Xe quá tải bùng phát trở lại: Xử lý cách nào?
Thời gian qua, tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại và có xu hướng gia tăng. Xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông công khai trên quốc lộ, đường đô thị... gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường. Mặc dù lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý nhưng tình trạng này vẫn không có dấu hiệu giảm thiểu, nguyên nhân do đâu?
Thời gian qua, lực lượng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông toàn quốc đồng loạt ra quân xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm giao thông, trong đó tập trung mạnh vào xe quá tải, quá khổ, đặc biệt trên các tuyến đường lớn. Mặc dù lực lượng chức năng mạnh tay xử lý nhưng thực tế, xe quá tải vẫn bùng phát mạnh. Vì sao vậy?
Xe quá tải lại bùng phát
Thống kê trong quý II/2022, lực lượng chức năng đã tiến hành kiểm tra 23.543 xe, trong đó có 3.597 xe vi phạm, tước 794 giấy phép lái xe, xử phạt nộp kho bạc nhà nước 20,63 tỷ đồng.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại và ngày càng gia tăng. Xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải lưu thông công khai trên một số quốc lộ, đường đô thị và đường địa phương, gây hư hỏng kết cấu hạ tầng, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường.
“Mặc dù lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý nhưng tình trạng này vẫn gia tăng, là do lực lượng Thanh tra giao thông còn mỏng, phải thực hiện việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và nhiều nhiệm vụ khác của địa phương, Thanh tra giao thông các Sở Giao thông vận tải chỉ kiểm soát tải trọng xe trên các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường địa phương” - ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết đồng thời thông tin thêm, thời gian gần đây các công trình, dự án đồng loạt khởi công trở lại sau dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng tăng cao nên tình trạng xe quá tải bùng phát trở lại, lưu thông trên các quốc lộ và một số đường địa phương nơi có các mỏ vật liệu, các dự án, công trình xây dựng, san lấp mặt bằng, nhà máy xi măng, khu công nghiệp... Ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều xe tải có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở đá quá tải từ các mỏ đá trên địa bàn xã Yên Vương, Đồng Tân, lưu thông trên Quốc lộ 1, đoạn qua địa bàn huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.
Các xe tải “Howo” có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở quặng, khoáng sản quá tải cũng lưu thông khá dày trên các tuyến đường tại thị trấn Trại Cau, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên.
Ngoài ra, các xe tải, xe ben có dấu hiệu cơi nới kích thước thành thùng, chở vật liệu xây dựng quá tải lưu thông trên đường gom Quốc lộ 5, đoạn qua ngã tư Khu công nghiệp Đại An, tỉnh Hải Dương.
Từng đoàn xe tải chở đất, đá, vật liệu xây dựng vượt quá thành thùng xe, có dấu hiệu quá tải lưu thông trên tuyến đường bao biển từ TP Hạ Long đi TP Cẩm Phả; xe chở bê tông quá tải từ các trạm trộn trên địa bàn, lưu thông trên đường Tuệ Tĩnh và một số tuyến đường tại phường Ninh Dương, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh cũng khiến người dân bức xúc.
“Tình trạng nêu trên chỉ phản ánh được một phần xe quá tải lưu thông trên đường, thực tế còn rất nhiều phương tiện chở hàng quá khổ giới hạn, quá tải trọng chưa được phát hiện, phản ánh. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng còn mỏng, các chủ xe, lái xe tìm mọi cách để trốn tránh, lưu thông vào ban đêm nhằm qua mặt lực lượng chức năng nên tình trạng này chưa được xử lý triệt để”- ông Huyện cho biết.
Siết chặt quản lý tải trọng xe
Nhằm siết chặt quản lý tải trọng xe thời gian tới, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở Giao thông vận tải rà soát hoạt động của các Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động; bố trí lực lượng, kinh phí, duy trì hoạt động của các trạm, đồng thời sử dụng cân xách tay để triển khai thực hiện công tác kiểm tra tải trọng xe, phù hợp với tình hình xe quá tải trên địa bàn.
Bên cạnh đó, các sở, ngành của địa phương cũng cần bố trí kinh phí để mua sắm phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (bộ cân kiểm tra tải trọng xe xách tay, máy ảnh, camera ghi hình...) cho các lực lượng chức năng làm công tác kiểm tra tải trọng xe;
Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng Công an, Thanh tra giao thông, các sở, ngành, UBND cấp huyện để kiểm tra tại các cơ sở đầu nguồn hàng, kho bãi, bến cảng, nhà máy, khu công nghiệp...
Yêu cầu các đơn vị này phải lắp đặt thiết bị cân cố định để kiểm soát hàng hóa bốc lên phương tiện trước khi xuất hàng. Trường hợp các đơn vị vi phạm để xảy ra hậu quả nghiêm trọng có thể xem xét rút giấy phép kinh doanh để tạo sự răn đe chung, phòng ngừa vi phạm.
“Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, đầu tư lắp đặt các Trạm Kiểm tra tải trọng xe cố định theo mô hình kiểm tra tải trọng xe tự động nhằm giảm nhân sự vận hành, hạn chế sự tác động của con người để tránh tiêu cực” – ông Huyện cho biết.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ, các chủ đầu tư thực hiện các dự án do Bộ quyết định chủ trương đầu tư... có các giải pháp ngăn chặn và xử lý nghiêm các nhà thầu sử dụng xe cơi nới kích thước thành thùng, chở vật tư, vật liệu xây dựng quá tải để cung cấp cho các công trình.
Đặc biệt, chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam yêu cầu các Trung tâm Đăng kiểm tiếp tục kiểm tra, rà soát các xe đầu kéo kéo theo sơmi rơmoóc được gắn bộ ben thủy lực và thùng hàng kiểu container hoán cải, các xe cơi nới kích thước thành thùng để chở hàng quá tải, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm theo quy định; đồng thời nghiên cứu, đề xuất tăng nặng các biện pháp xử lý để bảo đảm sức răn đe.
Để kiểm soát tải trọng xe, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản yêu cầu triển khai kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiểm soát tải trọng xe trong phạm vi toàn quốc. Kiểm soát chặt chẽ các phương tiện từ nơi bốc xếp hàng hóa; đồng thời tiếp tục rà soát để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác kiểm soát tải trọng xe theo hướng đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào công tác kiểm soát tải trọng xe.
Đồng thời yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Cục Đăng kiểm thành lập các tổ công tác thực hiện khảo sát, ghi lại bằng hình ảnh các xe ôtô vận tải có dấu hiệu vi phạm về kích thước thành thùng xe, làm việc với các doanh nghiệp để xử lý các phương tiện vi phạm hoặc cảnh báo trên hệ thống đăng kiểm.
Xử lý nghiêm xe ghép, xe tiện chuyến
Theo Bộ Giao thông vận tải, thời gian gần đây, xuất hiện tình trạng xe ghép, xe tiện chuyến hoạt động chở khách (có thu tiền của hành khách) nhưng chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu, chưa đăng ký kinh doanh vận tải hành khách theo quy định. Dịch vụ xe ghép, xe tiện chuyến đón khách tại nhà và trả khách tại điểm đến hoạt động không phép gây mất trật tự an toàn giao thông và phá vỡ quy hoạch vận chuyển hành khách.
Để tăng cường công tác quản lý, thực hiện đúng quy định, đảm bảo ổn định trật tự vận tải, công bằng, công khai, minh bạch, đồng thời tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 6728/BGTVT-VT gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, xử lý xe vận chuyển hành khách (xe ghép, xe tiện chuyến) không đăng ký kinh doanh theo quy định.
Theo đó, Bộ Giao thông vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trên địa bàn để hướng dẫn và yêu cầu đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, người điều khiển xe ô tô kinh doanh vận tải trên địa bàn thực hiện đúng quy định.
Cùng với đó, đề nghị lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm: sử dụng xe ô tô để kinh doanh vận tải nhưng chưa đăng ký kinh doanh; sử dụng xe ô tô chưa chuyển đổi biển số sang màu vàng, chưa được cấp phù hiệu, biển hiệu theo quy định của pháp luật để kinh doanh vận tải.
P.Vân