‘Hạ nhiệt’ giá xăng dầu
Ngày 6/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu kể từ ngày 11/7.
Băn khoăn giá xăng tăng liên tục
Tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV vừa qua, nhiều ĐBQH đã lên tiếng đề nghị Chính phủ, Quốc hội có biện pháp để góp phần giảm giá xăng. ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TPHCM) đề nghị, Chính phủ nên sớm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm các loại thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng, trong đó mặt hàng quan trọng nhất là mặt hàng xăng dầu. Đây cũng là đề nghị của ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) khi cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục đề xuất với Quốc hội có giải pháp tiếp tục giảm các loại thuế xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu, tránh được những tác động về giá từ xăng dầu sang các mặt hàng khác.
Quả thực, giá nhiên liệu, năng lượng, lương thực, thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng cao, kéo theo lạm phát toàn cầu có xu hướng tăng. Chuỗi cung ứng và thị trường tài chính thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng, kinh tế toàn cầu phục hồi chậm. Hoạt động sản xuất kinh doanh ở một số ngành, lĩnh vực còn khó khăn, chi phí đầu vào sản xuất vận tải tăng tạo áp lực cho Chính phủ trong kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh ấy, rất cần có biện pháp đảm bảo an ninh năng lượng, nhất là kiềm chế, bình ổn giá xăng, dầu để hạn chế nguy cơ lạm phát. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả hàng hóa, đặc biệt là vật tư, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp để có chính sách, giải pháp kịp thời, đảm bảo cân đối cung, cầu. Điều hành bình ổn giá, phù hợp, bảo đảm cung ứng các nguồn năng lượng trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu và các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là cân đối về điện, than, xăng, dầu.
Giảm kịch khung thuế bảo vệ môi trường
Nhận thấy những vấn đề về giá cả của mặt hàng xăng dầu đang tác động không nhỏ đến nền kinh tế, nên Thường vụ Quốc hội đã có phiên họp đột xuất.
Tại Phiên họp, trên cơ sở Tờ trình của Chính phủ về dự án Nghị quyết về mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và Báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều nhất trí cao về việc cần thiết phải ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn so với quy định hiện hành để kịp thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước đang tăng cao hiện nay.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết với tỷ lệ tán thành đạt 100%. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí giảm thuế BVMT về mức sàn trong Biểu khung thuế suất như đề nghị của Chính phủ, cụ thể: Xăng (trừ etanol) giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; dầu hỏa giữ mức thuế 300 đồng/lít. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nêu rõ, đây là mức giảm “kịch khung” mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thẩm quyền quyết định theo sự ủy quyền của Quốc hội.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, xăng dầu là mặt hàng vừa chiến lược vừa thiết yếu, được quản lý theo nguyên tắc thị trường nhưng có sự điều tiết của Nhà nước, thuộc danh mục các mặt hàng được Nhà nước bình ổn giá. Dẫn số liệu tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chi phí xăng dầu chiếm khoảng 3,52% tổng chi phí của nền kinh tế và giá xăng dầu tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP của toàn bộ nền kinh tế sẽ giảm khoảng 0,5%.
“Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng như hiện nay thì việc bình ổn giá mặt hàng xăng dầu trong nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa kiềm chế lạm phát (nhất là trong điều kiện hiện nay khi lạm phát không còn ở diện cục bộ nữa mà ở hầu hết các nước do những tác động kép của đại dịch Covid-19, những căng thẳng về địa chính trị trên thế giới, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng và giá nguyên liệu, vật tư, lương thực đều tăng...), vừa góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện để thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Giá xăng dầu giảm thì giá các mặt hàng khác cũng sẽ giảm. Khi đó, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế sẽ được hưởng lợi cả hai vòng: vừa trực tiếp vừa gián tiếp”, Chủ tịch Quốc hội phân tích.
Giảm để kịp cho kỳ điều hành kế tiếp
Về thời điểm có hiệu lực thi hành, Chính phủ đề xuất nhanh nhất đến ngày 22/7 để kịp ban hành Nghị định hướng dẫn và triển khai thực hiện. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế BVMT đối với xăng dầu trong điều kiện hiện nay là rất cấp bách, thực hiện càng sớm bao nhiêu thì càng hiệu quả bấy nhiêu. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất Nghị quyết sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 11/7. Đây thực sự là một nỗ lực của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Một quyết sách vì nền kinh tế, vì người dân.
“Chính phủ đã rất nỗ lực, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương thực hiện cam kết tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội Khoá XV. Ngay khi các đồng chí có Tờ trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiến hành thẩm tra ngay và triệu tập phiên họp bất thường để xem xét, thông qua Nghị quyết. Với tinh thần khẩn trương như vậy, chúng ta cố gắng hoàn thành ngay các công việc tiếp theo để triển khai Nghị quyết sớm nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài giảm thuế, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu có các chính sách hỗ trợ các đối tượng bị tác động trực tiếp trong trường hợp giảm giá xăng mà vẫn gặp khó khăn như: ngư dân đánh bắt thuỷ sản xa bờ, giao thông vận tải, người nghèo, người có thu nhập thấp... Chính phủ cần chủ động để có giải pháp phù hợp, kịp thời. Cùng với đó, cần tiếp tục rà soát các yếu tố cấu thành cơ cấu giá xăng dầu theo đúng yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn vừa qua.
Giảm thuế BVMT đánh vào xăng, dầu, mỡ nhờn được kỳ vọng là biện pháp cấp bách nhằm hỗ trợ, giảm các chi phí đầu vào cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giữ giá bán hàng hóa; bởi, giá nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã giữ xu hướng tăng đều trong gần 2 năm qua và chưa có xu hướng giảm đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
ĐB Trần Thị Vân (Bắc Ninh) chia sẻ, khi đi tiếp xúc cử tri, người dân và doanh nghiệp rất lo lắng khi giá tiêu dùng của một số ngành hàng thiết yếu tăng cao, đặc biệt là xăng, dầu; kéo theo giá nguyên vật liệu đầu vào của ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp cũng như giá lương thực, thực phẩm tăng theo, đã tác động rất lớn đến đời sống của người dân và doanh nghiệp vốn đã rất khó khăn khi dịch Covid-19 vẫn chưa qua.
Nhưng có lẽ giảm thuế BVMT cũng chỉ là một trong các biện pháp khi mà giá xăng dầu thế giới chưa có dấu hiệu hạ nhiệt; dù rằng, để giảm được mức thuế BVMT đã là nỗ lực rất lớn. Vậy nên, nếu có thể xem xét giảm thêm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng sẽ góp phần giảm giá xăng thêm nữa- đương nhiên ngân sách sẽ chịu áp lực nhưng biện pháp ấy cũng có thể giúp chia sẻ với doanh nghiệp và người dân. Doanh nghiệp, người dân bớt khó khăn, thì nền kinh tế cũng bớt đi phần nào khó khăn.