Phát huy giá trị Bảo vật quốc gia
Những năm qua, không chỉ nhiều di tích văn hóa, lịch sử, di tích cấp quốc gia bị xâm hại, làm mới mà nhiều bảo vật quốc gia cũng đã bị tác động và thiếu phương án bảo vệ hiệu quả. Các cơ quan chức năng cần có nhiều biện pháp quyết liệt hơn, để không chỉ bảo vệ những bảo vật quốc gia, mà còn giúp những giá trị của bảo vật được lan tỏa, phát huy.
Bị xâm hại
Cột đá điêu khắc chạm rồng chùa Dạm ở xã Nam Sơn, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2017. Đây là hiện vật điêu khắc được đánh giá là hoàn mỹ và hoành tráng nhất trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam. Cột đá liền khối cao trên 4m, đặt trên bệ đá hai cấp cao gần 1m. Phần trụ tròn được chạm nổi đôi rồng ngoắc đuôi vào nhau, quấn quanh cột, chân trước chụm vào cùng nâng một viên ngọc. Hai đầu rồng trong tư thế chầu nhau, mỗi con ngậm một viên ngọc, mắt sáng trong tư thế hướng lên bầu trời.
Mới đây bệ đá bảo vật đã bị gắn một bàn thờ ximăng. Theo Ban Quản lý di tích, việc này là do các bô lão trong xã làm và có tác động đến toàn bộ hiện vật. Ngay sau đó, Ban Quản lý di tích đã phải xử lý phần bàn thờ ximăng này.
Cách đây hai năm, bên trong Bảo vật quốc gia Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên - Huế) cũng bị viết, vẽ bậy. Điều đáng nói, nhiều người đã dùng vật nhọn viết chi chít chữ và không thể xóa được. Đại Hồng Chung là một pháp khí được chúa Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) cho đúc năm 1710. Chuông nặng hơn 2.000 kg, cao 2,5m, đường kính miệng 1,4m; hoa văn trên thân chuông được chạm trổ tinh vi với các hình ảnh biểu tượng của cả 3 luồng tư tưởng lớn của Á Đông là Phật giáo, Lão giáo và Khổng giáo, thể hiện ước nguyện mưa thuận gió hòa, đất nước thái bình, vẹn toàn trí tuệ Phật pháp. Cùng số phận với Đại Hồng Chung chùa Thiên Mụ, Bảo vật quốc gia bia Khiêm Cung Ký tại Lăng vua Tự Đức cũng bị khách tham quan vẽ chằng chịt. Lăng Tự Đức là một địa điểm du lịch trọng yếu, có nhiều bảo vệ của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Không ít bảo vật, di tích đặc biệt khác bị xâm hại, hoặc bị chính du khách tác động xấu, khiến các ban quản lý phải tu chỉnh hoặc phải xử lý mất thời gian, song ít nhiều giá trị của các hiện vật đã bị ảnh hưởng.
Khó khăn trong bảo quản và phát huy
Hiện nay Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi đang bảo quản 3 Bảo vật quốc gia, bao gồm: Bộ sưu tập trang sức vàng Trà Veo 3 và Lâm Thượng, cùng 2 bảo vật được công nhận trước đó là, tượng cổ tu sĩ Chămpa Phú Hưng và bộ bình gốm đất nung Long Thạnh.
Ngoài ra, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi còn lưu giữ hơn 22 nghìn hiện vật có giá trị văn hóa, lịch sử; trong đó, gần chục hiện vật xứng tầm bảo vật quốc gia đã và đang tiếp tục đề nghị công nhận. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của các bảo vật đang gặp rất nhiều khó khăn. Với những bảo vật đã được công nhận cũng chưa thể trưng bày, để người tham quan có thể được chiêm ngưỡng.
Luật Di sản văn hóa khẳng định: “Bảo vật quốc gia là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị đặc biệt quý hiếm tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học”. Bởi vậy việc bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị bảo vật quốc gia là gìn giữ di sản của cha ông, dân tộc. Song những năm qua xảy ra hiện tượng cổ vật, bảo vật bị lấy trộm. Tại Hà Nội, tình trạng trộm cắp cổ vật, đồ thờ tự tại các điểm di tích diễn ra với mật độ ngày càng tăng, số lượng cổ vật bị mất ngày càng nhiều. Theo ngành văn hóa Hà Nội, hiện Thủ đô có gần 6.000 di tích, trong đó có có 1 di tích được công nhận là Di sản Thế giới, 18 Di tích Quốc gia đặc biệt, và có một thống kê khiến mọi người không khỏi giật mình là từ năm 2009 đến nay, đã có 20 di tích trên địa bàn 7 quận, huyện đã bị mất hàng trăm cổ vật, hiện vật, di vật quý.
Theo tìm hiểu, tiêu chuẩn bảo quản bảo vật phải tùy thuộc vào đặc điểm chất liệu và niên đại của từng bảo vật để có phương pháp bảo quản riêng phù hợp. Nhưng hiện nay các bảo vật quốc gia đang được áp dụng một điều kiện bảo quản chung và chưa có nhiều khác biệt so với các hiện vật thông thường khác tại bảo tàng, cũng chưa có những tủ bảo quản chuyên biệt để đảm bảo về nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho từng hiện vật, với từng chất liệu khác nhau.
Tỉnh Cao Bằng có 3 bảo vật quốc gia gồm: Bia Ma nhai Ngự chế của vua Lê Thái Tổ; đôi chuông chùa Viên Minh và đền Quan Triều tại quần thể di tích Đà Quận, xóm Đà Quận, xã Hưng Đạo (TP Cao Bằng).
Theo lãnh đạo Bảo tàng tỉnh Cao Bằng và hồ sơ ghi chép, bia Ma nhai Ngự chế do vua Lê Thái Tổ cho người khắc trên vách đá ở núi Phja Tém thuộc xã Hồng Việt, huyện Hòa An từ năm 1431, nhằm khẳng định chủ quyền quốc gia của nước Đại Việt ở Cao Bằng. Bia có giá trị đặc biệt quý hiếm, tiêu biểu của đất nước về lịch sử, văn hóa, khoa học, được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2020.
Thế nhưng, đường vào khu di tích, nơi có Bảo vật quốc gia chỉ là một lối mòn nhỏ rậm rạp. Không gian bao quanh chỉ có cây rừng, cỏ dại, vách đá âm u khiến ít ai nghĩ một nơi như thế đang có một Bảo vật quốc gia. Bia có 15 hàng chữ nhưng hiện nay chỉ còn 9 hàng chữ rõ nét, 6 hàng chữ phía bên phải bia đã bị bào mòn theo thời gian.
Hiện nay Bảo tàng tỉnh Cao Bằng đang phối hợp tổ chức xây dựng, hoàn thiện phương án cụ thể về bảo quản bảo vật quốc gia như: tham mưu đề xuất phương án ứng dụng phủ lớp nano lên bề mặt Bia Ma nhai Ngự chế để chống lại tác động của mưa nắng; tham vấn các chuyên gia phân tích giá trị, thẩm mỹ và cố vấn để có phương án bảo quản đôi chuông trong gác chuông chùa Viên Minh hiệu quả.
Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh lưu trữ hơn 1.000 ván khắc của bộ mộc bản Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh - một trong 23 bảo vật quốc gia vừa được công nhận năm 2021. Có thể thấy không gian lưu giữ bộ mộc bản này cũng tương tự như những cái kho để các loại hiện vật khác, không có chế độ bảo quản riêng biệt. Điều này vô hình chung đã làm giảm giá trị của bộ mộc bản và ít nhiều cũng có những tác động đến tuổi thọ của bảo vật.
Sau 10 đợt công nhận, hiện nay cả nước ta có 238 bảo vật quốc gia. Tất cả bảo vật quốc gia được quản lý theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Thế nhưng ngoài khó khăn về cơ sở vật chất để bảo quản bảo vật, thì khó khăn về con người cũng là điều mà nhiều bảo tàng địa phương đang vướng. Bởi bảo vật quốc gia mỗi nơi mỗi khác, với đa dạng hình thái, màu sắc, chất liệu, nếu không có kiến thức, phương pháp bảo quản riêng biệt cho từng hiện vật thì khó có thể kéo dài tuổi thọ của các hiện vật giá trị.
Có một điểm, để bảo vật “cất tiếng” và không chỉ là vật lưu trữ trong kho, thì cần đưa đến gần hơn với công chúng. Nhưng rõ ràng ở nhiều nơi, người quan tâm đến đều khó tiếp cận, thưởng lãm, nghiên cứu những hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia.
Có một nguyên nhân quan trong nhất là để giữ an toàn. Bởi thế, đã có thực tế là khi chưa được công nhận thì thì những hiện vật, nhóm hiện vật này còn được đưa ra triển lãm. Khi đã được gắn “vương miện” thì được bảo quản đến mức... ít người được tiếp cận.
Cách đây không lâu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản số 801/BVHTTDL-DSVH gửi các bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác bảo vệ, bảo quản, phát huy giá trị của bảo vật quốc gia... trong đó có nhấn mạnh việc phát huy giá trị bảo vật quốc gia: Xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình riêng để quảng bá giá trị của bảo vật quốc gia tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước.
Hy vọng với sự chỉ đạo này, công chúng và du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng về giá trị tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu cho một khuynh hướng, phong cách, thời đại; hoặc là sản phẩm được phát minh, sáng chế tiêu biểu.