Nâng tầm cho chợ truyền thống

DUY KHANG 10/07/2022 14:05

Trong xu thế phát triển của hiện đại hóa, những mô hình chợ tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại ra đời dường như đang làm mờ nhạt dần hình ảnh của những khu chợ truyền thống. Tuy nhiên, thực tế, chợ truyền thống vẫn luôn có vị trí nhất định trong đời sống.

Chợ dân sinh, chợ truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng đối với đa số người dân. Ảnh: Như Trang.

Nét văn hóa rất riêng

Chợ truyền thống dường như đã trở thành một nét văn hóa rất riêng của Việt Nam. Cho đến thời điểm này, khi tốc độ đô thị hóa một cách nhanh chóng với sự xuất hiện của nhiều mô hình mua sắm hiện đại, thì sự gắn bó của người dân đối với các chợ truyền thống vẫn không hề bị mai một.

Cần phải khẳng định, chợ có vai trò quan trọng, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng và cả nước nói chung. Chợ là nơi lưu thông hàng hóa, nơi cung cấp hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiêu dùng khác, đáp ứng nhu cầu của nhân dân, đồng thời tạo công ăn việc làm, gia tăng cơ hội sinh kế cho người dân và tạo nguồn thu cho ngân sách. Sự phát triển của chợ cũng được coi là yếu tố phản ánh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đánh giá: “Sự phát triển của chợ cũng được coi là yếu tố phản ánh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa qua chợ chiếm trên 40% tổng mức lưu chuyển hàng hóa của cả nước”.

Cùng với sự phát triển kinh tế xã hội đã xuất hiện nhiều kênh phân phối hàng hóa hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, bán hàng online…Tuy nhiên, trên thực tế, chợ vẫn là kênh lưu thông thực phẩm chính (gần 70% thực phẩm lưu thông qua chợ) của người tiêu dùng Việt Nam. Phần lớn người tiêu dùng Việt Nam vẫn giữ thói quen đi chợ vào mỗi buổi sáng. Văn hóa mua bán, mặc cả tại các chợ dân sinh, chợ truyền thống đã trở thành một nét rất riêng của “chợ” ở Việt Nam.

“Chợ có vai trò quan trọng trong việc giúp người dân thành phố dễ dàng tiếp cận thực phẩm tươi sống có lợi cho sức khỏe với giá cả phải chăng, kết nối nền kinh tế nông thôn và thành thị, mang lại những cơ hội kinh tế và việc làm cho nhiều người dân. Chợ cũng là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa, lịch sử và tạo ra những không gian công cộng tích cực, gắn kết người dân. Vì vậy, việc xây dựng các chính sách phát triển và quản lý chợ trong bối cảnh hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng” - ông Đông nói.

Đối với người dân Việt Nam, chợ dân sinh, chợ truyền thống đã trở thành một phần của cuộc sống, khi mỗi sáng các bà, các mẹ lại lục đục dậy từ sớm để đi ra chợ mua mớ rau, cân thịt, hay là gói quà sáng... vì ở chợ, chẳng thiếu một thứ gì. “Đi chợ sớm vừa vắng, đồ lại tươi ngon” - bà Trần Thị Thanh (phố Pháo Đài Láng, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.

Với bà Nguyễn Thị Hoài Thu (phố Chính Kinh, Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) cũng vậy. Nhà ở ngay cạnh chợ Nhân Chính, việc sáng sáng đi chợ để mua đồ ăn cho cả ngày đã là một thói quen mà bà gắn bó hàng chục năm qua. “Ngay cách nhà mấy chục mét có cửa hàng tiện lợi, siêu thị mi ni nhưng tôi chỉ thích không khí ở chợ truyền thống”- bà Thu nói.

Thói quen mặc cả hàng hóa, hoặc “mua chịu” vì quen biết... là một nét văn hóa của các bà nội trợ khi mua sắm tại các chợ truyền thống, điều này hoàn toàn không có ở siêu thị cũng như các kênh mua sắm hiện đại khác. Đó là lý do tại sao chợ truyền thống sẽ không thể bị lãng quên đối với người tiêu dùng Việt Nam.

Cần chiến lược phát triển

Thực tế cho thấy, sự phát triển một cách manh mún, tự phát của loại hình chợ truyền thống, chợ dân sinh cũng dẫn đến nhiều bất cập trong xã hội. Có tình trạng, nhiều chợ được nhà nước bỏ tiền đầu tư xây dựng, song công tác quản lý không đồng bộ nên các tiểu thương kinh doanh không hiệu quả.

Cụ thể, việc cho phép buôn bán lấn chiếm lòng lề đường, xử lý không triệt để chợ tự phát đã dẫn đến người buôn bán hợp pháp trong chợ ế ẩm vì khách mua ngoài lòng lề đường tiện hơn. Đó là một sự cạnh tranh không công bằng và nguyên nhân xuất phát từ việc giải quyết không dứt điểm của chính quyền địa phương.

Theo chuyên gia, thực tế có những loại chợ không nằm trong quy hoạch, được hình thành một cách tự phát nhưng chính quyền địa phương nhiều nơi vẫn ngầm cho tồn tại để thu phí, phục vụ phúc lợi riêng của địa phương. Trên nhiều tuyến đường người dân công khai buôn bán, lấn chiếm lòng đường, gây khó khăn cho giao thông, nhưng chính quyền địa phương lại không xử lý, ngó lơ thực trạng. Đó là những hoạt động không hợp pháp, thực tế diễn ra ở nhiều địa phương.

Để giải quyết thực trạng đó, Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP được ban hành tạo hành lang pháp lý để công tác phát triển chợ được tốt hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cùng với sự thay đổi của các quy định pháp luật liên quan, qua hơn 10 năm triển khai đến nay, một số quy định của Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế.

Theo bà Lê Thu Hiền - Trưởng phòng Hạ tầng thương mại, Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới dẫn đến một số quy định tại Nghị định số 02/2003/NĐ-CP và Nghị định số 114/2009/NĐ-CP không còn phù hợp, một số văn bản viện dẫn tại Nghị định đã hết hiệu lực…

Một số quy định về đầu tư, phát triển chợ không còn phù hợp, chưa đồng bộ và thống nhất với các quy định khác, do vậy, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển chợ.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy đã được quy định nhưng số lượng doanh nghiệp và hợp tác xã kinh doanh, quản lý chợ còn ít, nhất là tại địa bàn khó khăn.

Ngoài ra, còn một số vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn phát triển và triển khai. Hiện nay, nhiều chợ đô thị được đầu tư từ ngân sách nhà nước đã xuống cấp cần nâng cấp, cải tạo để đảm bảo các điều kiện phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… Tuy nhiên, quy định hiện tại trong Nghị định về phát triển chợ lại không được dùng ngân sách nhà nước đầu tư chợ đô thị, quy định này đã không còn phù hợp với thực tiễn. Không chỉ vậy, chất lượng của các quy hoạch còn thiếu đồng bộ, tầm nhìn, chưa theo kịp sự phát triển kinh tế - xã hội.

Giới chuyên gia nhận định, chợ truyền thống đã tồn tại và trở thành một nếp sống, một nét văn hoá đặc trưng của người dân Việt Nam. Chính vì thế, chúng ta cần gìn giữ nét văn hoá này đồng thời kết hợp yếu tố hiện đại để phù hợp với sự phát triển của thời đại.

Muốn làm được điều này, Nhà nước cần phải có những chính sách ưu đãi và chiến lược cụ thể để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng, cải tạo và phát triển các dự án chợ dân sinh lên một tầm cao mới, giữ vững vai trò, vị trí của chợ đối với đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam.

DUY KHANG