. Theo ông Nguyễn Hữu Nhật - Chủ tịch UBND huyện Phù Ninh, cũng đã nêu ý kiến trong tờ trình (55/TTr-UBND) gửi các sở, ngành liên quan là “Các hố khai quật hiện chưa có biện pháp bảo vệ phù hợp nên đã có dấu hiệu xuống cấp. Việc xử lý là rất cấp thiết”.
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết ngày 7/7/2022, ông Nguyễn Việt Trung- Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ khẳng định, dự án (đã được điều chỉnh nói trên) chắc chắn hoàn thành trong năm 2022.