Những người thắp lửa – Bài 1: Kỷ vật của yêu thương

Bùi Thị Hoàn (Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam) 11/07/2022 06:50

Nhiều kỷ vật được trao tặng cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam để lưu giữ lại ký ức về một “cuộc chiến” chưa từng có - cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Mỗi một kỷ vật lại mang theo nhiều câu chuyện xúc động về những tấm gương sẵn sàng xả thân vì cộng đồng. Họ là những người thắp lửa - thắp sáng tinh thần dân tộc và sức mạnh của người Việt Nam trong một cuộc chiến không tiếng súng.

Nghệ sĩ Quyền Linh trao hiện vật cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam.

Chúng tôi đến TP Hồ Chí Minh khi thành phố sôi động này đã trở lại nhịp sống bình thường mới. Vượt qua đại dịch Covid-19, thành phố năng động này, giàu sức sống, thành phố của những con người say mê lao động, hào sảng, nhân ái đang nỗ lực từng ngày để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Giữa dòng chảy tấp nập, nhộn nhịp của cuộc sống, trái tim của những công dân thành phố từng kiên cường, xông pha trong tâm dịch vẫn còn lưu giữ và lắng đọng rất nhiều những câu chuyện, những tâm sự vô cùng xúc động.

NSƯT, MC Quyền Linh, người đã được công chúng yêu mến không chỉ trên màn ảnh mà còn trở thành một trong những tâm điểm của truyền thông khi anh tham gia công tác thiện nguyện với bộ đồ bảo hộ ướt sũng, đôi dép tổ ong tất bật đi đến từng con hẻm giữa những ngày TPHCM bị phong tỏa. Khi dịch bùng phát, anh đang có bệnh, nỗi lo về nguy cơ bị lây nhiễm luôn thường trực trong đầu nhưng rồi đọc những dòng comment “kêu cứu” trên trang Facebook cá nhân, ngày lẫn đêm nghe tiếng còi xe cấp cứu, tiếng khóc của trẻ thơ dội vào tim anh đau nhói khiến anh không thể ngồi yên. Từ một nghệ sĩ, anh trở thành một người nội trợ, một shipper, một nhà từ thiện, một tuyên truyền viên, một “bác sĩ tâm lý”… khi xếp hàng mua từ bó rau, chai mắm, vỉ thuốc cảm, khuân vác lương thực, thực phẩm đến cứu trợ, tổ chức bếp ăn miễn phí, vận chuyển suất ăn đến từng hộ gia đình...

Ngày nào anh cũng quần quật từ sáng đến tối, có đêm ngủ vạ vật bên ngoài vài ba tiếng rồi lại dậy ra cửa ngõ thành phố để đón nhu yếu phẩm mà anh huy động được về phân phát cho bà con.

Nhớ lại những ngày tháng khó quên ấy, Nghệ sĩ Quyền Linh rưng rưng kể: Khi đó, cứu trợ cũng gấp gáp như cứu hỏa vậy, có những ngày chỉ kịp húp tạm mỳ tôm hộp, ăn bánh qua bữa rồi lại xoay vần với công việc. Có nhà cũng không dám về vì sợ không an toàn cho vợ con. Hàng tháng trời, anh thường xuyên ở trong tình trạng thiếu ngủ, ăn uống tạm bợ. Đi lại nhiều, nguy cơ lây nhiễm càng cao, vaccine chưa có đủ để tiêm, có lúc anh đã nghĩ biết đâu có ngày mình cũng bị mắc Covid-19 mà chết nhưng rồi lại gạt đi: Ngày nào còn sống thì cố hết sức để giúp đỡ đồng bào càng nhiều, càng nhanh càng tốt. Giúp được nhiều người khiến anh thấy vui, quên hết vất vả, mệt mỏi và bệnh tật trong cơ thể, quên cả nỗi lo sợ trước cái chết. Có gia đình thấy anh đến, họ mừng rỡ chạy ra ôm chầm lấy mà quên mất phải giữ khoảng cách. Lại có những người đang ốm yếu, họ lo lắng, bi quan khi đến tiếp tế, anh còn trao cho họ “liều thuốc tinh thần” động viên, trấn an họ bình tĩnh, lạc quan. Có những lúc vội, chỉ kịp chỉ tay vào dòng chữ: "Tiếp sức hồi sinh", "Vượt lên chính mình" trên chiếc áo anh đang mặc để truyền nguồn năng lượng tích cực cho bà con rồi tiếp tục cuộc hành trình.

Năm 2021, Nghệ sĩ Quyền Linh đã được vinh danh là Nghệ sĩ vì cộng đồng. Khi được hỏi điều đọng lại sâu lắng nhất trong anh khi trực tiếp tham gia công tác thiện nguyện giữa tâm dịch căng thẳng, nguy hiểm, anh bộc bạch: “Có tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được tình đoàn kết của dân tộc Việt Nam, của con người Việt Nam giản dị, đời thường nhưng thiêng liêng và cao quý vô cùng. Đồng bào mình thương nhau lắm, trong lúc thiếu thốn, họ sẵn sàng bẻ đôi cho nhau ổ bánh, san sẻ cho nhau từng gói mỳ tôm, từng nhúm rau cuối cùng…”.

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương trao tặng Bảo tàng MTTQ Việt Nam chiếc áo bà thường mặc khi đi làm thiện nguyện.

Nghệ sĩ Nhân dân Kim Cương, năm nay đã 85 tuổi, bà có bệnh nền và thuộc nhóm nguy cơ lây nhiễm cao, thế nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát, bà đã tích cực tham gia công tác cứu trợ. Chia sẻ về quyết định khó khăn đó, bà xúc động kể lại, “trước đó, tôi đã có ý định tham gia nhưng con cháu thương và lo nên ra sức can ngăn. Bản thân tôi cũng rất lo lắng về sức khỏe của mình khi ngày nào cũng sống chung với đủ loại thuốc. Nhưng khi ở nhà xem truyền hình, thấy cảnh có em bé mất mẹ trong đại dịch, hai bên nội ngoại đến đón nhưng em bé ấy nhất định ngồi lại trước bàn thờ chờ đợi mẹ quay về. Tôi không thể cầm lòng được. Bằng các cách khác nhau, tôi đã vận động bạn bè, các hội nghề nghiệp lập được quỹ bảo trợ trẻ em mồ côi do đại dịch để bảo trợ cho 150 cháu có hoàn cảnh khó khăn đến năm 18 tuổi”.

Khi chúng tôi hỏi điều gì khiến bà vượt qua được mọi nỗi lo lắng, bất chấp nguy hiểm để tham gia công tác thiện nguyện trong tâm dịch căng thẳng, Nghệ sĩ Kim Cương trải lòng: “Đó chính là tình thương yêu đồng bào, là trách nhiệm của một công dân, của một nghệ sĩ đối với cộng đồng, với đất nước. Trong hoạn nạn, gian khó, chứng kiến cái tình, cái nghĩa của đồng bào, tôi tự hào vì mình là người Việt Nam”.

Đó còn là câu chuyện của bác sĩ trẻ Phạm Thị Thanh Thúy, công tác tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương, TPHCM. Khi dịch bùng phát, chị phải chia tay đứa con nhỏ mới 10 tháng tuổi để lên đường làm nhiệm vụ. Cứ nghĩ đi một vài tuần rồi về với con, nào ngờ đằng đẵng cả mấy tháng trời. Xa con, tất bật với công việc nhưng trong lòng nhớ con quay quắt nhất là những lúc tức sữa. Chị đã dùng sữa của mình để nuôi một em bé 7 tháng tuổi có mẹ mắc Covid-19 bị cách ly trong bệnh viện. Ngày trở về đoàn tụ, thấy con khỏe mạnh, phổng phao, chị chỉ muốn chạy đến ôm con vào lòng nhưng ánh mắt con thơ nhìn mẹ lạ lẫm. Đôi giày xinh xắn chị mua cho con nhưng khi trở về thì con đã lớn, chân không đi vừa nữa.

Đôi giày đó được chị giữ lại và trao tặng cho Bảo tàng MTTQ Việt Nam như một kỷ vật của tình mẫu tử trong một “cuộc chiến” chưa từng có. Và những tháng ngày nén thương nhớ, nén cả sự yếu mềm khi phải xa con, dồn sức, căng mình ra để chăm sóc bệnh nhân Covid-19 sẽ là những ký ức, trải nghiệm không bao giờ quên trong cuộc đời của một bác sĩ.

“Trong đại dịch, có những người người xung kích tuyến đầu, bố mẹ mất cũng chẳng về chịu tang được, so với họ, việc mình xa con nhỏ nào có thấm tháp gì. Khi chúng ta biết hy sinh những chuyện riêng tư vì những điều lớn lao hơn thì đó là sự hy sinh có ý nghĩa” - bác sĩ Thúy chia sẻ.

(Còn nữa)

Bùi Thị Hoàn (Giám đốc Bảo tàng MTTQ Việt Nam)