Công trình chôn lấp rác thải gần 12 tỷ đồng không sử dụng: Ai chịu trách nhiệm?
Mặc dù đã tìm được đơn vị vận hành nhưng toàn bộ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị tại dự án bãi chôn lấp rác thải trị giá gần 12 tỷ đồng (tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa) vẫn không được tận dụng để xử lý rác.
Trước đó, ngày 12/11/2021, Báo Đại Đoàn Kết đã có bài viết: “Công trình 12 tỷ xử lý được… 2 xe rác”, phản ánh việc sau khi được bàn giao vào tháng 5/2019, đến tháng 11/2021, đã hơn 30 tháng trôi qua, dự án bãi chôn lấp rác thải trị giá gần 12 tỷ đồng tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) mới xử lý được... 2 xe rác, trong khi nhiều hạng mục tại đây đã xuống cấp. Cụ thể, sau khi khởi công vào ngày 30/5/2018, đến ngày 20/4/2019, dự án hoàn thành với giá trị quyết toán là 11 tỷ 350 triệu đồng. Sau khi bàn giao cho UBND xã Xuân Bình quản lý vào đầu tháng 5/2019, đến nay, nhiều hạng mục đã xuống cấp.
Nói về nguyên nhân dự án “đắp chiếu” ngay khi hoàn thành, lãnh đạo huyện Như Xuân cho biết: Dự án này vẫn đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để tổ chức đấu thầu. Đầu năm 2022, huyện sẽ mở thầu và chọn ra nhà thầu để vận hành.
Quay trở lại công trình trên vào thời điểm tháng 7/2022, theo tìm hiểu được biết, từ tháng 2/2022, đã có 1 đơn vị đứng ra nhận vận hành công trình xử lý rác này. Đó là Công ty Thành Chung (có địa chỉ tại huyện Như Xuân). Tuy nhiên, từ tháng 2-5/2022, đơn vị này không thu gom được rác để vận hành lại lò đốt.
Từ tháng 5/2022 đến nay, đơn vị đã có thu gom được nhiều rác thải hơn, nhưng số lượng xe chở rác về bãi cũng chỉ đạt vài xe/tháng. Với 2 công nhân gồm 1 lái xe và 1 người thu gom, sau khi rác được chở về bãi, sẽ được đốt trực tiếp ngay tại hố, gây nên tình trang ô nhiễm môi trường. Đầu tư hàng tỷ đồng, sử dụng công nghệ cao từ lúc hoàn thiện xong vào tháng 5/2019 nhưng không thể sử dụng. Do thu gom và đốt rác thủ công nên đơn vị vận hành cũng không sử dụng đến cơ sở vật chất ở đây khiến máy móc, thiết bị đang có nguy cơ dần trở thành phế phẩm. Tại khuôn viên bãi rác, ống khói cao hàng chục mét đã gãy đổ. 4 khu nhà gồm phòng bảo vệ, nhà quản lý, nhà vệ sinh và nhà vận hành lò đốt đã bỏ hoang.
Trao đổi với ông Trịnh Xuân Sơn - Chủ tịch UBND xã Xuân Bình, được biết: Hiện nay, trên địa bàn xã có trên 3.000 dân, trong đó mới có 20% các hộ dân có nhu cầu thu gom rác. Nói về việc dự án “đắp chiếu”, hoạt động không đúng mục đích, ông Sơn cho rằng: Việc lập hồ sơ, thẩm định dự án ngay từ ban đầu đã không phù hợp. Bãi rác phục vụ chính cho người dân ở xã Xuân Bình và Bãi Trành, trong khi nhu cầu của người dân là không có nhiều. “Ở đây miền núi, đất rộng, người thưa, có thể vứt rác và đốt ở bất cứ đâu nên việc thu gom rác phải trả tiền nên người dân không mặn mà. Để dự án hoạt động đúng mục tiêu ban đầu gần như là chuyện không khả thi” - ông Sơn nói.
Theo ông Sơn, giờ đầu tư thêm tiền để khởi động lại lò đốt thì cũng tốn kém, mà không đầu tư, nhìn công trình từng ngày xuống cấp cũng xót xa. “Tới đây, xã sẽ mời Phòng Kinh tế Hạ tầng, Phòng Tài Chính, Phòng Tài nguyên Môi trường của huyện xuống họp bàn để có phương án xử lý. Hy vọng sẽ có thể tìm ra giải pháp để cứu lấy dự án này” - ông Sơn thông tin thêm.
Một công trình gần 12 tỷ đồng, nhưng ngay từ ban đầu đã không sử dụng, hoạt động được một vài lần rồi dừng hẳn. Những tập thể, cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm khi lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt quyết định xây dựng dự án trong khi tính khả thi trong thực tế lại không có?
Thiết nghĩ, về việc này, UBND huyện Như Xuân (chủ đầu tư dự án) và UBND tỉnh Thanh Hóa cần chỉ đạo đơn vị chức năng vào cuộc, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan. Từ đó có hướng xử lý cụ thể, tránh thất thoát, lãng phí nguồn vốn ngân sách của nhà nước và gây bức xúc trong nhân dân.