Hóa giải áp lực giá
Hôm nay, theo quy định sẽ đến kỳ điều chỉnh giá xăng dầu. Nhiều người hy vọng đây sẽ là lần giảm giá sâu, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã “quyết” giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, ngay từ ngày 11/7.
Thời gian qua, sau 7 lần tăng liên tiếp, chỉ có một lần giảm, giá xăng dầu trong nước đã bị đẩy lên cao kỷ lục. Việc đó đã tác động rất lớn tới hoạt động sản xuất cũng như kéo theo nhiều mặt hàng lên giá, gây áp lực lên lạm phát.
Vì vậy, nhiều ý kiến kiến nghị, cùng với việc giảm “kịch khung” Thuế bảo vệ môi trường thì cũng cần sớm áp dụng chính sách giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng dầu, đồng thời có chính sách quản lý, điều hành xăng dầu phù hợp trong bối cảnh áp lực lạm phát đe dọa gia tăng.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, lạm phát tại Việt Nam chưa quá nóng như các nước Âu- Mỹ. Nhưng nguy cơ và sức ép là hiện hữu nên phải thận trọng với việc điều hành giá cả để đảm bảo mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4% trong bối cảnh giá xăng dầu liên tục tăng, ảnh hưởng tới giá nguyên liệu đầu vào và chi phí logistics.
Còn bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho rằng nguy cơ áp lực lạm phát những tháng cuối năm là lớn, do chịu tác động từ 5 yếu tố. Thứ nhất, biến động giá xăng dầu tác động đến mặt bằng giá nhiều hàng hóa quan trọng như xăng, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, vận tải. Thứ hai, giá lương thực, thực phẩm có khả năng tăng trong các tháng cuối năm khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nhu cầu tiêu dùng của người dân đang trở lại mức trước dịch. Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ trong dân tăng mạnh, qua đó đẩy giá hàng hóa và dịch vụ lên cao. Thứ tư, việc điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục và y tế theo lộ trình sẽ tác động lên chỉ số giá tiêu dùng. Thứ năm, việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7 sẽ làm tăng CPI.
Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết nhiều doanh nghiệp thủy sản buộc phải tạm dừng đi biển trước “bão” giá xăng dầu và gánh nặng chi phí logistics. “Một doanh nghiệp cỡ trung bình của Việt Nam một tháng xuất đi 10-15 container. Như vậy, chi phí cho dịch vụ logictics mỗi tháng có thể lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ đồng”- theo ông Nam.
Ông Nam cũng cho rằng, bên cạnh chi phí logistics, một tàu biển với chiều dài 12-15m tốn 300 triệu đồng chi phí xăng dầu cho mỗi chuyến đánh bắt. Như vậy, tàu phải khai thác được 10-15 tấn cá ngừ mới đủ bù chi phí và có một chút lợi nhuận. “Tàu nằm bờ là nhà máy chế biến đối diện nguy cơ thiếu nguyên liệu” - ông Nam bày tỏ lo ngại.
Trong bối cảnh đó, TS Nguyễn Thị Quỳnh Hoa - Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), cho rằng Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và sử dụng các công cụ thuế như thuế nhập khẩu, Thuế tiêu thụ đặc biệt để bình ổn giá xăng, dầu, trong đó không loại trừ phương án điều chỉnh giảm Thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này trong bối cảnh thuế và các loại chi phí chiếm khoảng 35% trong cơ cấu giá bán lẻ xăng, dầu - tức là người tiêu dùng hiện phải trả gần 12.000 đồng tiền thuế, phí với mỗi lít xăng, dầu.
Bà Hoa cũng cho rằng, không nên điều chỉnh giá nhiều mặt hàng do Nhà nước quản lý vào cùng một tháng. Đặc biệt khi điều chỉnh học phí cần điều chỉnh giãn ra giữa các địa phương để tránh tạo áp lực cao lên lạm phát, khi năm học mới cũng sắp bắt đầu.
Bộ Công thương vừa có văn bản số 3822/BCT- TTTN gửi Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao. Bộ Công thương đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ ngành, địa phương có hoạt động sản xuất đánh bắt thủy, hải sản rà soát, cân đối, bố trí ngân sách để hỗ trợ giá xăng dầu cho ngư dân. Nguồn hỗ trợ bằng tiền từ ngân sách nhà nước. Theo Bộ Công thương, cách hỗ trợ chi phí nhiên liệu sẽ hiệu quả hơn hỗ trợ cho thuyền viên làm việc trên tàu cá đang ngừng hoạt động; dochi phí nhiên liệu thường chiếm 45-60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản.