Lãi suất tiết kiệm lập mốc mới
Cuộc đua tăng lãi suất huy động nóng lên khi số lượng ngân hàng tham gia ngày càng nhiều, chưa kể có ngân hàng còn tăng mạnh lãi suất thêm 1%/năm. Hiện lãi suất huy động tại một số ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, đặc biệt là với các kỳ hạn dài.
Một số ngân hàng đã đưa mức lãi suất huy động lên khoảng 7,4-7,55% năm cho các kỳ hạn dài trên 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng, đưa mặt bằng lãi suất các kỳ hạn này cao hơn khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm trước.
SCB là một trong số ngân hàng đang có mức lãi suất cao nhất với các kỳ hạn dài, khi mặt bằng lãi suất online của các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng đều đồng nhất ở mức 7,55%/năm. Nhưng lãi suất các kỳ hạn của kỳ hạn ngắn hơn vẫn khá cao, đều trên 7%/năm. Cụ thể lãi suất online của kỳ hạn 15 tháng là 7,5%/năm, 13 tháng là 7,45%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,3%/năm…
Tương tự, NamABank cũng đã đưa lãi suất tiền gửi online lên tới 7,4%/năm với các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng. PvcomBank cũng niêm yết lãi suất các kỳ hạn này ở mức 7,25%/năm.
Một số ngân hàng quy mô nhỏ hơn như BacABank, BaoVietBank, CBBank, KienLongBank cũng niêm yết lãi suất trên mức 7% cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng lên tới gần 3% tùy vào từng kỳ hạn gửi tiền.
Đáng chú ý, dù có mức lãi suất thấp hơn các ngân hàng trên và giữ nguyên lãi suất các khoản tiền gửi dưới 12 tháng, nhưng trong biểu lãi suất huy động mới áp dụng từ tháng 7/2022, Agribank niêm yết lãi suất 5,6%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, cao hơn 0,1 điểm % so với trước đó. Đây là lần thay đổi lãi suất huy động đầu tiên của ngân hàng này kể từ tháng 9/2021 đến nay, cũng là lần tăng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng trở lên đầu tiên của Agribank trong gần 4 năm qua.
Với động thái này, Agribank trở thành ngân hàng quốc doanh thứ 2 sau BIDV tăng lãi suất huy động trong năm 2022. Trước đó, BIDV cũng tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên, các ngân hàng quốc doanh vẫn có mặt bằng lãi suất huy động thấp nhất toàn hệ thống. Trong đó, Vietcombank đang áp dụng khung lãi suất từ 3%/năm đến 5,5%/năm cho kỳ hạn từ 1 tháng đến 60 tháng, VietinBank duy trì lãi suất từ 3,1-5,6%/năm các kỳ hạn.
Với các kỳ hạn ngắn hơn, mặt bằng lãi suất cũng ghi nhận sự nhích tăng nhẹ. TPBank sau nhiều tháng không điều chỉnh biểu lãi suất huy động cá nhân thì cũng đã tăng 0,2 điểm % ở hầu hết kỳ hạn từ tháng 7, cho cả hình thức giao dịch tại quầy và online. Ở kỳ hạn 6 tháng, đa số ngân hàng niêm yết lãi suất từ 6,2-6,8%/năm. Ở kỳ hạn 1 tháng, các ngân hàng niêm yết lãi suất huy động dao động từ 3-4%.
Có thể thấy, cuộc đua lãi suất bắt đầu “nóng” khoảng 3 tháng trở lại đây, giúp dòng tiền nhàn rỗi quay trở lại ngân hàng.
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty Chứng khoán VnDirect, đà tăng lãi suất huy động sẽ chậm lại trong quý 3/2022 vì nhu cầu huy động vốn thấp do nhiều ngân hàng đã tạm hết dư địa để tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, đà tăng của lãi suất huy động có thể tăng tốc trở lại trong quý 4 sau khi Ngân hàng Nhà nước nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Do đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 30-50 điểm cơ bản trong 6 tháng cuối năm 2022, khiến kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại có thể tăng lên mức khoảng 5,9-6,1%/năm, vẫn thấp hơn so với mặt bằng trước đại dịch là khoảng 7%/năm.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng khuyến nghị: “Hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1%-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ”.
Nếu tính ròng từ đầu năm tới nay, đã có tới 31 ngân hàng thương mại gia nhập cuộc điều chỉnh tăng lãi suất qua các đợt, đẩy mức lãi suất huy động cao từ nấc thỏa thuận trên 12 tháng ở mặt bằng 7,4 -7,55%.
Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, mặt bằng lãi suất huy động kỳ dài hạn đang được ưu tiên và bước đầu cũng đã vượt qua mặt bằng lãi suất trái phiếu huy động bổ sung vốn cấp 2 của một số ngân hàng nhóm lớn cam kết khi phát hành cho trái chủ thời gian qua (từ mức 7-7,50%).
Ngoài ra theo phân tích chung do kỳ vọng lạm phát trong nước đang rõ ràng hơn khi áp lực lạm phát ngày càng rõ rệt đã đẩy lợi suất kỳ vọng của các kênh đầu tư lên cao hơn, lãi suất tiền gửi cũng không ngoại lệ và nếu như sự kỳ vọng lạm phát càng lớn và kéo dài càng lâu thì đường cong lãi suất cũng sẽ cong hơn.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đức Ấn (Agribank), việc tín dụng nửa đầu năm tăng nhanh, cao gấp đôi so với huy động vốn (huy động vốn tăng 4,61%) là dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro cho lãi suất. Tín dụng 6 tháng đã tăng 9,35%, nếu tiếp tục tăng trưởng mạnh thì rõ ràng áp lực lạm phát rất lớn.